Với những chính sách đồng bộ và quyết liệt trong công tác giảm nghèo, từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2014 Đồng Nai đã giảm được 35,2 ngàn hộ nghèo. Đồng Nai đã hoàn thành sớm hơn 1 năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) về công tác giảm nghèo.
Với những chính sách đồng bộ và quyết liệt trong công tác giảm nghèo, từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2014 Đồng Nai đã giảm được 35,2 ngàn hộ nghèo. Đồng Nai đã hoàn thành sớm hơn 1 năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) về công tác giảm nghèo.
Người dân xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc) thoát nghèo nhờ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo và nuôi dê sinh sản. |
Theo Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Văn Thuộc, năm 2015 tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện giảm nghèo theo chuẩn mới (giai đoạn 2015-2020) nhằm hướng tới những mục tiêu cao hơn và kết quả bền vững hơn.
* Hiệu quả từ chính sách đồng bộ
Ông Thuộc cho biết, kết quả giảm nghèo thời gian qua đạt được xuất phát từ 3 bài học kinh nghiệm, đó là: luôn có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc ban hành các chính sách thực hiện giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cũng đã chủ động kết nối để người nghèo có cơ hội tiếp cận nhanh và hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, người dân cũng đã thay đổi nhận thức, tự giác nỗ lực vươn lên bằng chính sức lực của mình.
Để tạo động lực giảm nghèo nhanh và bền vững, trong giai đoạn 2010-2015 tỉnh đã đưa ra chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia, trong đó chuẩn nghèo ở nông thôn của tỉnh là 650 ngàn đồng/người/tháng (chuẩn nghèo quốc gia là 400 ngàn đồng). Chuẩn nghèo ở thành thị của tỉnh là 850 ngàn đồng/người/tháng (chuẩn quốc gia là 500 ngàn đồng). Nếu như đầu năm 2011 toàn tỉnh có tới 42,5 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,22% hộ dân, thì đến cuối năm 2014 số hộ nghèo còn lại là 7.278 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ dưới 1% tổng số hộ trong tỉnh.
Từ cuối năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được trên 105 tỷ đồng xây 4.111 căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Tỉnh đã chỉ đạo cấp mới 9.275 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo. Miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho gần 516 ngàn lượt học sinh, sinh viên con em hộ nghèo với kinh phí 217.8 tỷ đồng. |
Ông Phan Trọng Hữu, Trưởng phòng giảm nghèo thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã huy động trên 1.461 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong đó ngân sách địa phương chủ động phần lớn, cùng với đó là nguồn hỗ trợ của Trung ương. Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai Huỳnh Công Nam cho biết, từ năm 2010 đến nay đã có 35.961 hộ nghèo của tỉnh được vay mới với số tiền 553 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ được vay trên 15,3 triệu đồng). Mục đích vay chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ phù hợp, làm công trình nước sạch, học nghề…
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết bám sát chương trình chỉ đạo giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh, sở đã triển khai sáng tạo các dự án khuyến nông cho người nghèo, đặc biệt ưu tiên ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, trong đó có mô hình dạy nghề chăn nuôi, trồng cấy, nghề thủ công, chế biến nông sản… Điển hình nhất là mô hình khuyến nông cho nông dân nghèo với kinh phí 14,6 tỷ đồng thông qua việc cung cấp cây, con giống, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, vật tư thiết yếu…
* Động lực cho người nghèo
Các chính sách giảm nghèo của tỉnh được triển khai tới tận cơ sở đã mang đến cho người nghèo nhận thức mới, động lực mới và từ đó đã tạo cho người nghèo cuộc sống mới. Bà Điểu Thị Thoa ở xã Bàu Trâm
(TX.Long Khánh), cho hay đầu năm 2011 gia đình bà thuộc diện nghèo nhất nhì ở ấp do không có nghề nghiệp, trình độ có hạn lại trót sinh đông con. Tuy nhiên, chỉ sau gần 2 năm được xã hỗ trợ gia đình bà đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Bà Thoa được xã tập huấn nuôi dê, trồng bắp lai, sau đó lại được vay vốn để mua dê giống, trồng bắp. Các con của bà Thoa đều được miễn học phí khi học nghề, đồng thời còn được nhận phụ cấp đầu mỗi kỳ học. Bà Thoa chia sẻ: “Nhà nước đã cho tôi động lực để thoát nghèo nên tôi mới có được cuộc sống hôm nay”.
Kết quả từ chính sách giảm nghèo được thể hiện rõ nét nhất là ở những đơn vị đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở 2 đơn vị TX.Long Khánh và huyện Xuân Lộc. Ông Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch HĐND huyện Xuân Lộc, cho biết từ đầu năm 2011 đến 2014, huyện đã huy động hơn 400 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo, do đó số hộ nghèo giảm rất nhanh. Nếu như cuối năm 2010 huyện còn trên 1 ngàn ngàn hộ nghèo nhóm A, thì cuối năm 2014 khi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Xuân Lộc đã không còn hộ nghèo nhóm A nào. Ông Nhật chia sẻ kinh nghiệm: “Yếu tố quan trọng là nâng cao nhận thức cho người nghèo kết hợp đồng bộ các nguồn lực chăm lo cho người nghèo của Nhà nước. Tuy nhiên, tuyệt đối không để tình trạng người nghèo ỉ lại vào Nhà nước”.
Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn ở huyện Định Quán. |
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cho biết do kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo có hạn, bởi ngân sách huyện còn khó khăn nên huyện đã đề ra giải pháp lâu dài và căn cơ hơn, đó là: tăng cường tập huấn và đào tạo nghề cho lao động ở các xã, đặc biệt ưu tiên cho các hộ nghèo. Mỗi năm huyện đào tạo nghề miễn phí cho trên 4 ngàn lao động ở các xã. Sau khi đào tạo nghề, huyện sẽ thu xếp để các hộ nghèo được ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất tập trung vào những nghề là lợi thế, phù hợp với trình độ sản xuất của người dân. Những năm qua, huyện đã có hướng tiếp cận mới cho các hộ nghèo, đó là đào tạo nghề may công nghiệp, đan lục bình... Sau khi được học nghề sẽ được giới thiệu việc làm, hoặc nhận gia công sản phẩm tại gia đình, tạo thêm nghề cho các thành viên trong gia đình và hàng xóm... “Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của huyện Định Quán là 16,6%, thì nay chỉ còn 3%. Đây cũng là giai đoạn mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh nhất từ trước tới nay” - ông Trần Quang Tú cho biết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, cho biết theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), chương trình giảm nghèo của tỉnh đã hoàn thành sớm mục tiêu trước 1 năm. Đây là một kết quả có tính thuyết phục cao, là thành quả của sự vào cuộc đồng bộ từ chính sách, phương pháp triển khai, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đặc biệt là nỗ lực và ý thức vượt nghèo của chính người dân. Công tác giảm nghèo đã thực sự là nhiệm vụ chung, không chỉ của ngành lao động - thương binh và xã hội, của các địa phương mà còn có cả những mô hình người dân khá giả chung tay nâng đỡ người nghèo đầy nghĩa tình và trách nhiệm. Công tác giảm nghèo được quan tâm đã tạo ra sự phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, đặc biệt là mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Công Nghĩa