Vẫn biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng nhiều người ghiền vẫn không bỏ được. Họ không chỉ làm tổn thương sức khỏe của mình mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác khi "hút" phải khói thuốc lá do những người này thải ra.
Vẫn biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nhưng nhiều người ghiền vẫn không bỏ được. Họ không chỉ làm tổn thương sức khỏe của mình mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác khi “hút” phải khói thuốc lá do những người này thải ra.
Nhiều trẻ bị viêm phế quản, viêm phổi do sống trong môi trường có khói thuốc lá. (ảnh minh họa) |
Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, mức độ tác động của khói thuốc lá đến sức khỏe người hút thuốc thụ động còn nặng hơn người hút chủ động, vì phải “hít” cả những chất độc từ người này thải ra…
* Ô nhiễm khói thuốc lá: Từ nhà ra phố
Đưa con đi khám ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chị Mai Thị Hiền (ở phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa), cho biết: “Bác sĩ nói cháu bị viêm phế quản cấp. Cháu sinh thiếu tháng nên rất hay bệnh, mỗi khi trời chuyển mùa, cháu thường bị khò khè, nhất là khi gặp môi trường có khói thuốc, cháu như không thở nổi. Mặc dù tôi đã nói rất nhiều lần, nhưng chồng tôi vẫn hút thuốc trong nhà. Mỗi lúc như thế, tôi cũng thở không nổi, phải bế con ra đường để tránh”. Chị Hiền còn cho biết thêm, khi thai mới 7 tháng rưỡi chị đã phải sinh non. “Hôm ấy bác sĩ khám và hỏi tôi có hút thuốc lá không. Giờ tôi mới biết nguyên nhân tôi sinh non là vì thường xuyên sống trong môi trường có khói thuốc lá: ở nhà hít phải khói thuốc của chồng, lên cơ quan thì hít phải khói thuốc của đồng nghiệp cùng phòng” - chị Hiền phàn nàn.
Không chỉ có mình chị Hiền phải chịu cảnh chồng hút thuốc lá, vợ con mang họa mà ở rất nhiều gia đình, cơ quan… những người không hút thuốc lá vẫn phải hít thứ khói thải chết người ấy vào phổi. Anh Trần Thanh Tòng (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) kể, có lần anh đi công tác tỉnh Cà Mau. Ngồi trên xe tốc hành có máy lạnh, xe đóng kín cửa nhưng một thanh niên ngồi gần thản nhiên nhả khói thuốc lá. Rất nhiều người lên tiếng phản đối, nhưng thanh niên này vẫn không những không dập thuốc mà còn đứng lên sừng sộ: “Tui hút miệng tui, mắc mớ gì đến mấy người mà nói. Ai không chịu nổi thì xuống đi xe khác”. Thấy thanh niên này xăm trổ đầy mình, nhiều người nín khe, kể cả nhà xe. Đã có 2 phụ nữ có con nhỏ phải xuống đón xe khác vì các cháu khóc ngặt ngẽo do ngộp khói thuốc lá. “Tôi cũng là người hút nhiều, nhưng khi chứng kiến cảnh này và cũng phải ngồi chịu trận ngửi khói thuốc lá của người khác, tôi nghĩ có lẽ mình cũng làm phiền người khác như thế. Sau chuyến ấy về, tôi bỏ luôn thuốc lá” - anh Tòng nói.
* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại và những người hít phải khói thuốc lá ấy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thế nhưng, không phải ai cũng có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình và người khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, người không hút thuốc lá sống hoặc làm việc chung với người hút thuốc lá sẽ tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim là 25%, tăng nguy cơ bệnh tim 60%. Bên cạnh đó, 10% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do hút thuốc lá thụ động. Chưa kể đến những bệnh khác, như: hen suyễn, nhức đầu, chóng mặt, viêm mũi, dị ứng do thuốc lá…
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá thụ động rất nguy hiểm. Bởi những người hút thuốc chủ động họ hít vào và nhả hơi ra, còn người hút thuốc thụ động chỉ có hít vào mà không thở ra. Cũng theo WHO, trong khói thuốc lá chứa 7 ngàn chất độc hóa học, trong đó có hơn 70 chất gây ung thư. Khi hít phải khói thuốc, tất cả các chất độc hại này sẽ xâm nhập và nhiều chất đã ở lại luôn trong cơ thể người hút thuốc thụ động. Riêng trong không khí, những chất độc này có thể tồn tại hơn 2 giờ, ngay cả khi người ta không còn nhìn hoặc ngửi thấy nữa. Do đó, những người thường xuyên sống hoặc làm việc cạnh người hút thuốc lá có thể tiếp nhận lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu mỗi ngày. |
Cũng theo bác sĩ Khánh, khói thuốc lá gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất của trẻ em cao gấp 10 lần của người lớn. Cùng sống trong môi trường khói thuốc, nhưng trẻ em luôn có xu hướng bị nặng hơn người lớn bởi phổi của trẻ chưa phát triển hết các chức năng. Khi hít phải khói thuốc lá, những chất độc có trong khói thuốc sẽ ngấm vào phổi và không thể tự thải ra được, do đó tình trạng viêm phổi sẽ nặng hơn. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đeo đuổi cả cuộc đời trẻ”.
Ngoài bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá còn mắc những bệnh khác, như: nhiễm trùng hô hấp, sốt, ho, sổ mũi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản. Một trong những khảo sát gần đây của Bệnh viện nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) cho thấy, hơn 80% ca bệnh nhi nhập viện vì viêm tiểu phế quản là do trong nhà có người thân thường xuyên hút thuốc lá.
“Từ bỏ thuốc lá là điều không dễ với nhiều người. Nhưng hãy nghĩ đến sức khỏe của bản thân và những người trong gia đình trước khi quyết định đốt điếu thuốc lá lên” - bác sĩ Khánh nói.
Khánh My