Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng: Bán máy cho công ty Nhật Bản

10:09, 23/09/2012

Một nhóm sinh viên khoa cơ điện (Trường đại học Lạc Hồng) đã chế tạo, chuyển giao thành công một máy lắp ráp sản phẩm cuộn cảm cho Công ty TNHH Nec Tokin Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản tại KCN Biên Hòa 2).

Một nhóm sinh viên khoa cơ điện (Trường đại học Lạc Hồng) đã chế tạo, chuyển giao thành công một máy lắp ráp sản phẩm cuộn cảm cho Công ty TNHH Nec Tokin Việt Nam (100% vốn đầu tư Nhật Bản tại KCN Biên Hòa 2).

Sinh viên hướng dẫn các kỹ thuật viên Nec Tokin điều khiển máy. Ảnh: Đ.CÔNG
Sinh viên hướng dẫn các kỹ thuật viên Nec Tokin điều khiển máy. Ảnh: Đ.CÔNG

Máy ráp sản phẩm cuộn cảm tự động được nhóm nghiên cứu, thiết kế và chạy thử trong thời gian 3 tháng trước khi chuyển giao cho Nec Tokin. Sinh viên Lê Văn Bình, Trưởng nhóm chế tạo cho biết, sau khi nhận được hợp đồng, nhóm đã bắt tay ngay vào chế tạo máy theo yêu cầu của phía Nec Tokin là máy phải có thiết kế nhỏ gọn, năng suất cao, độ chính xác phải gần như tuyệt đối và nhất định phải an toàn cho người điều khiển. “Sau khi chuyển giao thành công, máy đã chạy với tốc độ 3 giây cho ra một sản phẩm thay vì lắp ráp thủ công phải mất tới một phút. Hơn nữa một công nhân có thể đứng điều khiển 2 đến 3 máy cùng một lúc, lỗi sản phẩm ở mức thấp nhất 0,1%” - sinh viên Bình nói.

Do đây là hợp đồng chế tạo và chuyển giao công nghệ giữa sinh viên và doanh nghiệp nên chỉ khi nào công nghệ được chuyển giao, chạy thử ổn định mới được doanh nghiệp thanh toán. Điều này đã gây khó khăn đối với nhóm sinh viên nghiên cứu chế tạo máy. Ông Phạm Văn Toản, Phó khoa cơ điện Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Để tạo điều kiện cho sinh viên hoàn thành hợp đồng, khoa đã đề nghị trường cho sinh viên vay vốn, sau khi hợp đồng được thanh toán, sinh viên sẽ hoàn trả lại cho trường, lợi nhuận sinh viên được hưởng”.

Ông Konno, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Nec Tokin Việt Nam cho biết: “Trước đây mỗi khi cần máy móc, chúng tôi thường đặt hàng từ Nhật hoặc Trung Quốc, chi phí rất cao, khi máy gặp vấn đề kỹ thuật lại phải chờ đối tác sang xử lý. Sau khi tiếp nhận máy lắp ráp cuộn cảm tự động do sinh viên Việt Nam chế tạo, công ty chúng tôi đã quyết định ký hợp đồng mua thêm 7 máy nữa”.

Đặng Công

 

Tin xem nhiều