Đã nhiều năm nay, quan niệm những công trình nghiên cứu khoa học được đóng bìa hoành tráng rồi xếp trong kho thư viện, hay đào tạo sinh viên "lạc" địa chỉ… đã thay đổi.
Đã nhiều năm nay, quan niệm những công trình nghiên cứu khoa học được đóng bìa hoành tráng rồi xếp trong kho thư viện, hay đào tạo sinh viên “lạc” địa chỉ… đã thay đổi.
Tại Đồng Nai, một số cơ sở đào tạo đã lấy đơn “đặt hàng” từ thực tiễn làm áp lực và cũng là động lực để nâng cao chất lượng giảng dạy của trường.
* Gắn với thực tiễn
Theo TS. Nguyễn Vũ Quỳnh, Trưởng khoa cơ điện - điện tử, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học Trường đại học Lạc Hồng, khi trường mới thành lập, hầu hết đề tài nghiên cứu của sinh viên tập trung vào hướng nghiên cứu lý thuyết. Nhận thấy việc các sinh viên nghiên cứu tài liệu hoặc lên mạng tìm thông tin để viết báo cáo không đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên nhà trường đã có bước đột phá trong quan điểm nghiên cứu.
Sinh viên Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành) đã được tiếp cận với nhiều chương trình đào tạo quốc tế. |
Cũng theo TS. Quỳnh, thay vì tập trung cho sinh viên nghiên cứu lý thuyết, nhà trường hướng mạnh vào nghiên cứu ứng dụng. Từ đó, nhà trường đã năng động tìm đối tác trong và ngoài tỉnh, kể cả những doanh nghiệp đòi hỏi chất lượng khoa học - kỹ thuật cao như Nhật Bản, để tìm kiếm các vấn đề cần nghiên cứu từ thực tế quản lý và sản xuất của doanh nghiệp cho giảng viên và sinh viên cùng nghiên cứu.
Ở bậc cao đẳng nghề, để sinh viên ra trường có thể bắt tay ngay vào công việc, trở thành công nhân lành nghề, kỹ thuật viên, kỹ sư thực hành có tác phong công nghiệp, lao động an toàn cao, văn minh, lịch sự và có ý thức bảo vệ môi trường, Trường cao đẳng nghề Lialama 2 đặc biệt quan tâm đến tiêu chí “đào tạo nghề công nghiệp, người học phải biết rõ các tiêu chuẩn công nghiệp”. Lãnh đạo đã từng bước xây dựng một môi trường công nghiệp văn minh với các tiêu chí khắt khe ngay tại nhà trường. Vì xưởng học như xưởng sản xuất tại doanh nghiệp, nên sinh viên khi bước vào xưởng thực hành có hệ thống camera giám sát; sinh viên được tập thói quen học xong là dọn dẹp dụng cụ ngăn nắp, không có trường hợp hút thuốc lá, nhai kẹo cao su bừa bãi…
* Cam kết tiêu chuẩn trong đào tạo
Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi Nguyễn Đình Thái nhận định: “Trong thực hiện đơn hàng nhân lực với doanh nghiệp, nhà trường cần cam kết chất lượng đào tạo thông qua những tiêu chuẩn rõ ràng. Sinh viên khi tốt nghiệp ở trường sẽ đạt trình độ về chuyên môn, ngoại ngữ ở mức nào, tác phong làm việc ra sao… đều có chuẩn đánh giá”. Chẳng hạn, với ngành công nghệ may ở trường, sinh viên được đào tạo theo chương trình và tiêu chuẩn của Pháp. Nhà trường và doanh nghiệp lấy chuẩn ấy xác định tay nghề của sinh viên. Đó cũng chính là cam kết, uy tín, thương hiệu của nhà trường.[links(right)]
Đồng quan điểm đề cao tiêu chuẩn trong đào tạo nghề, ở Trường cao đẳng nghề Lilama 2, nhà trường đã nỗ lực đào tạo theo chuẩn quốc tế. Riêng phần đánh giá sinh viên là do hệ thống đảm bảo chất lượng quốc tế, các đơn vị quốc tế mà trường hợp tác, như các tổ chức: UNESSCO - ISCED 2011, IHK của Đức, City & Guilds (Anh); AWS (Hoa Kỳ)… đảm nhận. Bằng tốt nghiệp của sinh viên Lilama 2 được 80-100 quốc gia trên thế giới công nhận.
* Có bột mới gột nên hồ
Để chuyển hóa chương trình học gắn với thực tế, đạt chuẩn đến với từng sinh viên, các trường đã từng bước nâng chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, cũng như đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp.
Theo đó, Trường đại học Lạc Hồng đã từng bước tiếp cận với doanh nghiệp và xây dựng một kế hoạch hợp tác toàn diện cả trong đào tạo lẫn nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Song song với đầu tư về nhân lực phục vụ cho nghiên cứu khoa học, Trường đại học Lạc Hồng còn đầu tư số vốn cơ bản ban đầu trên 50 tỷ đồng để xây dựng cơ sở 6 - Trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyên dành cho thực hành, thực tập và chuyển giao công nghệ. Trong đó khu thực hành, thực tập và chuyển giao công nghệ với diện tích sàn sử dụng 3.357m2 và có đến 50 phòng bao gồm các phòng thí nghiệm chức năng, phòng chuyên đề, phòng trưng bày sản phẩm khoa học - kỹ thuật; phòng nghiên cứu và thí nghiệm về năng lượng mới, robot công nghiệp, thí nghiệm kiểm tra vật liệu...
Với mũi nhọn đào tạo công nghệ may, công nghệ giày, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi đã được Pháp hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cũng như chương trình đào tạo theo chuẩn của Pháp. Đặc biệt, 12 giảng viên các ngành trên đã được tiếp tục nâng cao trình độ tại Pháp trong 2 năm để khi về nước có thể nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của trường. Do đó, tuy chỉ giảng dạy ở bậc cao đẳng nhưng giảng viên của Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi lại được mời tham gia thành viên hội đồng thẩm định chương trình đào tạo ngành may của một trường đại học tên tuổi ở TP.Hồ Chí Minh.
Tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2, một trong những trường nghề theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam, điều may mắn là vào năm 2010, qua khảo sát, đoàn công tác của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Cộng hòa liên bang Đức (BMZ) và Cơ quan phát triển của Chính phủ Pháp (AFD) nhận thấy trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng nhà trường vẫn tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng, nên họ đã đồng ý hỗ trợ vốn ODA để đầu tư xây dựng nhà trường thành trung tâm đào tạo chất lượng cao quốc tế. Hiện nhiều chuyên gia nước ngoài cũng đang làm việc tại trường để hỗ trợ về chương trình đào tạo cũng như chiến lược phát triển của nhà trường.
Hay như Thụy Sĩ hỗ trợ Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu) đào tạo 50 học viên học nghề cắt gọt kim loại. Sau khi khi tốt nghiệp, các sinh viên này đã được các doanh nghiệp của Thụy Sĩ và Đức “chia nhau” tuyển hết. Thụy Sĩ còn tiếp tục hỗ trợ Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ đào tạo nghề cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp…
Lâm Viên