Theo các thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ vừa ký kết mới đây, từ ngày 3-11-2015, giáo viên các cấp học phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được hưởng lương tương đương với từng cấp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Theo các thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ vừa ký kết mới đây, từ ngày 3-11-2015, giáo viên các cấp học phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được hưởng lương tương đương với từng cấp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Tiết dạy Lịch sử của cô Mai Linh tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Ảnh: H.DUNG |
Giáo viên mỗi cấp học được chia thành 3 hạng. Mức lương của giáo viên cấp tiểu học từ hệ số lương 1,86 đến 4,98; giáo viên cấp THCS hưởng mức lương từ 2,10 đến 6,38; giáo viên cấp THPT hưởng lương từ 2,34 đến 6,78.
* Nhiều lo lắng
Mặc dù đã đến thời gian thông tư có hiệu lực, nhưng cho đến nay Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc phân hạng giáo viên khiến không ít giáo viên tỏ ra băn khoăn, lo lắng.
Cô Nguyễn Thị Long, Trường THCS Long Phước (xã Long Phước, huyện Long Thành), chia sẻ cô mới chỉ được nghe thông tin về việc phân hạng giáo viên trên các phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa có thông tin chính thức từ phía cấp trên, bởi vậy mà vẫn rất tù mù, chưa hiểu nhiều về vấn đề này. Cô Long cho biết: “Tôi có trình độ cao đẳng, đã đi dạy được 11 năm và hiện đang hưởng lương với hệ số 3,75. Khi nghe thông tin phân hạng giáo viên, chồng tôi hiện cũng là giáo viên THCS có nói rằng tôi nên đi học lên đại học để yên tâm, đảm bảo yêu cầu đặt ra. Vì chưa có thông tin chính thức nên giáo viên chúng tôi cũng rất băn khoăn, nhiều người lo lắng không biết trình độ và bằng cấp hiện tại của mình có đáp ứng được đòi hỏi đặt ra hay không”.
Đối chiếu thông tư liên tịch của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ với trường hợp của cô Long thì mức lương mà cô Long đang được hưởng hiện nay và bằng cấp mà cô Long hiện có tương ứng với giáo viên THCS hạng III (có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm). Để lên được giáo viên hạng II, hạng I, cô Long cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mà trước mắt là đạt trình độ đại học sư phạm đúng chuyên ngành; có trình độ ngoại ngữ bậc 2, 3; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản…
Trong số các tiêu chuẩn phân hạng giáo viên, nhiều giáo viên bày tỏ thắc mắc về tiêu chuẩn có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên hạng I, II, III, vì không biết chứng chỉ này do cơ quan nào đứng ra cấp.
* Ủng hộ phân hạng giáo viên
Nhiều giáo viên rất ủng hộ việc phân hạng, vì cho rằng việc phân hạng giáo viên sẽ cho thấy sự nhìn nhận đúng đắn của xã hội, tạo được sự công bằng cho những giáo viên “chịu khó đầu tư học tập”. Cô Trịnh Thị Mai Linh, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, cho biết: “Việc phân hạng giáo viên là cần thiết và đúng đắn. Do đó, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức để có thể đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới giáo dục”.
Khác với giáo viên THCS và THPT được phân hạng I, II, III, giáo viên bậc tiểu học được chia thành 3 bậc II, III và IV. Tiêu chuẩn chung của giáo viên tiểu học hạng II, III là có trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Điểm khác là giáo viên tiểu học hạng II phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm tiểu học hoặc đại học sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng II trở lên. Giáo viên tiểu học hạng III phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học hoặc cao đẳng sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng III. Giáo viên tiểu học hạng IV phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên; trình độ ngoại ngữ bậc 1; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên tiểu học là có ý thức trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh. |
Tuy nhiên, để đạt được giáo viên hạng I đối với bậc THPT không phải là dễ dàng vì đòi hỏi giáo viên phải có bằng tốt nghiệp thạc sĩ đúng hoặc phù hợp với môn học giảng dạy trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (nếu không có bằng đại học sư phạm); đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc. Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 3 theo quy định; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên THPT hạng I.
Ngoài ra, giáo viên THPT hạng I phải có khả năng vận dụng hoặc viết sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; có khả năng hướng dẫn học sinh THPT nghiên cứu khoa học - kỹ thuật; được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hoặc giáo viên THPT dạy giỏi/giáo viên THPT chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh...
Hạnh Dung