Đó là khẳng định của các chuyên gia tư vấn đối với hơn 3 ngàn học sinh lớp 12 của huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TX. Long Khánh trong chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2014.
Đó là khẳng định của các chuyên gia tư vấn đối với hơn 3 ngàn học sinh lớp 12 của huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và TX. Long Khánh trong chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2014.
Học sinh chăm chú nghe tư vấn tại chương trình. |
Chương trình được Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn tổ chức vào chiều ngày 28-12 tại Trường THPT Long Khánh.
* Hãy theo đuổi đam mê
Trả lời câu hỏi: “Nên chọn ngành mình yêu thích, có sở trường hay chọn ngành đang có sức hút trong xã hội hiện nay” của nhiều học sinh Trường THPT Văn Hiến. TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Các em nên chọn ngành yêu thích hơn là ngành thời thượng. Khi đã yêu thích, các em sẽ có động lực để gắn bó dài lâu, phấn đấu và thăng tiến. Đam mê là cơ sở nền tảng nhất để các em chọn ngành, nghề. Ngược lại, nếu là nghề thời thượng, đang có sức hút mà em không thích thì khi học sẽ rất chán”, TS.Phạm Tấn Hạ nói thêm rằng, bất kỳ ngành nghề nào cũng có một thời kỳ, độ “hot” nhất định trong xã hội. Những ngành bây giờ đang “hot”, nhưng 4, 5 năm nữa khi các em ra trường đã không còn như cũ và ngược lại. Dĩ nhiên, các em cần phải tìm hiểu kỹ về nội dung đào tạo, kiến thức, cơ hội việc làm khi ra trường với ngành nghề mình yêu thích.
“Với bất cứ ngành nghề nào, bạn cũng cần phải có đam mê, yêu thích, tìm hiểu kỹ về nó. Sau đó, xét đến năng lực học tập, điều kiện gia đình để quyết tâm theo đuổi đến cùng thì mới thành công. Không nên chạy theo những ngành “hot”, thời thượng hiện nay nếu bạn không thật sự yêu thích nó” - PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học giao thông - vận tải TP.Hồ Chí Minh đã khuyên các học sinh. |
PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học giao thông - vận tải TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng, ngoài đam mê thì kiến thức rất quan trọng. Bất kể ngành nghề nào cũng cần đến năng lực thực sự. Ngành “hot” dựa vào sự phát triển của kinh tế - xã hội. Phụ huynh nên trao đổi thẳng thắn, kỹ càng với con để lựa chọn phù hợp. Không nên ép buộc, áp đặt con mình để tránh những hậu quả đáng tiếc.
“Qua tư vấn của các thầy, em quyết định sẽ thi vào ngành kinh tế đối ngoại Trường đại học ngoại thương, vì phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân. Đó là ngành đòi hỏi sự năng động, việc giao tiếp với nhiều người giúp em học hỏi được kiến thức, kinh nghiệm và sống “lăn xả” hơn. Em cũng đã tìm hiểu đề thi đại học của trường những năm trước đó và đang thử sức mình” - Nguyễn Thị Thanh Tâm, lớp 12A6 Trường THPT Long Khánh, vui vẻ cho biết.
* Thợ giỏi hơn thầy dở
Nhiều học sinh có học lực trung bình tỏ ra băn khoăn, lo lắng vì sợ không đủ sức để đặt chân vào các trường đại học. Điều đó được TS. Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh, trấn an: “Chỉ có khoảng 25-30% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thi đậu các trường đại học, cao đẳng năm đầu tiên. Năm 2014, rất nhiều trường đại học trong cả nước vẫn sẽ thi 3 chung. Nếu các em thi đại học trên điểm sàn có thể học các trường cao đẳng, trung cấp nghề sau đó liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học. Cánh cửa đại học luôn rộng mở với những ai kiên trì, có quyết tâm và học tập suốt đời”.
Bùi Tấn Tài, lớp 12B3 Trường THPT Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Em được biết thông tin sẽ giảm chỉ tiêu ngành kinh tế vào năm 2014 nên quyết định thi ngành cơ khí hoặc điện tử tự động. Em đã chọn Trường đại học Lạc Hồng để nộp hồ sơ. Được chứng kiến các mô hình, robot của trường mang đến chương trình tư vấn tuyển sinh em rất thích. Em muốn khi ra trường có được việc làm luôn chứ không phải thất nghiệp và chờ đợi”. |
Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội, định hướng: “Để tiết kiệm thời gian học liên thông, các em có thể thi ngay vào các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh để học. Với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh nhà, những lao động có tay nghề kỹ thuật cao rất được trọng dụng và có cơ hội phát triển”.
Ông Mao Quốc Trung cho biết thêm, hiện nay toàn tỉnh có 31 khu công nghiệp với hàng trăm công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ, hàng năm tuyển từ 50-60 ngàn lao động, trong đó có khoảng 10 ngàn lao động kỹ thuật. Hiện nay số lượng sinh viên, học viên của 13 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và 60 cơ sở dạy nghề khi ra trường vẫn không đủ cung cấp cho các nhà máy. “Đại học không phải là con đường duy nhất để các em vào đời, làm thợ giỏi còn tốt hơn vạn lần khi làm thầy dở” - ông Mao Quốc Trung khẳng định.
Hạnh Dung