Báo Đồng Nai điện tử
En

Không có lăng quăng - không có sốt xuất huyết

Hạnh Dung
07:05, 12/06/2024

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ mắc phải. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc bệnh SXH sẽ bị suy giảm sức khỏe, suy đa tạng, thậm chí là tử vong.

Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại hộ dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại hộ dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Dung

Bệnh SXH hoàn toàn có thể phòng tránh nếu người dân chủ động thực hiện những việc làm đơn giản để diệt muỗi, diệt lăng quăng như: phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, ngủ mùng…

Bệnh SXH tăng nhanh vào mùa mưa

TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết muỗi vằn là vật trung gian gây bệnh SXH. Mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển.

Muỗi vằn có màu đen sẫm, thân và chân muỗi có các đốm trắng. Loại muỗi này hay sống ở khu vực tối hoặc những nơi có ánh sáng yếu, thường đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước và những nơi có nước đọng. Trứng của muỗi vằn có thể tồn tại đến một năm trong điều kiện khô nhưng sau khi ngập trong nước, trứng muỗi sẽ nở ngay lập tức.

Ngày 12-6, tại huyện Trảng Bom sẽ diễn ra Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH năm 2024 nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Muỗi vằn sau khi hút máu của người nhiễm virus dengue (virus gây bệnh SXH) sẽ truyền virus này cho người khỏe mạnh thông qua các vết đốt. Một con muỗi vằn có thể đốt rất nhiều người và rất dễ gây thành dịch trên diện rộng.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh đều ghi nhận có ca bệnh SXH. Những khu vực có nguy cơ mắc bệnh SXH cao là những khu vực vùng ven, các khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư, những nơi có nhiều khu nhà trọ mà điều kiện vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, công tác xử lý rác thải chưa hợp vệ sinh. Đặc biệt, nơi nào có nhiều vật chứa nước, muỗi đẻ trứng, lăng quăng phát triển nhiều thì nơi đó có nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH.

Trong nhiều năm gần đây, thành phố Biên Hòa ghi nhận nhiều ca bệnh SXH nhất tỉnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 200 ca mắc SXH, kế đó là huyện Cẩm Mỹ với 143 ca mắc SXH.

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, ThS-BS Đỗ Minh Quang cho hay, ngành y tế thành phố đã và đang tích cực phối hợp với các phòng, ban của thành phố, UBND 30 phường, xã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH. Những việc làm rất đơn giản như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, dọn rác, cắt tỉa cành cây, phát quang bụi rậm… đã làm giảm chỉ số côn trùng trên địa bàn. Thực tế cho thấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

Chị Nguyễn Thị Huyền (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) cho biết, muỗi xuất hiện trong nhà chị quanh năm. Từ đầu mùa mưa đến nay, muỗi càng nhiều. Do gia đình có 2 con nhỏ nên chị đã thuê người đến phun xịt thuốc diệt muỗi; đồng thời, chặt bớt cây cối ở vườn, thường xuyên lau dọn nhà cửa sạch sẽ, dùng vợt điện diệt muỗi nên gần đây số lượng muỗi giảm hẳn.

Không nên chủ quan

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 3,9 tỷ người tại 128 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ở trong khu vực có nguy cơ nhiễm virus dengue. Hàng năm, có khoảng 100 triệu người phải nhập viện do bệnh SXH, trong đó có khoảng 500 ngàn ca bệnh nặng, hàng chục ngàn ca tử vong. Khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 75% số ca mắc bệnh SXH toàn thế giới.

Tại Việt Nam, sau năm 2000, nhờ có Chương trình Quốc gia phòng chống SXH nên mặc dù số ca mắc bệnh SXH vẫn tăng nhưng số ca tử vong đã giảm rõ rệt. Khu vực phía Nam có số ca mắc bệnh SXH chiếm 70% tổng số ca mắc SXH của cả nước.

Năm 2023, Đồng Nai ghi nhận hơn 5,5 ngàn ca mắc bệnh SXH, 5 ca tử vong. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1,1 ngàn ca mắc bệnh SXH, 1 ca tử vong.

TS-BS Trần Minh Hòa nhấn mạnh, bệnh SXH hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dự kiến đến cuối năm 2024, vaccine phòng bệnh SXH mới về đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi có vaccine thì chiến lược phòng chống SXH hiện nay vẫn dựa vào cộng đồng để dự phòng là chính, không thể trông chờ vào vaccine. Bởi, để có miễn dịch cộng đồng đủ để phòng chống SXH thì cần một thời gian dài. Người dân không nên chủ quan cho rằng SXH là bệnh nhẹ, vì hiện nay có nhiều trường hợp bệnh diễn tiến rất nhanh. Hơn nữa, dân số Việt Nam đang già hóa, những người có nhiều bệnh nền như: huyết áp, tim mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa nếu mắc SXH sẽ có nguy cơ bệnh nặng hơn rất nhiều.

TS-BS Trần Minh Hòa cho hay, phương châm để phòng bệnh SXH là không có lăng quăng - không có SXH. Người dân cần thực hiện tốt việc đổ bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết để muỗi không đẻ trứng và lăng quăng không phát triển. Hàng ngày, dành 5-10 phút để dọn dẹp nhà cửa, xung quanh khuôn viên nhà, mặc áo dài tay, ngủ mùng cả ban ngày, diệt muỗi, xoa kem chống muỗi, thả cá 7 màu vào bể nước để diệt lăng quăng…

Khi có dấu hiệu sốt cao kéo dài, uống thuốc nhưng không hạ sốt, người mệt mỏi, chán ăn, người dân cần đến cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Để phòng ngừa dịch bệnh SXH lây lan trên diện rộng vào mùa mưa, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, thực hiện tốt công tác giám sát, điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh SXH. Chuẩn bị đầy đủ thuốc men để phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng bệnh, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ, diệt muỗi để phòng bệnh. Cùng với đó, hệ điều trị chuẩn bị đầy đủ thuốc men, nhân lực, trang thiết bị để phục vụ công tác điều trị, hạn chế tối đa số ca bệnh nặng, tử vong do bệnh SXH.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều