Báo Đồng Nai điện tử
En

Từng bước đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo

10:09, 28/09/2015

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh tăng gần 4 ngàn giáo viên, hơn 81 ngàn học sinh, sinh viên và 44 trường học các cấp; tỷ lệ trường lớp được kiên cố hóa ngày càng tăng, giảm hẳn việc học tạm, học nhờ...

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh tăng gần 4 ngàn giáo viên, hơn 81 ngàn học sinh, sinh viên và 44 trường học các cấp. Tỷ lệ trường lớp được kiên cố hóa ngày càng tăng, không còn tình trạng trường lớp tranh tre nứa lá, giảm hẳn việc học tạm, học nhờ.

Thầy trò Trường THPT Long Khánh học ngoại ngữ với trang thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng đầu năm học 2015-2016.
Thầy trò Trường THPT Long Khánh học ngoại ngữ với trang thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng đầu năm học 2015-2016.

Bên cạnh đó, hàng trăm trường được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, góp phần hỗ trợ giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú trong học tập cho học sinh, nâng cao dần chất lượng dạy và học.

* Thay da đổi thịt

Trong số những thành tựu đã đạt được của ngành GD-ĐT, phải kể đến sự thay da đổi thịt của mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được đầu tư, xây dựng khang trang, sạch đẹp từ vùng sâu, vùng xa đến thành phố, thị xã. Theo đó, tỷ lệ trường, lớp kiên cố hóa trong tỉnh đạt 100% (tỷ lệ kiên cố hóa cao tầng đạt 71%). Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non là 30%, tiểu học là 33%, THCS là 42%, THPT là 34%, trong đó, cấp học mầm non và THCS đạt mục tiêu đến năm 2015.

Những năm 2010, 2011, ở các địa phương, như: Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, cứ đến đầu năm học lại lúng túng trước khó khăn về trường lớp. Nhiều giáo viên, học sinh phải dạy, học trong các phòng học tạm, học mượn tại các trụ sở ấp, bệnh viện. Nhiều phòng học xuống cấp, nhiều trường thiếu phòng làm việc, phòng chức năng, bếp ăn, phòng y tế, nhà vệ sinh… ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục và sức khỏe của học sinh. Sau 5 năm, trường lớp ở những nơi xa xôi nhất, như: Phú Lý (Vĩnh Cửu), Đắk Lua (Tân Phú), Thanh Sơn (Định Quán)... đã khoác lên mình một chiếc áo mới. Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) Lưu Thị Vui chia sẻ: “4 năm trước, trường không có điện, không nước, không nhà vệ sinh. Mỗi khi trời mưa, đường sá sình lầy, thầy trò phải lội bùn bì bõm tới trường, thiết bị dạy học rất thiếu thốn. Đến nay, trường đã có cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ điện, nước, nhà vệ sinh. Thầy trò, bà con trong vùng đều phấn khởi”.

Song hành cùng sự phát triển của các trường công lập, sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống trường ngoài công lập đã giải quyết được nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, nhất là ở những nơi dân cư đông như TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch. Đến nay, số trường ngoài công lập trong tỉnh là hơn 90 trường với hơn 97 ngàn học sinh, chiếm gần 17%.

Ở huyện Trảng Bom, năm học 2010-2011 có 50% trang thiết bị dạy học đã hư hỏng vì thời gian sử dụng quá lâu, không thể mua sắm mới vì kinh phí hạn hẹp. Thế nhưng, đến năm học 2015-2016, toàn bộ các trường phổ thông của huyện đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, như: màn hình máy chiếu, thiết bị dạy ngoại ngữ, tin học. Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom, cho biết: “Trảng Bom hiện có 74 trường học, trong đó có 20 trường đạt chuẩn quốc gia và 40 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục, Tập đoàn Phong Thái đóng trên địa bàn huyện đã xây dựng 1 trường mầm non dành cho con công nhân của công ty, tài trợ xây dựng giai đoạn 2 cho Trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Bắc Sơn), góp phần giải quyết nhu cầu học tập của con em trên địa bàn”.

Tương tự, huyện Vĩnh Cửu đến nay đã có 18/40 trường đã đạt chuẩn quốc gia. “Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng đủ, cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn, 100% trường lớp được ngói hóa, kiên cố hóa, không còn tranh tre nứa lá, không có ca ba. Điều kiện về thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại được quan tâm đầu tư với kinh phí lớn. Trong năm học này, huyện sẽ phấn đấu thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia” - ông Đặng Kim Tòng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu, chia sẻ.

* Đầu tư cho trường chuyên, chất lượng cao

Xác định tầm quan trọng của trường chuyên, trường chất lượng cao và trường học dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua Đồng Nai đã quan tâm và đưa ra những đề án, giải pháp, tăng cường đầu tư cho các trường này. Toàn tỉnh hiện có một trường chuyên là THPT Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa). Hàng năm, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi của trường trên 60%. Học sinh của trường tham gia nhiều cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế, khu vực đạt nhiều giải cao, là lực lượng mũi nhọn của tỉnh. Tháng 10-2015, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh sau hơn 16 tháng xây dựng sẽ được đưa vào sử dụng với quy mô hiện đại, hoành tráng, đáp ứng tiêu chuẩn của một trường chuyên, tạo điều kiện thi đua dạy tốt - học tốt hơn nữa đối với thầy trò nhà trường.

Bên cạnh đó, có 2 trường THPT được quan tâm đầu tư xây dựng trở thành trường trọng điểm chất lượng cao là: THPT Long Khánh và THPT Trấn Biên. Đây là 2 trường THPT luôn nằm trong tốp đầu về chất lượng giáo dục trong tỉnh, liên tục đứng trong danh sách 200 trường THPT có số điểm thi đại học cao nhất cả nước. Hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh Hồ Sĩ Mạnh, cho biết: “Để có được tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng tăng, giảm số học sinh trung bình, duy trì tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT 100% và hơn 95% học sinh đậu đại học, cao đẳng, nhà trường luôn cố gắng, nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Hiện nay, trường có 90/92 cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn”.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều