Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng tốc cho kỳ thi tốt nghiệp

09:04, 02/04/2012

Ngay sau khi  6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay được Bộ GD-ĐT công bố, các trường THPT trong tỉnh đã tăng tốc trong việc ôn tập cho học sinh. Hầu hết các trường đã tăng tiết ôn tập, phân loại học lực của học sinh để ưu tiên và dành nhiều thời lượng cho học sinh yếu.

Ngay sau khi  6 môn thi tốt nghiệp THPT năm nay được Bộ GD-ĐT công bố, các trường THPT trong tỉnh đã tăng tốc trong việc ôn tập cho học sinh. Hầu hết các trường đã tăng tiết ôn tập, phân loại học lực của học sinh để ưu tiên và dành nhiều thời lượng cho học sinh yếu.

Tại Trường THPT Chu Văn An (TP. Biên Hòa), nhà trường đã mở thêm lớp phụ đạo dành riêng cho học sinh yếu. Bà Dương Ngọc Dung, Phó hiệu trưởng trường này cho biết: “Năm nay, nhà trường có 282 học sinh lớp 12. Trường tách riêng học sinh yếu để ôn tập tối đa nhằm nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp. Hiện tại, nhà trường đang tổ chức ôn thi cho các em theo chủ đề. Tất cả giáo viên soạn sẵn bộ đề cương bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp. Chúng tôi thường xuyên động viên tinh thần các thầy cô để cố gắng ôn cho các em đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp”.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (TP.Biên Hòa) được giáo viên tăng tốc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.             Ảnh: B.Hường
Học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An (TP.Biên Hòa) được giáo viên tăng tốc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: B.Hường

Còn ông Từ Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Năm học này, nhà trường có 380 học sinh lớp 12. Ngay đầu năm, nhà trường đã tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho các em. Dựa vào kết quả thi học kỳ I vừa qua, nhà trường phân luồng, tổ chức ôn tập cho học sinh theo từng nhóm nhỏ, phù hợp với học lực của từng em. Từ ngày 10-4 tới đây, trường sẽ tăng các tiết dạy cho 6 môn thi tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn hợp đồng với 2 giáo viên môn sử và địa lý có kinh nghiệm của Trường THPT Long Thành để hỗ trợ ôn luyện cho các em”.

Tại Trường THPT Thanh Bình (huyện Tân Phú), ông Nguyễn Hữu Hoan, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Ngay học kỳ I, với các môn nằm trong dự đoán thi, nhà trường đã tổ chức tăng tiết. Đến nay, nhà trường đã có kế hoạch ôn tập chi tiết của cả 6 môn. Năm nay, nhà trường có 518 em dự thi. Hội đồng sư phạm nhà trường quyết tâm đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn hoặc bằng năm ngoái”.

Bộ GD-ĐT quy định không được cắt xén, hay dạy dồn không đúng phân phối chương trình, nên các trường đều cố gắng hoàn tất chương trình theo quy định để dành nhiều thời gian ôn tập.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đối với học sinh THPT, sẽ thi các môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, hóa học, lịch sử, địa lý. Môn thay thế cho các thí sinh không thi môn ngoại ngữ là môn vật lý. Đối với học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi các môn: toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, lịch sử và địa lý. Được biết, trong năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 23.250 học sinh lớp 12, trong đó có 18.130 học sinh hệ công lập.

Em Võ Kim Ngân, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) cho hay: “Gần đến kỳ thi, chúng em học nhiều hơn, được các thầy cô dò bài kỹ nên em thấy yên tâm”. Còn Hoàng Nhi, học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An chia sẻ: “Em đang tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp. Hàng ngày, em dành phần lớn thời gian cho việc học. Được các thầy cô kèm cặp, truy bài thường xuyên nên em hiểu bài tốt. Em phải thi đậu tốt nghiệp để sau đó còn thi tuyển sinh vào Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh)”. 

Đối với các trường ngoài công lập, cố gắng để có số thí sinh trượt ít nhất chính là mục tiêu mà hầu hết các trường nhắm tới. Hiện các trường đang cố gắng chạy cho hết chương trình để dành thời gian cho học sinh ôn tập. Thời điểm này là giai đoạn thắt chặt kỷ cương, nề nếp. Học sinh của các trường: Bùi Thị Xuân, Đinh Tiên Hoàng (TP. Biên Hòa),  Lạc Long Quân (huyện Định Quán)... khi được hỏi đều cho biết các em thường xuyên được giáo viên kiểm tra định kỳ để phát hiện các lỗ hổng kiến thức, kịp thời củng cố kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bích Hường

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều