Số lượng học sinh tăng mạnh, nhưng nhiều năm qua, số trường học mới được xây dựng trên địa bàn TP. Biên Hòa chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Số lượng học sinh tăng mạnh, nhưng nhiều năm qua, số trường học mới được xây dựng trên địa bàn TP. Biên Hòa chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Năm học 2013-2014 này, nhiều trường học của TP. Biên Hòa sẽ tiếp tục phải dạy và học ca ba, thậm chí cả ca bốn.
Học sinh Trường THCS Tân Bửu (phường Bửu Long) phải san sẻ lớp học vào buổi chiều cho Trường tiểu học Tân Thành. |
HỌC CẢ CA BỐN
Nếu triển khai đúng tiến độ, đến đầu học kỳ 2 năm học 2013-2014, TP. Biên Hòa sẽ đưa vào sử dụng 5 công trình, gồm: Trường tiểu học Trảng Dài (phường Trảng Dài, với quy mô 30 phòng học, khu hiệu bộ, nhà đa năng); Trường tiểu học Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, 27 phòng học, khu hiệu bộ, nhà đa năng); Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp, 12 phòng học, khu hiệu bộ); Trường tiểu học Tân Thành (phường Bửu Long, 15 phòng học); Trường THCS An Bình (phường An Bình, 12 phòng học). |
Năm học vừa qua, Trường tiểu học Trảng Dài có 4.424 học sinh (bình quân 46 học sinh/ lớp). Nhà trường phải tổ chức thành 96 lớp, trong đó 32 lớp phải học ca ba. Năm học 2013-2014 sắp tới, Trường tiểu học Trảng Dài dự kiến có 116 lớp, và với 32 phòng học, nhà trường sẽ phải bố trí thành 4 ca học (ca 1 có 32 lớp, ca 2: 32 lớp, ca 3: 32 lớp và ca 4: 20 lớp).
Trường tiểu học Long Bình Tân mặc dù có tới 3 cơ sở nhưng chỉ tổ chức học được 40 lớp, còn lại 16 lớp phải mượn nhà văn hóa phường và văn phòng khu phố để tổ chức giảng dạy. Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp) phải thuê 18 lớp học ở Trường trung cấp thống kê từ học kỳ 2 năm học 2012-2013 cho gần 800 học sinh. Hiện trường đang tháo dỡ 7 phòng học bán kiên cố đã xuống cấp để thi công xây dựng lại và phải đến học kỳ 2 năm học 2013-2014 mới có thể đưa vào sử dụng.
Ở Trường tiểu học Tân Phong A, do dãy phòng học tiếp quản từ đầu năm 1975 đến nay xuống cấp nghiêm trọng nên nhà trường đã phải đóng cửa 5 phòng học. Từ đầu năm học trước, trường chuyển 10 lớp sang học nhờ tại Trường tiểu học Tân Phong B. Trường Tân Phong B lại phải thu hẹp số lớp học 2 buổi/ ngày để cho Trường tiểu học Tân Phong A mượn học ca chiều. Đây cũng là tình trạng của Trường tiểu học Tân Thành (phường Bửu Long) khi toàn bộ 18 lớp học phải chuyển sang học tại Trường THCS Tân Bửu.
Dự kiến năm học 2013-2014, toàn thành phố sẽ tăng thêm trên 10 ngàn học sinh ở cả 3 cấp học. Điều này đồng nghĩa với việc phải xây thêm ít nhất 8 trường học với khoảng 250 phòng học. |
9 công trình tiểu học với 164 phòng học được đưa vào sử dụng trong năm 2012-2013 mới chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập ở một số phường của TP. Biên Hòa. Còn đa số các phường, xã khác trên địa bàn, trường lớp thiếu khiến sĩ số mỗi lớp đều gấp đôi tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT. Tiêu biểu là Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (phường Trung Dũng), có những lớp sĩ số lên tới 60-70 em.
Không riêng bậc tiểu học, cơ sở vật chất ở các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố cũng đã xuống cấp, đặc biệt nghiêm trọng ở 4 xã mới sáp nhập. Có nhiều trường không đủ mặt bằng, phòng giữ trẻ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu sân chơi, không đảm bảo diện tích, quá tải học sinh. Thậm chí có những trường phải chấp nhận vỡ chuẩn để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Ở phường Long Bình, mặc dù có trên 5 ngàn trẻ dưới 5 tuổi nhưng phường vẫn chưa có trường mầm non công lập nào. Phường Thống Nhất từ năm 2008 đến nay chưa thể xây dựng được thêm trường mầm non và trẻ ở phường phải đi học ở các phường khác hoặc theo học ở các nhóm trẻ tại gia.
GIAN NAN ĐẠT CHUẨN
TP.Biên Hòa hiện có 15 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, gồm 4 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 5 trường THCS. Con số đó vẫn chưa xứng tầm với sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, nếu tiến độ xây dựng trường lớp không được cải thiện, không có biện pháp quyết liệt (ở các khâu giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư) thì đến năm 2015, nhiều khả năng TP. Biên Hòa sẽ không còn trường đạt chuẩn quốc gia.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa, cho biết ngoài những trường đạt chuẩn quốc gia và một số trường mới xây, thì hầu hết các trường THCS còn lại đều thiếu phòng bộ môn. Một số trường sử dụng tạm phòng học để bố trí làm phòng bộ môn nhưng hiệu quả hoạt động không đảm bảo. Một số dự án đầu tư xây dựng mới các trường THCS triển khai còn rất chậm, như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, An Hảo, Long Bình 2, Thống Nhất. Với tình hình dân số cơ học tăng cao, các phường: An Bình, Long Bình, Trảng Dài nếu không triển khai nhanh các dự án đã được duyệt thì những năm tới có khả năng phát sinh học ca ba ở bậc THCS.
Hạnh Dung
ĐỌC NHANH Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trong tỉnh giai đoạn 2008-2012 gồm 85 công trình trường học và 36 công tình nhà công vụ cho giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Đến nay, đã hoàn thành 85% công trình trường học và 67% chương trình nhà công vụ. Các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, TX. Long Khánh và TP. Biên Hòa đã hoàn thành xong chương trình. Hạnh Dung Nguyễn Dung Huyện Thống Nhất đã chi hơn 4 tỷ đồng để trang bị bàn ghế cho học sinh phổ thông theo tiêu chuẩn của Thông tư 26 do liên Bộ GD-ĐT, Khoa học - công nghệ và Y tế phê duyệt từ tháng 8-2011. Theo đó, huyện đã đưa vào sử dụng 648 bộ bàn ghế cỡ I cho 6 trường tiểu học và 640 bộ bàn ghế cho 5 trường THCS. H.D Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành tiếp nhận máu hiến tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, kết quả thu được 289 đơn vị máu. Trước đó, đoàn tổ chức hiến máu tại Công ty vật liệu chịu lửa Nam Ưng (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), kết quả thu được 114 đơn vị máu. P.V An Yên Ban Chỉ đạo hè huyện Nhơn Trạch đã tổ chức hội diễn “Hoa phượng đỏ” huyện Nhơn Trạch năm 2013. 9 liên đội thuộc các trường THCS trong huyện đã mang đến hội diễn 36 tiết mục ca múa, đơn ca, song- tam ca và tốp ca. Kết quả, ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho liên đội Trường THCS Hiệp Phước (xã Hiệp Phước). Văn Truyên |