Mặc dù Biên Hòa chỉ cách TP. Hồ Chí Minh có 30km, nhưng hoạt động biểu diễn nghệ thuật khá nghèo nàn. Ngoại trừ các chương trình biểu diễn do đội thông tin lưu động tổ chức, các hội thi, hội diễn..., thỉnh thoảng lắm thành phố mới có các chương trình “hoành tráng” do các đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp về thực hiện.
Mặc dù Biên Hòa chỉ cách TP. Hồ Chí Minh có 30km, nhưng hoạt động biểu diễn nghệ thuật khá nghèo nàn. Ngoại trừ các chương trình biểu diễn do đội thông tin lưu động tổ chức, các hội thi, hội diễn..., thỉnh thoảng lắm thành phố mới có các chương trình “hoành tráng” do các đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp về thực hiện. Dân Biên Hòa vì thế luôn trong tình trạng “đói” các chương trình biểu diễn nghệ thuật có chất lượng.[links(right)]
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, từ năm 2009 - 2012, Sở đã tiếp nhận 457 giấy phép biểu diễn nghệ thuật và công diễn của các đoàn nghệ thuật trong cả nước đến biểu diễn tại Đồng Nai. Trong số này, TP. Biên Hòa có gần 50% số giấy phép biểu diễn, nhưng đa số các chương trình đều có quy mô nhỏ.
* Thiếu các chương trình biểu diễn
Đồng Nai hiện có 2 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đang hoạt động có trụ sở đặt tại ngay TP. Biên Hòa là: Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai và Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai. Nhiều năm nay, Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai khá nổi tiếng trong nước bởi các vở diễn tham gia các liên hoan, hội diễn luôn đoạt các huy chương vàng, phần thưởng danh giá. Dàn diễn viên của đoàn nhiều người là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.
Một chương trình biểu diễn ca nhạc tại TP. Biên Hòa thu hút hàng ngàn khán giả đến xem. Ảnh: V. Truyên |
Thế nhưng, ngoài việc tham gia các chương trình lớn mừng sự kiện có ý nghĩa của đất nước hay tỉnh nhà và lưu diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa, sân khấu Nhà hát cải lương (phường Bửu Long) cũng ít khi sáng đèn bởi dường như khán giả vẫn chưa biết rằng, ngay ở Biên Hòa cũng có một nhà hát dành cho cải lương. Điều này theo lý giải của đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai là do “vị thế nhà hát khá xa trung tâm thành phố và chúng tôi phải đón khách bằng cửa hậu khá hẹp do dự án tuyến đường bờ sông Đồng Nai chưa được triển khai”.
Trong khi đó, Trưởng đoàn ca múa nhạc Đồng Nai Võ Văn Huệ lại cho hay, một năm đoàn biểu diễn phục vụ 140 buổi nhưng hầu hết đều thực hiện tại các địa phương chứ rất ít khi tổ chức tại TP.Biên Hòa. “Chúng tôi biểu diễn đa phần là miễn phí nhưng lượng khán giả đến vẫn rất ít. Do đó, nhiệm vụ chủ yếu của đoàn vẫn là phục vụ nhiệm vụ chính trị. Diễn có doanh thu là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến nhưng hiện mới dừng lại ở những chương trình có quy mô nhỏ” - ông Huệ nói.
Rõ ràng đây là một nghịch lý, bởi không phải là người dân không có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Ngược lại, có những chương trình “cây nhà lá vườn”, như: tìm kiếm giọng hát hay của TP. Biên Hòa do Trung tâm văn hóa - thông tin tổ chức ở ngay trước cửa rạp Nam Hà mới đây, lượng khán giả tới xem khá đông. Nhiều khán giả đã phải đứng tràn ra cả lòng đường để theo dõi chương trình vì “nhiều giọng ca có chất lượng”. Hay chương trình RockStorm 2012 diễn ra tại Trung tâm Thể dục - thể thao TP. Biên Hòa, hàng ngàn khán giả đã tới xem và cổ vũ nhiệt tình. Trước đó, Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc do Đồng Nai đăng cai tổ chức tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh cũng thu hút đông đảo khán giả tìm đến cổ vũ và thưởng thức đến nỗi ban tổ chức phải bất ngờ.
* Đến bao giờ?
Chị Nguyễn Thị Tuyên (23 tuổi, KP1, phường Tân Hiệp) cho biết, chị là người rất yêu ca nhạc. Dường như chương trình nào tổ chức ở Biên Hòa, chị đều rủ bạn bè đi xem. “Ngày càng ít những chương trình hay, có quy mô do các đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về biểu diễn. Do vậy, nếu “thèm” quá, tôi lại cùng với nhóm bạn của mình lên các phòng trà ở TP. Hồ Chí Minh để thưởng thức hoặc chuyển qua xem phim ở Megastar” - chị Tuyên nói.
Chính vì “đói” các chương trình biểu diễn nghệ thuật nên khán giả của TP. Biên Hòa dễ bị lừa bởi những lời quảng cáo từ không ít các đoàn nghệ thuật có “đẳng cấp quốc gia”. Cụ thể, như chương trình Đồ Rê Mí diễn ra tại Nhà thi đấu tỉnh do Công ty biểu diễn nghệ thuật Ba Miền tổ chức, ăn theo tên gọi chương trình Đô Rê Mí của Đài Truyền hình Việt Nam. Khán giả Đồng Nai đã bị lừa bởi những tiết mục “treo đầu dê, bán thịt chó”. Hay mới đây, chương trình Gala xiếc toàn quốc 2013 do Đoàn biểu diễn nghệ thuật Bông Hồng Trắng thực hiện được giới thiệu là có sự góp mặt của nhiều tiết mục xiếc, ảo thuật đẳng cấp quốc gia, quốc tế... hoành tráng phục vụ khán giả. Tuy nhiên, trong suốt gần 1 giờ rưỡi diễn ra chương trình, khán giả chỉ được xem chưa tới 10 tiết mục xiếc thuộc loại thường thường mà khi đến các khu du lịch vẫn thường gặp, như: xiếc khỉ, xiếc trăn, xiếc chó… chứ không có những pha diễn sáng tạo, ly kỳ và đầy ngoạn mục như lời quảng cáo. Tệ hơn, khâu tổ chức luộm thuộm đã khiến nhiều khán giả bức xúc.
Nhìn nhận thực trạng này, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Trần Quang Toại cho biết, với trách nhiệm là đơn vị cấp phép, Sở đều có mặt ở những chương trình biểu diễn nghệ thuật để giám sát nhằm kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, do khung xử lý quy định tại Điều 19 Nghị định 75 của Chính phủ quá nhẹ, một số đơn vị sẵn sàng làm sai luật, chấp nhận bị phạt để biểu diễn bởi con số doanh thu thực tế khá cao. Điều này đồng nghĩa với việc, khán giả TP. Biên Hòa sẽ còn phải chấp nhận những chương trình biểu diễn tương tự như Đồ Rê Mí hay Ga la xiếc!
Vậy đến khi nào quyền lợi khán giả mới được bảo vệ và mục tiêu nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân bao giờ mới được thực hiện trước khi Biên Hòa có những thiết chế văn hóa xứng tầm?
* Ca sĩ Nguyên Hoàng, Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai: Rất cần một trung tâm biểu diễn chuyên nghiệp Là một ca sĩ, tôi mong muốn thành phố có được một Trung tâm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp để anh chị em trong đoàn có thể thường xuyên biểu diễn. Đây là môi trường để chúng tôi thỏa sức sáng tạo và yên tâm công tác. Có được địa chỉ biểu diễn chuyên nghiệp còn là cơ hội để chúng tôi giới thiệu hình ảnh của mình đến với người dân thành phố. * Ông Nguyễn Công Khanh (62 tuổi, ngụ KP.1, phường Hòa Bình): Mời gọi các đoàn nghệ thuật về biểu diễn Sống ở TP. Biên Hòa đã lâu, nhưng tôi nhận thấy các chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra tại đây nghèo nàn và chỉ phù hợp với một nhóm đối tượng nào đó. Vì vậy, mỗi khi muốn tìm xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật ưa thích thì đành “bó tay”. Mong sao các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ có những giải pháp nhanh chóng và phù hợp để mời gọi các đoàn nghệ thuật trong cả nước đến biểu diễn hoặc đứng ra tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật có chất lượng. Điều này tạo điều kiện cho người dân thành phố tiếp cận và thưởng thức ngày càng nhiều các chương trình biểu diễn chất lượng hơn. * Sinh viên Thái Ngọc Đan Thanh, Trường đại học Đồng Nai: Rất cần những chương trình biểu diễn chất lượng TP.Biên Hòa đang thiếu các chương trình biểu diễn nghệ thuật có chất lượng và quy mô, đặc biệt là các chương trình dành cho giới trẻ. Các ca sĩ tên tuổi đến TP.Biên Hòa biểu diễn chủ yếu vào dịp hội chợ, triển lãm. Bên cạnh đó, nhiều chương trình thường chọn địa điểm ngoài trời nên chất lượng âm thanh không tốt. Do đó tôi mong muốn tỉnh sẽ sớm có một trung tâm biểu diễn văn hóa - nghệ thuật chuyên nghiệp, có những chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của lớp trẻ nói riêng và công chúng Biên Hòa nói chung. V. Truyên - V. Chính (ghi) |
Minh Ngọc - Văn Truyên