"Đừng tưởng dễ nha, đi vận động bà con cũng trầy trật lên, trầy trật xuống chứ không "bở" chút nào đâu" - với chất giọng hơi Nam bộ, ông Nguyễn Duy Đức, Trưởng ấp Thọ An (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) nói về công tác vận động người dân tham gia phát triển nông thôn mới.
“Đừng tưởng dễ nha, đi vận động bà con cũng trầy trật lên, trầy trật xuống chứ không “bở” chút nào đâu” - với chất giọng hơi Nam bộ, ông Nguyễn Duy Đức, Trưởng ấp Thọ An (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) nói về công tác vận động người dân tham gia phát triển nông thôn mới.
Người dân ấp Thọ An, xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) chăm sóc cỏ đậu phộng ven đường Ruộng Tre - Thọ An. Ảnh: H.Long |
Để phong trào xây dựng nông thôn mới ở ấp Thọ An ngày càng đạt chất lượng cao, Đảng ủy xã có chủ trương xây dựng đường làng luôn sáng, xanh, sạch và đẹp, và đó cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của các ban ấp từ nhiều tháng qua.
Bước đầu, ban ấp vận động nhân dân trồng cỏ đậu phộng (còn gọi là hoàng lạc thảo) hai bên đường, có điểm xuyết thêm các loại hoa mười giờ, hoa rau sam để có thêm màu sắc. Khi cỏ đậu phộng ra hoa, bà con trong ấp đều thích thú khi đi trên những con đường như thảm hoa vàng trên cỏ xanh, xen lẫn màu đỏ, hồng, cam của các loại hoa mười giờ, hoa sam tạo nên nhiều mảng màu rất đẹp mắt, nhất là vào buổi ban mai. Đến nay, hai bên đường từ ấp Ruộng Tre vào ấp Thọ An đã cơ bản phủ kín cây cỏ đậu phộng, các loài cỏ dại um tùm chen chúc nhau trước kia cũng biến mất. Người dân trong ấp nhận xét, chuyện trồng cỏ đậu dẹp cỏ dại cũng giống trong xã hội có nhiều điều tốt đẹp thì những cái xấu xa đâu có chỗ dung thân. Các bài giảng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ có phương châm là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” là vậy. Không chỉ người dân trong ấp, mà ai qua lại đoạn đường này đều đã thấy trong lòng thoải mái, hưng phấn tinh thần.
Có đường đẹp thì việc vận động người dân giữ gìn đường làng sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi hay để gia súc phóng uế; thường xuyên dặm vá, tưới nước trong mùa khô, giữ cho con đường được xanh, sạch, đẹp… trở nên dễ dàng hơn. Nhưng để người dân lưu thông được an toàn, cần phải có điện thắp sáng trên các con đường chính. Chỉ một bộ bóng đơn dạng compact để thắp sáng trên đường đã lên đến 250 ngàn đồng, nên để duy trì ánh sáng khắp các con đường quả là không dễ. Lúc đầu, ban ấp dự tính vận động mỗi hộ tự mắc bóng đèn theo quy cách, rồi điện kế nhà ai thì nhà nấy trả. Tưởng vậy là ổn, nhưng tính lại thì không khả thi bởi thiếu tính đồng bộ, ai muốn bật tắt lúc nào cũng được thì trở thành “chỗ sáng, chỗ tối”, hoàn toàn không mang tính tập thể. Do vậy, ấp đã xây dựng phương án khảo sát độ dài từng tuyến có bao nhiêu hộ dân, cần bao nhiêu bóng đèn, từ đó tính chi phí chia đều cho từng hộ để đóng góp. Giải pháp này được nhân dân trong ấp đồng tình ngay.
Ấp đã thực hiện thắp sáng được 2 đoạn đường bằng phương thức “xã hội hóa” như trên, hàng tháng ban ấp ghi số điện tiêu thụ ở đồng hồ tổng, rồi đến tận các hộ dân thu tiền chi trả cho điện lực. Ông Nguyễn Duy Đức cho hay: “Tuy có khó, cực cho anh em ban ấp, nhưng có làm như vậy thì bà con mới an tâm, tin tưởng mà thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước chớ!”.
Gần đây, nếu có dịp đi qua đoạn đường Ruộng Tre - Thọ An, mọi người sẽ thấy vui hơn vì ý Đảng đã hợp với lòng dân, dân tin ở Đảng, Đảng tin dân, tất cả cùng chung tay, chung sức xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc hơn. Mô hình “Sáng, xanh, sạch, đẹp” ở ấp Thọ An rất cần được triển khai rộng ở các vùng nông thôn mới.
Hoàng Long