Báo Đồng Nai điện tử
En

Linh hoạt trong dạy kỹ năng sống

09:09, 21/09/2015

Sau khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam yêu cầu thu hồi toàn bộ sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 để chỉnh sửa vì có nội dung dạy học sinh chân trần đi trên mảnh thủy tinh, dư luận lại tiếp tục xôn xao bởi bài học trên một lần nữa xuất hiện trong sách Những kỹ năng mềm thiết yếu dành cho học sinh Trung học cơ sở lớp 7 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2015, do Phan Kiên chủ biên).

Sau khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam yêu cầu thu hồi toàn bộ sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 để chỉnh sửa vì có nội dung dạy học sinh chân trần đi trên mảnh thủy tinh, dư luận lại tiếp tục xôn xao bởi bài học trên một lần nữa xuất hiện trong sách Những kỹ năng mềm thiết yếu dành cho học sinh Trung học cơ sở lớp 7 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2015, do Phan Kiên chủ biên).

Học sinh của Câu lạc bộ Công dân trẻ, Trường THPT Long Khánh trao đổi với nhau những vấn đề thời sự, xã hội trên các tờ báo được dán tại bảng thông tin của trường.
Học sinh của Câu lạc bộ Công dân trẻ, Trường THPT Long Khánh trao đổi với nhau những vấn đề thời sự, xã hội trên các tờ báo được dán tại bảng thông tin của trường.

Theo nội dung bài học, mục đích của việc giáo viên đặt cốc nước lên đầu học trò và nói hãy từ từ bước vào thảm thủy tinh là nhằm giúp các em vượt qua nỗi sợ!

* “Phải có những tình huống thật sự sợ hãi”

Về vấn đề này, Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục Trường đại học Đồng Nai Lê Thị Hoài Lan cho rằng: “Để học sinh biết vượt qua nỗi sợ, cần phải đưa ra những tình huống thật sự sợ hãi, nguy hiểm, gây áp lực lớn để các em tiếp cận, đối diện và xử lý vấn đề”.

Trong khi đó, một giáo viên THCS ở huyện Định Quán lập luận: “TS.Phan Quốc Việt (chủ biên cuốn Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1) nói rằng, đi trên mảnh thủy tinh hoàn toàn an toàn, không gây thương tích, nhưng đó là thực hành ở trung tâm giáo dục kỹ năng sống, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mảnh chai to và có độ dày đảm bảo không khiến trẻ chảy máu. Còn tại các cơ sở giáo dục, ở các vùng quê, nếu đem bài học này vào giảng dạy sẽ không phù hợp, bởi chẳng may về nhà, nhiều em hồn nhiên đi trên mảnh thủy tinh, mảnh chai vỡ thì thương tích là điều không tránh khỏi”.

Văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành vào đầu năm 2015 nêu rõ: Nội dung giáo dục kỹ năng sống với học sinh tiểu học nhằm hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng đồng cảm, kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp, kiên trì trong học tập, đúng giờ và làm việc theo yêu cầu. Đối với học sinh cấp THCS và THPT, tiếp tục rèn luyện những kỹ năng như kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo; kỹ năng giao tiếp, hợp tác; kỹ năng tự nhận thức, cảm thông; kỹ năng quản lý cảm xúc, đương đầu với áp lực và kỹ năng tự học.

Đồng tình với việc cần tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh, ông Đặng Kim Tòng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Cửu, cho hay ngành giáo dục huyện đang xem xét và lên kế hoạch để triển khai giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường học theo chương trình do Trường đại học Đồng Nai chủ trì trong năm học này. Tuy nhiên, sẽ xem xét để loại bỏ những bài học không phù hợp đối với học sinh trên địa bàn cũng như gây nguy hiểm cho các em.

Với tư cách là phụ huynh có con đang học lớp 7 ở TP.Biên Hòa, anh Hoàng Mạnh Hà lo ngại: “Tôi chưa biết việc đi trên mảnh vỡ thủy tinh có thể giúp con mình dũng cảm đến đâu nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không cho con học một bài học quá nguy hiểm như vậy. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu con tôi bị thương khi thực hành bài học này?”.

* Lựa chọn bài giảng phù hợp

Theo ông Phạm Minh Đức, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT), Đồng Nai hiện chỉ có 3 trung tâm đăng ký dạy kỹ năng sống đều ở TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, các trung tâm này mới chỉ dạy các kỹ năng tính toán chứ không phải giảng dạy các kỹ năng thích ứng trong môi trường sống. Trong khi đó, vấn đề giáo dục kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên được Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT triển khai thực hiện từ tháng 1-2015. Đến tháng 2-2015, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho Trường đại học Đồng Nai chủ trì, liên kết với Công ty giáo dục Poki Á Châu, Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sống cho giáo viên và dạy kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Một lớp dạy kỹ năng bơi cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai.
Một lớp dạy kỹ năng bơi cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai.

UBND tỉnh chấp thuận mức thu phí đào tạo, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT trong năm học 2015-2016 là 320 ngàn đồng/học sinh/khóa đối với học sinh tại TP.Biên Hòa, và 240 ngàn đồng đối với học sinh các huyện, TX.Long Khánh. Thời gian học là 80 tiết (gồm cả lý thuyết lẫn thực hành). Giáo trình giảng dạy cấp tiểu học, THCS do Trường đại học Đồng Nai cấp, là bộ sách giáo dục kỹ năng sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. Riêng cấp THPT, giáo trình giảng dạy do Trường đại học Đồng Nai biên soạn. Các trường THPT có thể linh hoạt mua giáo trình trên hoặc tự biên soạn các bài giảng phù hợp với điều kiện.

TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho biết đến cuối tháng 8 vừa qua, có 12 ngàn giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn Giáo dục công dân của các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn, đào tạo về dạy kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Đến đầu năm học 2015-2016, đã có một số địa phương triển khai và chuẩn bị thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường học như huyện Trảng Bom, Định Quán, Cẩm Mỹ và Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa).

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều