(ĐN)- Tối 2-10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đã có kết quả xét nghiệm của 2 mẫu hổ chết tại Khu du lịch Vườn Xoài (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa).
Hổ Bengal được nuôi nhốt trong Khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: VX |
Theo đó, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương cho thấy, 2 mẫu hổ (gồm máu, phủ tạng) được lấy ngày 22-9. Ngày 1-10, Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương nhận mẫu làm xét nghiệm. Đến tối ngày 2-10 cho kết quả 2 mẫu hổ dương tính với virus H5N1.
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, qua làm việc với đại diện Khu du lịch Vườn Xoài sáng nay được biết, trước khi có biểu hiện nhiễm bệnh và chết, nhiều con hổ ở Khu du lịch Vườn Xoài đã ăn thức ăn là thịt gà, đầu gà. Số thức ăn này do một công ty đóng trên địa bàn phường Hố Nai cung cấp.
Bác sĩ Phúc nhận định, trong trường hợp này, khả năng những con hổ đã bị chết đã bị nhiễm virus H5N1 từ thịt gà bị nhiễm bệnh. Do vậy, cơ quan chức năng đang tiến hành truy vết nguồn gà để xác định rõ nguồn lây nhiễm. Từ đó có giải pháp khoanh vùng, dập dịch, ngăn ngừa lây lan.
Giải thích lý do vì sao cả đàn hổ cùng ăn thịt gà nhưng có con chết, có con vẫn còn sống, bác sĩ Phúc cho rằng, có khả năng trong đàn gà mà công ty cung cấp cho khu du lịch có những con bị nhiễm bệnh, có những con chưa nhiễm bệnh. Vì thế, con hổ nào ăn phải những con gà bị nhiễm bệnh sẽ nhiễm bệnh và chết. Con hổ nào ăn những con gà chưa nhiễm bệnh thì vẫn khỏe mạnh.
Trong ngày mai, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành truy vết nguồn gốc thịt gà cung cấp cho Khu du lịch Vườn Xoài.
H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.
Virus H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta có tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. Một số việc làm có thể khiến con người bị nhiễm bệnh như: tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh; chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh; tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh; ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín.
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin