Việc chăm sóc sức khỏe, trong đó có sức khỏe sinh sản (SKSS) cho lao động nữ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thế nhưng vấn đề này chưa được các doanh nghiệp thực sự quan tâm.
Việc chăm sóc sức khỏe, trong đó có sức khỏe sinh sản (SKSS) cho lao động nữ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thế nhưng vấn đề này chưa được các doanh nghiệp thực sự quan tâm.
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40-50% nữ công nhân lao động được khám phụ khoa kết hợp trong khám sức khỏe định kỳ. Nhiều lao động nữ dù được phát hiện mắc bệnh phụ khoa nhưng sợ trừ lương, sợ mất khoản tiền chuyên cần... nên không đi điều trị.
* Ít doanh nghiệp thực sự vào cuộc
Trên địa bàn tỉnh, trong số gần 200 doanh nghiệp có lượng công nhân lao động lớn (trên 10 ngàn lao động) và tỷ lệ lao động nữ cao (từ 70-85%), thì những doanh nghiệp quan tâm đến công tác chăm sóc SKSS cho công nhân thực chất là không đáng kể.
Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife mời bác sĩ sản khoa ở TP.HCM về nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cán bộ công nhân viên nữ. |
Ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouchen cho biết: “Với đặc thù lao động nữ chiếm 85%, nên việc tổ chức các hoạt động truyền thông chăm sóc SKSS cho chị em là rất quan trọng. Chúng tôi luôn đấu tranh và tư vấn cho chủ doanh nghiệp bảo vệ sức khỏe người lao động là bảo vệ sự ổn định và lợi ích cho doanh nghiệp. Mỗi năm, công ty đều có tổ chức những ngày hội chăm sóc SKSS thông qua sự phối hợp với Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh”.
Hiện nay, Công ty Pouchen đang chuẩn bị thành lập Trung tâm tư vấn và chăm sóc SKSS với sự hỗ trợ của Tổ chức Marie Stopes International VN - một tổ chức phi chính phủ của Vương quốc Anh. 300 tuyên truyền viên của Công ty Pouchen đã được tập huấn kiến thức về SKSS để sau này truyền thông đến người lao động.
Tương tự, Công ty Changshin với gần 26 ngàn công nhân, trong đó có đến 90% lao động nữ, cũng làm khá tốt các hoạt động truyền thông về chăm sóc SKSS cho người lao động. Hàng năm công ty đều tổ chức những ngày hội, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS, khám phụ khoa định kỳ cho nữ công nhân…
* Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Tổng liên đoàn Lao động mới đây có cuộc khảo sát về kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS tại 34 doanh nghiệp trong cả nước, trong đó Đồng Nai có 3 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, có 63% lao động nữ ở độ tuổi sinh đẻ nhưng có đến 80% lao động nữ chưa được truyền thông đầy đủ kiến thức về SKSS, giáo dục giới tính, các biện pháp ngừa thai, phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục, làm mẹ an toàn…
Ngoài được chăm sóc sức khỏe sinh sản, nữ công nhân cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện. |
Theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, công nhân lao động là đối tượng được ngành đặc biệt quan tâm để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc SKSS, ổn định dân số - kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Ngành y tế vẫn đang phối hợp với các ngành liên quan để triển khai truyền thông các hoạt động về SKSS, cấp phát bao cao su, tờ rơi cung cấp kiến thức cơ bản về phòng tránh thai, phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… trong công nhân lao động. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của hoạt động này vẫn chưa cao” - bác sĩ Hải nhìn nhận.
Góp phần vào hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức về chăm sóc SKSS, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho hay, hiện Hội đang triển khai và nhân rộng mô hình câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ. “Thông qua sinh hoạt của những câu lạc bộ này, chúng tôi lồng ghép truyền thông chuyển đổi hành vi, tư vấn chăm sóc SKSS cho công nhân trong các khu nhà trọ. Nhiều nội dung truyền thông không thuộc lĩnh vực chuyên môn nên chúng tôi rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ” - bà Hoa cho biết.
Bà Nguyễn Phước Mạnh, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh thì cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc đưa thông tin, kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS đến với lao động nữ. Nhưng thực tế rất khó khăn để “lọt” qua được “cửa” chủ doanh nghiệp, nếu chủ doanh nghiệp đó không quan tâm. Thậm chí, có qua được “cửa” chủ doanh nghiệp rồi cũng chưa chắc đem lại hiệu quả, vì chính bản thân người được quan tâm lại không mấy “mặn mà” với việc tiếp nhận thông tin. Điều quan trọng là cần sự phối hợp của các ngành liên quan và bản thân các lao động nữ”.
Phương Liễu