Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan khám chữa bệnh ở vùng sâu

12:10, 14/10/2013

Là một xã nghèo lại nằm ở vùng rốn lũ, chuyện cách trở đò ngang khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế ở Thanh Sơn (huyện Định Quán) trở nên khá khó khăn.

Là một xã nghèo lại nằm ở vùng rốn lũ, chuyện cách trở đò ngang khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế ở Thanh Sơn (huyện Định Quán) trở nên khá khó khăn.

Đã có những bệnh nhân phải chết oan uổng vì đến bệnh viện không kịp thời. Có những bệnh nhân bệnh đã nặng lại càng nặng hơn…

* Gập ghềnh đường cấp cứu

Mặc dù chồng đã mất cách đây hơn một năm nhưng mỗi khi nhắc lại, chị Nguyễn Thị Toan ở  ấp 3 vẫn buồn rười rượi. Chị bùi ngùi kể, chồng chị, anh Ngô Văn Hải bị tai nạn giao thông khá nặng. Gọi được xe cấp cứu của phòng khám đa khoa xã tới chở, đoạn đường từ ấp 3 ra bến phà 107 chỉ vài cây số, nhưng xe phải đi mất hơn nửa giờ vì  đường dày đặc những ổ voi. Rồi mất gần nửa giờ nữa để qua phà, nửa giờ nữa từ bến phà đến bệnh viện. Khi còn cách Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán vài trăm mét thì  anh đã không qua khỏi. “Chồng tôi bị chấn thương ngực, bể phổi, vỡ lách. Nhưng các bác sĩ bảo nếu được đưa vào bệnh viện sớm, anh ấy vẫn còn cơ hội sống” - chị Toan nói.

Người dân đến khám bệnh tại Trạm y tế xã Thanh Sơn, chủ yếu chỉ được khám “chay”.
Người dân đến khám bệnh tại Trạm y tế xã Thanh Sơn, chủ yếu chỉ được khám “chay”.

Còn chị Trần Thị Hương, một người dân ấp 7 lại có chuyến cấp cứu nhớ đời. Chị kể, vào tháng 5 vừa rồi, chị bị viêm ống mật chuyển sang viêm gan cấp. Nửa đêm, cơn đau quằn quại khiến chị ngất lên ngất xuống, nên chồng quyết định đưa chị đi Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú. Từ ấp 7 ra bến đò Năm Bửu để đi qua xã Phú Thịnh (huyện Tân Phú) vô cùng vất vả vì sình lầy và đầy ổ voi, ổ gà. Ra bến phà lúc 2 giờ sáng, phà chưa chạy. Chồng chị đứng bên này sông “hú” gọi phà khản cổ. Gần nửa giờ sau, phà mới từ bên kia sông chạy qua. Gia đình chị phải mất 300 ngàn đồng tiền phà và hơn nửa giờ qua sông, thêm gần 1 giờ nữa mới  chạy được đến bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, cho hay trước đây khi chưa có xe cứu thương, bệnh viện đã không ít lần tiếp nhận những ca bệnh nặng do chuyển viện muộn, có ca đã tử vong, những ca tổn thương nặng thêm do vận chuyển bằng xe cải tiến trên con đường đầy ổ voi, ổ gà, rồi tình trạng đẻ rơi do cách trở đò phà… Nay, dù đã có xe cứu thương, tình hình cũng chưa cải thiện nhiều vì việc vận chuyển người bệnh từ các ấp xa ra bến phà và chờ đợi qua phà còn quá nhiều nhiêu khê, nhất là phải cấp cứu ban đêm vào mùa nước lũ. 

* Trạm y tế thiếu đủ thứ…

Đến  Thanh Sơn, nếu không thấy tấm bảng  ghi “Trạm y tế xã” thì khó ai có thể hình dung đấy là trạm y tế. Cơ sở vật chất của trạm xuống cấp trầm trọng, không có bất kỳ thiết bị y tế nào ngoài một số loại thuốc thông thường, trong khi nơi đây có trách nhiệm dự phòng bệnh tật cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu cho gần 28 ngàn dân.

Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn Nguyễn Hữu Ngạn cho biết: “Tình trạng khó khăn trong cấp cứu, chuyển viện do cách trở đò phà đã diễn ra rất nhiều năm ở xã. Có không ít trường hợp tử vong oan uổng do không đến kịp bệnh viện. Người dân đã quá khổ về việc này và đang nóng lòng chờ  một cây cầu để thuận lợi cho việc đi lại”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trưởng trạm y tế xã, cho hay phần lớn người dân ở xã thuộc hộ nghèo nên điều kiện sống, vệ sinh và chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, tỷ lệ người dân bị bệnh rất nhiều. “Trạm hiện quản lý gần 19 ngàn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng do cơ sở vật chất xuống cấp, nên không được trang bị những thiết bị y tế cơ bản ngoài gói tiểu phẫu. Mà có được trang bị thì cũng không biết đặt máy móc vào đâu vì mùa mưa đến, trạm dột tứ tung…” - bác sĩ Nguyệt nói.

Việc khám chữa bệnh ở Thanh Sơn hiện đang tồn tại một bất cập là, trong khi Trạm y tế xã thiếu đủ thứ lại được phân về gần 19 ngàn thẻ BHYT, còn Phòng khám đa khoa xã, nơi có đủ điều kiện chẩn đoán và khám chữa bệnh thì chỉ có hơn 300 thẻ. Khá nhiều người dân ở sát phòng khám, nhưng thẻ BHYT lại được phân về Trạm y tế xã. Để được khám bệnh tại phòng khám, người dân phải đi cả chục cây số ra trạm, xin giấy chuyển tuyến đến phòng khám, trong khi đường sá đi lại rất khó khăn.

Bác sĩ Hoàng Đức Dũng, quyền trưởng phòng khám đa khoa xã, cho biết phòng khám đa khoa trực thuộc Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, được đầu tư cơ sở tương đối khang trang, có đầy đủ máy móc, thiết bị y tế, như: máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa và danh mục thuốc cũng phong phú và đầy đủ hơn bởi được cấp từ bệnh viện hạng 2, nhưng lại không có người đến khám. Mỗi ngày, phòng khám chỉ tiếp nhận từ 5-7 lượt, ngày nhiều thì được chục người đến khám và họ phải trả 30% chi phí trái tuyến.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều