Báo Đồng Nai điện tử
En

Phục hồi chức năng cho người khuyết tật

11:07, 13/07/2012

Chị Nguyễn Thị Vân ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) có con trai 15 tuổi bị khuyết tật vận động, tay chân co quắp phải nằm một chỗ. Hơn một năm nay, được các cộng tác viên đến tập và hướng dẫn chị tập cho con những động tác kỹ thuật để phục hồi chức năng (PHCN), đến nay con chị đã có thể cầm muỗng xúc cơm ăn - điều mà trước nay chị chưa bao giờ nghĩ con mình sẽ làm được.

Chị Nguyễn Thị Vân ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) có con trai 15 tuổi bị khuyết tật vận động, tay chân co quắp phải nằm một chỗ. Hơn một năm nay, được các cộng tác viên đến tập và hướng dẫn chị tập cho con những động tác kỹ thuật để phục hồi chức năng (PHCN), đến nay con chị đã có thể cầm muỗng xúc cơm ăn - điều mà trước nay chị chưa bao giờ nghĩ con mình sẽ làm được.

Đồng Nai là một trong những tỉnh có số người khuyết tật nhiều trong cả nước với khoảng 25 ngàn người. Để tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng cho những người khuyết tật này, Đồng Nai đã được Bộ Y tế hỗ trợ triển khai Dự án PHCN cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.

* Từ một dự án...

Huyện Long Thành là địa bàn được thực hiện thí điểm với mục tiêu không chỉ nâng cao sức khỏe, điều kiện sống cho người khuyết tật, mà còn nâng cao năng lực để người khuyết tật hòa nhập tốt hơn vào đời sống xã hội.

Nhân viên y tế tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân.
Nhân viên y tế tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Y tế huyện cho biết, dự án được khởi động từ tháng 10-2008. Từ dự án, các cán bộ quản lý bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn huyện và 160 cộng tác viên PHCN của 14 xã và thị trấn được tập huấn về quản lý thống kê các dạng khuyết tật, phát hiện và tập hợp danh sách người khuyết tật, sàng lọc dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật. Riêng những cộng tác viên được các bác sĩ chuyên khoa PHCN của các bệnh viện lớn hướng dẫn kỹ thuật tập vật lý trị liệu và PHCN, kỹ năng chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng.

Với 1,46 tỷ đồng do Bộ Y tế hỗ trợ, cùng với nỗ lực và trách nhiệm của những người tham gia dự án, đến nay đã có hàng  trăm người khuyết tật trên địa bàn huyện Long Thành được phục hồi một số chức năng cơ bản, như: vận động, nói, nghe, nhìn... Ngoài ra, dự án còn trao dụng cụ hỗ trợ cho nhiều người khuyết tật, trong đó có 78 người được cấp máy trợ thính, 18 người được chỉ định làm nẹp chân, 32 người được phẫu thuật mắt, 12 người được phẫu thuật tai mũi họng, 5 người được chỉnh hình răng hàm mặt, hơn 30 người được cấp xe lăn, xe lắc và 250 người khuyết tật khác cùng người thân của họ được hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian PHCN tại bệnh viện. Không ít người sau khi được phục hồi một số chức năng đã có thể học hành, lao động, làm việc có ích cho bản thân và gia đình.

*...Đến những rào cản thực tiễn

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban chỉ đạo dự án, cho biết: “Hiện các bệnh viện, các cơ sở PHCN trên địa bàn tỉnh đang từng bước được hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và PHCN cho người bệnh. Công tác phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm các dạng khuyết tật cũng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng trên cơ sở cung cấp đa dạng các hình thức PHCN… nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến việc tiếp cận các dịch vụ PHCN ở người khuyết tật chưa đầy đủ”. 

Một kỹ thuật viên đến tận nhà hướng dẫn phụ huynh tập luyện cho trẻ khuyết tật.
Một kỹ thuật viên đến tận nhà hướng dẫn phụ huynh tập luyện cho trẻ khuyết tật.

Theo báo cáo của Sở Lao động - thương binh và xã hội, có đến 70-80% người khuyết tật trên địa bàn sống dựa vào gia đình và trợ cấp xã hội. Tình trạng sức khỏe của những người này cũng không đảm bảo, ít có cơ hội được tiếp cận dịch vụ PHCN nên khuyết tật không được cải thiện; người khuyết tật cũng thường là người có trình độ văn hóa hạn chế, thiếu tự tin khi giao tiếp xã hội… Do đó, phòng ngừa, điều trị, PHCN cho người khuyết tật kịp thời sẽ làm giảm tỷ lệ người khuyết tật, nghĩa là giảm gánh nặng xã hội và tăng cường khả năng đóng góp của họ cho xã hội.

GS.TS Lê Ngọc Trọng, cố vấn dự án cho biết: “Nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN, nhu cầu can thiệp về y tế (trợ giúp, điều trị, tập luyện, phẫu thuật) ở người khuyết tật cao, nhưng nhận thức của gia đình và cộng đồng về vấn đề này lại chưa thật đầy đủ. Phần lớn người khuyết tật chưa được tạo điều kiện để khắc phục những khó khăn liên quan đến chức năng cơ thể. Ngoài ra, sự kỳ thị, phân biệt trong đối xử với người khuyết tật cũng là một rào cản lớn khiến cho người khuyết tật mất nhiều cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ PHCN”.

Mới đây, khi về giám sát dự án tại Đồng Nai, PGS.TS Trần Trọng Hải - cán bộ phụ trách chuyên môn của dự án đã đánh giá cao chất lượng hoạt động của dự án. Ông nói: “Tôi xúc động khi chứng kiến những cán bộ y tế, những cộng tác viên lặn lội đến từng nhà có người khuyết tật để tuyên truyền vận động, tập và hướng dẫn cho người nhà của họ kỹ thuật tập và chăm sóc người khuyết tật tại nhà. Đây là mô hình hiệu quả, có thể nhân rộng”.

Từ thực trạng nêu trên, Bộ Y tế đang xúc tiến việc đưa công tác PHCN thành chương trình quốc gia với mục tiêu tăng cường nhận thức về khuyết tật và PHCN cho người khuyết tật, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức xã hội, các gia đình có người khuyết tật cam kết ủng hộ chương trình; tăng cường năng lực chuyên môn và năng lực quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ PHCN và cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện cho người khuyết tật; đồng thời phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm những khuyết tật cho người khuyết tật. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, ngoài nhiệm vụ của đội ngũ y, bác sĩ, cần có sự quan tâm hợp tác của gia đình, cộng đồng và nhất là ý thức vươn lên của chính bản thân người khuyết tật.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều