Mặc dù chính quyền và ngành y tế Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhưng tỉnh vẫn là một trong những địa phương trọng điểm có số ca mắc sốt xuất huyết cao so với cả nước.
Mặc dù chính quyền và ngành y tế Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhưng tỉnh vẫn là một trong những địa phương trọng điểm có số ca mắc sốt xuất huyết cao so với cả nước.
Nhiều bệnh nhân nhi bị sốt xuất huyết phải nằm hành lang do Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai luôn quá tải. |
Mới đây trong chuyến công tác tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Đồng Nai vẫn chưa đồng bộ. Tuyến tỉnh, huyện có triển khai nhiều giải pháp nhưng tuyến xã, phường, nhiều nơi còn chưa huy động được cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống dịch.
* Vẫn còn những hạn chế...
Một dẫn chứng được đoàn công tác của Bộ Y tế đưa ra là vẫn còn có người dân ở vùng có ổ dịch tại KP.3, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) khi được hỏi cách diệt lăng quăng đã trả lời không biết. Trong khi phương pháp chỉ đơn giản là đổ nước đọng từ các vật dụng chứa nước trong nhà, như: lu chứa nước, bình hoa, chậu hoa, bát nước kê chân chạn hoặc loại bỏ các vật phế thải xung quanh nhà, như: chai lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, hộp nhựa; phá bỏ các hốc nước tự nhiên để muỗi không còn chỗ đẻ trứng.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thời gian tới sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng, nếu Đồng Nai không quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch thì tình hình dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục bùng phát mạnh. Tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm huy động cộng đồng cùng tham gia phòng chống dịch mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh nguy hiểm này. |
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích: Đồng Nai có số mắc sốt xuất huyết tăng cao do đặc điểm của tỉnh là nhiều nhà có sân hoặc có nhiều bãi đất trống xung quanh, các vật phế thải thường bỏ ngoài vườn tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Ngành y tế và các xã, phường có vận động, tuyên truyền cho người dân cách diệt lăng quăng nhưng chưa triệt để.
Theo đánh giá của PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, việc phun thuốc dập dịch ở Đồng Nai có vận động, tuyên truyền cho người dân cách diệt lăng quăng, ngành y tế và các xã, phường có nhưng chưa triệt để triển khai nhưng hiệu quả chưa cao vì nhiều hộ dân đi vắng hoặc không đồng ý cho phun thuốc, do đó có nhà phun, nhà không; phun tầng 1 mà không phun tầng 2 sẽ không có hiệu quả. Vì vậy, đối với những hộ dân không hợp tác cho phun thuốc dập dịch mà không có lý do hợp lý cần có sự can thiệp của UBND các cấp. Đối với những hộ vắng nhà chưa phun được phải đánh dấu để quay lại phun, tránh bỏ sót. Ngoài ra, trong xử lý ổ dịch, phải đảm bảo bán kính phun thuốc 200m; trong trường hợp có từ 2-3 ổ dịch/ấp phải phun thuốc vượt bán kính 200m mới đảm bảo.
* Để người dân không còn thờ ơ
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại TP.Biên Hòa, Trung tâm y tế TP.Biên Hòa đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền từ các phương tiện truyền thông đến xe tuyên truyền lưu động, tờ rơi, thậm chí có gửi thông báo đến từng hộ gia đình về cách phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa, thừa nhận hiện nay có không ít người còn thờ ơ với bệnh sốt xuất huyết. Nhiều người không quan tâm đến nội dung các thông báo về phòng ngừa bệnh.
Trong 8 tháng của năm 2015, toàn tỉnh có hơn 4,5 ngàn ca mắc sốt xuất huyết, tăng 1,63 lần so với cùng kỳ năm 2014, có 2 ca tử vong, tăng 1 ca tử vong so với năm 2014. Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao tập trung chủ yếu ở khu vực có đông dân nhập cư và nhiều khu công nghiệp, như: TP.Biên Hòa, 2 huyện Trảng Bom, Tân Phú. Trong đó, TP.Biên Hòa có số ca mắc cao nhất, chiếm hơn 40% số ca mắc sốt xuất huyết của toàn tỉnh. Trong 8 tháng năm 2015, toàn tỉnh phát hiện và xử lý 528/528 ổ dịch (cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2014). |
Vấn đề tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cũng được đoàn công tác của Bộ Y tế đặc biệt lưu ý, vì hiện nay việc tuyên truyền mới dừng ở vận động chứ chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể để người dân hiểu rõ hơn nguy cơ sốt xuất huyết. Trong tuyên truyền cần nhấn mạnh vào giải pháp hiệu quả, dễ làm trong phòng chống sốt xuất huyết là diệt lăng quăng. Cộng tác viên phải cùng làm với dân, hướng dẫn người dân loại bỏ các vật dụng chứa nước có nguy cơ phát sinh muỗi trong nhà và quan trọng là phải kiểm tra xem có làm triệt để hay chưa.
Chính nhờ huy động được cộng đồng tham gia vào phòng chống dịch sốt xuất huyết mà huyện Xuân Lộc là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết thấp nhất tỉnh. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc Nguyễn Đăng Bình cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh ở các xã trong huyện nông thôn mới luôn được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Theo đó, UBND các xã đã chỉ các đạo ban, ngành, đoàn thể đến từng hộ gia đình; hàng tuần, đoàn viên thanh niên ở các địa phương đều tham gia dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường tự quản. Đặc biệt, ngay khi từ khi có ổ dịch sốt xuất huyết, Xuân Lộc đã phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia công tác vận động người dân diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi dập dịch...
Ngọc Thư