Tuyển được lao động qua đào tạo, có thể bắt tay ngay vào công việc đã và đang là thách thức với nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay.
Tuyển được lao động qua đào tạo, có thể bắt tay ngay vào công việc đã và đang là thách thức với nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay.
Chị Lê Thị Tâm, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) đến Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai tìm việc. Giống như nhiều lao động khác, chị Tâm chưa hề trải qua trường lớp học nghề nào trước khi đi xin việc.
* Tay không đi làm
Chị Tâm cho rằng, hiện nay các DN tuyển lao động chưa qua đào tạo khá nhiều. Người lao động sau khi được tuyển dụng vào làm việc sẽ nghiễm nhiên được DN đào tạo, không tốn thời gian, tiền bạc đi học nghề, hơn nữa lại có thu nhập ngay.
Lao động đã qua đào tạo phỏng vấn tại Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai. |
Anh Vũ Văn Dương mới chân ướt chân ráo từ Nghệ An vào Đồng Nai tìm việc, dù biết có nghề trong tay khi đi làm là lợi thế nhưng “học nghề ở trường vừa mất thời gian vừa tốn tiền bạc mà không biết mình có tìm được đúng việc đã học hay không. Có khi học nghề ở trường nhưng lại không khớp với nhu cầu thực tế trong nhà máy. Hơn nữa, ở Đồng Nai hiện không khó để tìm được một công ty có việc làm cho thu nhập ngay, lại được học nghề trong quá trình làm việc”.
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội: Các DN hiện nay vẫn khát lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật. Do đó, các trường nên chủ động tìm hiểu cơ hội này để nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tìm đầu ra cho người học. Các DN và các trường nên tự tìm đến với nhau để có sự phối hợp trong công tác đào tạo, đem lại được lợi ích cho ba bên: nhà trường, doanh nghiệp và người học. |
Một thực tế là rất nhiều lao động chưa qua đào tạo, chấp nhận xếp hạng “lao động phổ thông” với thu nhập thấp hơn so với những lao động đã qua đào tạo. Trong khi đó, không ít trường dạy nghề chưa nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng đa ngành nghề của các DN. Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai, cho rằng hiện các trường dạy nghề vẫn đi theo lối mòn, có gì dạy nấy khiến DN phải tự lực cánh sinh, tuyển lao động phổ thông sau đó tự đào tạo.
* Buộc phải tuyển!
Theo ông Nguyễn Chí Hiệp, Trưởng bộ phận nhân sự Công ty ô tô Đô Thành (xã Long Phước, huyện Long Thành), lao động mà công ty tuyển dụng đều phải mất thêm từ 2 - 3 tháng để đào tạo lại mới có thể sử dụng được, dù đó là những lao động phổ thông. Đối với những lao động có trình độ cao đẳng, đại học cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Ông Hiệp cho biết, dù lao động có chuyên môn kỹ thuật, đã qua trường lớp hẳn hoi nhưng cả kinh nghiệm và kiến thức thực tế đều thiếu hụt, nhất là kỹ năng ngoại ngữ, làm việc nhóm. “Tuyển dụng được lao động đã khó, nhưng khó hơn là khi tuyển vào rồi, đào tạo xong thì lao động lại xin đi nơi khác, dẫn đến thiệt hại cho công ty” - ông Hiệp nói thêm.
Người lao động đến tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm. |
Chị Phan Thị Thúy Phương, Trưởng bộ phận nhân sự Nhà máy tôn Hoa Sen (thuộc Tập đoàn Hoa Sen), than vãn các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học chuyên ngành ngày càng mọc ra nhiều nhưng không hiểu vì sao thị trường lao động vẫn khan hiếm lao động có chuyên môn, tay nghề. Chị Phương cho biết, để tìm được đội ngũ lao động đảm bảo nhu cầu phát triển thị trường, bộ phận nhân sự thường phải “rải thợ săn” đi kiếm bằng nhiều cách, nhất là tại các phiên giao dịch việc làm, tuy nhiên, số hồ sơ đạt yêu cầu lại rất khiêm tốn. Để có đủ nguồn nhân lực cho việc mở rộng thị trường, công ty buộc phải tuyển lao động là sinh viên khá giỏi mới ra trường, sau đó đào tạo lại chứ không mong chờ tuyển một lần mà “ăn ngay” được.
Anh Đỗ Trung Kiên, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer (Tập đoàn Esquel, Khu công nghiệp Amata), cho rằng người lao động hiện nay còn thiếu về trình độ lẫn kỹ năng theo những kiểu khác nhau, như lao động phổ thông thì không chuẩn bị gì về tay nghề trước khi đi tìm việc; lao động có bằng cấp cũng phải mất thêm quá nhiều thời gian để học việc, bắt nhịp với công nghệ mới, vì những gì họ học ở giảng đường nhiều khi còn quá xa rời thực tế công việc, thiếu kỹ năng ngoại ngữ, tin học. “Các nhà tuyển dụng bây giờ không có nhiều sự lựa chọn, do đó phải chủ động tuyển và có kế hoạch đào tạo chứ không thể ngồi “há miệng chờ sung” được” - ông Kiên nói.
Công Nghĩa