Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân chờ nước sạch

09:07, 07/07/2013

Hiện nay, tại nhiều khu vực dân cư tập trung trong tỉnh người dân mong chờ từng ngày có nước máy để sử dụng. Song nhiều năm qua, nhiều gia đình đành chấp nhận mua nước sạch để dùng với giá rất cao, từ 40-50 ngàn đồng/m3.

Hiện nay, tại nhiều khu vực dân cư tập trung trong tỉnh người dân mong chờ từng ngày có nước máy để sử dụng. Song nhiều năm qua, nhiều gia đình đành chấp nhận mua nước sạch để dùng với giá rất cao, từ 40-50 ngàn đồng/m3.

Anh Phạm Văn Tỳ ở ấp Câu Kê xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) đầu tư gần 40 triệu đồng làm hệ thống lọc nước giếng, nhưng  vẫn chưa hết  phèn.
Anh Phạm Văn Tỳ ở ấp Câu Kê xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) đầu tư gần 40 triệu đồng làm hệ thống lọc nước giếng, nhưng vẫn chưa hết phèn.

Ngay trong mùa mưa, nhưng ở nhiều vùng trong tỉnh người dân vẫn phải mua nước sạch với giá cao ngất ngưởng để dùng. Nước sạch quá đắt đỏ nên họ chỉ dám dùng để ăn uống, còn mọi sinh hoạt khác đều dùng nước giếng khoan, giếng đào bị nhiễm phèn hoặc sử dụng nước sông, suối.

Đợi dài cổ

Dù trời đang đổ mưa sầm sập, nhưng anh Phạm Văn Tỳ ở ấp Câu Kê, xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) vẫn phải gọi xe bồn chở nước tới để nấu ăn. Anh Tỳ than thở: “Nước vùng này nhiễm phèn rất nặng, bao năm làm ruộng gom góp tích lũy được gần 40 triệu đồng, tôi dồn hết để làm hệ thống lọc nhưng vẫn không hết phèn, hết mặn nên chỉ dám dùng để tắm rửa, giặt giũ, còn ăn uống, rửa thực phẩm thì phải mua nước máy về dùng”.

Dù rất tiết kiệm, mỗi tháng gia đình anh Tỳ cũng hết hơn 500 ngàn đồng tiền nước. Với một gia đình chỉ sống nhờ vào nông nghiệp như anh Tỳ, mỗi tháng phải mất thêm hơn 500 ngàn đồng để có nước sạch sử dụng là một khoản không nhỏ.

Ông Phùng Văn Dưỡng, ấp Câu Kê, xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) nói: “Khu này dân cư rất đông đúc nhưng chỉ những hộ ở mặt tiền đường lớn có nước máy để xài, còn những hộ trong hẻm như chúng tôi muốn có nước máy dùng phải mua lại với giá 30-50 ngàn đồng/m3”. Cũng theo ông Dưỡng, lần nào tiếp xúc cử tri dân ở đây, người dân cũng kiến nghị cho kéo đường nước máy vào và dân chấp nhận đóng 100% chi phí.

Ngoài đầu tư hệ thống nước máy theo đường ống, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng có đầu tư làm một số hệ thống cấp nước tập trung cho một số xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Nhưng các hệ thống cấp nước này quy mô rất nhỏ, chỉ cung cấp được cho khoảng vài chục đến hơn 100 hộ.

“Cả xã có hơn 1.700 hộ dùng nước máy, tương đương 54%, số hộ còn lại đa số phải mua nước xe bồn chở tới với giá 30-50 ngàn đồng/m3. Vùng này nước bị nhiễm phèn, mặn dù mùa mưa người dân cũng phải mua nước dùng” - ông Lê Minh Nhật Thăng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) nói. Không chỉ riêng Phú Hữu, nhiều xã khác trong huyện Nhơn Trạch người dân phải mua nước sạch với giá cao gấp gần 10 lần giá nước máy.

Tương tự, tại các huyện khác, như: Vĩnh Cửu, Định Quán và TP. Biên Hòa, việc người dân phải mua lại nước sạch với giá cao để dùng khá nhiều. Ông Nguyễn Quốc Phương, ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định (huyện Định Quán) kể: “Mùa khô thì giếng không nước, còn mùa mưa giếng có nước nhưng lại bị phèn trắng rất nặng nên tôi vẫn phải mua nước xe bồn để ăn uống”.

Bao giờ có nước sạch?

Ông Nguyễn Quốc Phương (huyện Định Quán) phải mua nước trữ trong bồn với giá cao.
Ông Nguyễn Quốc Phương (huyện Định Quán) phải mua nước trữ trong bồn với giá cao.

Ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên cấp nước Đồng Nai, cho biết: “ Nếu tính cả 4 xã mới nhập về thì tỷ lệ cung cấp nước sạch của TP. Biên Hòa mới đạt khoảng 86%. Số còn lại phải dùng giếng khoan, giếng đào hoặc mua lại giá cao của các hộ khác để dùng”. Còn tại các huyện, thị tỷ lệ cung cấp nước sạch còn rất thấp, chỉ khoảng 25-35%. Cũng theo ông Tăng, muốn lắp đặt một đường ống dẫn nước chính phải mất vài tỷ đồng/km.

Ngay tại TP.Biên Hòa vào mùa khô, những khu vực có dân cư tăng cao trong 3-4 năm lại đây cũng xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng do đường ống cũ, nhỏ không đáp được nhu cầu. Do đó, chỉ tính riêng TP. Biên Hòa muốn có nước sạch ổn định tại các khu dân cư phải đầu tư khoảng 250 tỷ đồng để thay các đường ống đã cũ, quá nhỏ (chưa kể tiền bồi thường, công đào, lắp đặt đường ống). Nhưng đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn, việc thay đổi hệ thống đường ống cũ gần như không thể. Và tình trạng người dân hoặc phải tiếp tục mua nước giá cao, hoặc phải dùng nước bẩn để sinh hoạt vẫn kéo dài.

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều