Báo Đồng Nai điện tử
En

Các bệnh tiêu hóa thường gặp dịp tết

03:02, 02/02/2016

Trong những ngày qua, nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện, điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai do dùng quá nhiều rượu, bia, thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Trong những ngày qua, nhiều trường hợp bệnh nhân phải nhập viện, điều trị nội trú tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai do dùng quá nhiều rượu, bia, thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết trung bình mỗi ngày khoa điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân thì có đến 50% bị các bệnh có liên quan đến ăn uống vào dịp cuối năm. Trong số đó, nguy hiểm nhất là 2 chứng bệnh: viêm tụy cấp và xuất huyết tiêu hóa.     

* Nguy hiểm của bệnh viêm tụy cấp

Sau hơn 2 tuần điều trị bệnh viêm tụy cấp, ông T.V.V., ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) vẫn còn chưa hết đau bụng hẳn. Ông V. kể, vào những ngày cuối năm, ông thường xuyên phải uống rượu, bia khi dự các buổi liên hoan cùng bạn bè. Vào sáng ngày 15-1, ông bị đau bụng quằn quại đến mức không thể chịu nổi, đầu óc choáng váng nên phải nhập cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành. Sau 4 ngày điều trị, ông vẫn đau bụng, sốt cao nên được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để điều trị và được phát hiện bị viêm tụy cấp, dịch tự do ở bụng, tràn dịch màng phổi 2 bên.
Trong những ngày qua, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai còn tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca viêm tụy cấp. Theo bác sĩ Đinh Cao Minh, viêm tụy cấp là bệnh nguy hiểm vì nếu viêm tụy nặng có thể dẫn tới sốc, tụt huyết áp, nhiễm trùng, hoại tử và tử vong. Bệnh viêm tụy cấp xuất hiện sau những bữa ăn thịnh soạn, nhiều dầu mỡ hoặc uống rượu bia nhiều, uống liên tục. Bệnh nhân sẽ xuất hiện những cơn đau rất dữ dội “như dao đâm” ở vùng trên rốn do vùng tụy bị viêm. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm tụy rồi nếu ăn uống quá tải thức ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều bia, rượu thì bệnh viêm tụy cũ sẽ có nguy cơ tái phát.

Bên cạnh đó, số ca xuất huyết tiêu hóa nhập viện điều trị cũng có xu hướng tăng cao trong những ngày gần tết. Bác sĩ Đinh Cao Minh cho biết, bệnh xuất huyết tiêu hóa xuất hiện ở bệnh nhân có tiền căn viêm loét dạ dày do ăn đồ chua, ăn uống không đúng giờ, căng thẳng, uống rượu bia nhiều. Từ đó, bệnh nhân có triệu chứng ói nhiều nên từ viêm loét thông thường sẽ chuyển thành viêm loét nặng gây xuất huyết tiêu hóa. Biểu hiện của bệnh này là: ói ra máu, đại tiện ra phân màu đen, trường hợp nặng có màu đỏ, trong trường hợp ói ra máu nhiều sẽ gây sốc dẫn đến tử vong.   

* Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Càng những ngày gần tết, số ca bệnh liên quan đến tiêu hóa phổ biến nhất là tình trạng viêm dạ dày ruột do ngộ độc thực phẩm nhẹ. Phần lớn các bệnh nhân đều có triệu chứng khó tiêu, đầy bụng, ói, tiêu chảy. Nguyên nhân chính là do sử dụng thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn do thức ăn hâm đi hâm lại, ôi thiu; rau rửa không sạch, từ nước đá nhiễm khuẩn, từ đồ hộp bảo quản không tốt...
Bà T.T.N., ở KP.4, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa), cho biết bà ăn cháo hải sản, rau đắng và sau đó bà bị đau quặn bụng, đại tiện liên tục, không cầm được nên được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Bà N. nói, nhiều năm nay bà bị viêm đường ruột mãn tính nên ăn uống hay bị tiêu chảy. do đó, nếu ăn thức ăn nào tái hoặc rau sống là y như rằng bà phải nhập viện để cấp cứu do bị ngộ độc thức ăn.

Về vấn đề này, bác sĩ Đinh Cao Minh cho biết thêm, hiện nay thực phẩm không rõ nguồn gốc rất nhiều, đặc biệt các loại rau, như: rau húng, xà lách, cải xanh... dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu rau nhiễm vi khuẩn thông thường thì chỉ rửa sạch dưới vòi nước, nhưng nếu nhiễm vi khuẩn amip thì rửa bằng vòi nước cũng không sạch, nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao nên rất dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Đinh Cao Minh cho biết ở dạng nhẹ sẽ gây viêm dạ dày hoặc viêm ruột: nếu bị viêm dạ dày sẽ có triệu chứng đau bụng, ói; nếu bị viêm ở ruột sẽ gây đau bụng quặn từng cơn, phân lỏng, nước, nhầy và có máu; nếu nhiễm khuẩn sẽ gây sốt, mất nước nhẹ, nếu nặng sẽ gây mất nước điện giải, gây tê tay, tê chân, thậm chí tụt huyết áp. Ở người già, tiêu chảy nhiều nếu để mất nước sẽ dễ bị suy thận, do đó việc bù nước rất quan trọng.

Đặng Ngọc


 

Tin xem nhiều