Ngày 20-4, Báo Đồng Nai tổ chức Chương trình Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2024 tại Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa) và Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch).
Tiến sĩ Võ Văn Lý, Phó hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Huy Anh |
Tham dự có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng; đại diện Sở Lao động, thương binh và xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Nai; 9 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cùng hơn 1,6 ngàn học sinh lớp 12 của 2 trường.
Là con gái có nên học khối ngành kỹ thuật?
Trả lời câu hỏi của em Nguyễn Tâm Anh, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm về việc con gái có nên học khối ngành kỹ thuật hay không, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai Ngô Kim Lân cho biết, việc phân biệt ngành nghề dựa vào giới tính đến nay đã không còn phù hợp. Bởi thực tế có nhiều vị trí việc làm của khối ngành kỹ thuật phù hợp với nữ giới vì nữ giới tỉ mỉ, chịu khó, khéo léo hơn trong xử lý công việc. Mặt khác, hiện có nhiều loại máy móc rất hiện đại có thể giúp nữ giới hoàn thành tốt công việc kỹ thuật. Quan trọng nhất vẫn là năng lực, sở thích của bản thân học sinh.
Riêng ngành công nghệ ô tô tích hợp nhiều lĩnh vực như: cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa, các dịch vụ khai thác, kinh doanh ô tô. Ngành nghề này cũng có nhiều vị trí việc làm phù hợp với nữ giới như: làm tại bộ phận thiết kế, chế tạo; giám sát dây chuyền sản xuất, lắp ráp; kiểm soát chất lượng kỹ thuật ô tô, cố vấn chăm sóc khách hàng…
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa) đặt câu hỏi tại buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do Báo Đồng Nai tổ chức sáng 20-4. Ảnh: Huy Anh |
Thầy Đoàn Việt Anh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường đại học Lạc Hồng, chia sẻ các khối ngành kỹ thuật là thế mạnh của trường. Các nữ sinh nếu học các ngành: công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ điều khiển tự động hóa, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin sẽ được nhận học bổng giảm 5 triệu đồng tiền học phí trong học kỳ đầu tiên. Những học kỳ tiếp theo nếu đạt kết quả cao về học tập và rèn luyện sẽ tiếp tục được hỗ trợ học bổng. Ngoài ra, nhà trường có nhiều chính sách khác ưu tiên nữ sinh ngành kỹ thuật.
Thầy Tô Thanh Tuần, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, cho hay nhà trường được Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ học phí, học bổng lên đến 24 triệu đồng/năm học cho sinh viên nữ các ngành: cơ điện tử, cắt gọt kim loại CNC, điện tử công nghiệp và cơ khí xây dựng...
Nhiều nghề “cung” không đủ “cầu”
Qua thông tin trên báo, đài, em Khánh Linh, lớp 12A25 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng, biết hiện nay các bệnh viện đang rất thiếu bác sĩ, điều dưỡng và muốn tìm hiểu thông tin về các ngành học này.
Học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch) trải nghiệm nghề hộ sinh - một ngành đào tạo của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai tại chương trình. Ảnh: Huy Anh |
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Chính trị, công tác học sinh, sinh viên, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, cho biết trường đang đào tạo 6 ngành chuyên về sức khỏe gồm: dược, điều dưỡng, hộ sinh, vật lý trị liệu, xét nghiệm, y sĩ. Học phí của Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai tương đối thấp, chưa tới 5 triệu đồng/học kỳ. Ngoài ra, nhà trường có chính sách giảm 70% học phí cho một số ngành học. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức ngày hội việc làm thu hút nhiều bệnh viện lớn, các công ty dược tham gia. Nhà trường cam kết 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm ngay bởi hiện nay nhu cầu nhân lực y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế nhiều hơn số lượng sinh viên mà nhà trường đào tạo mỗi năm.
Ông NGUYỄN HỮU KHÁNH LINH, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, thương binh và xã hội, cho biết các doanh nghiệp đang ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm.
Còn tiến sĩ Võ Văn Lý, Phó hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, thông tin sinh viên học các ngành sư phạm không phải đóng học phí; một số ngành đang thiếu nhân lực như: ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học. Nếu các em học ngành giáo dục mầm non thì chỉ cần học năm thứ 3 đã có các trường mầm non đến trường để tuyển dụng. Nếu muốn có mức lương cao, các em nên học thêm ngoại ngữ để dạy tại các trường quốc tế.
Với những quan tâm của học sinh về học bổng, cô Phan Thị Kim Tuyến, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công nghệ Miền Đông, cho hay nhà trường có nhiều gói học bổng, ưu đãi cho sinh viên như: học bổng tạo động lực trị giá 6 triệu đồng/sinh viên; học bổng chỗ ở (hỗ trợ 2 triệu đồng, trừ thẳng vào học phí); học bổng học các ngành quản trị hàng không, logistics (2 triệu đồng); học bổng dành cho con của công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (6,5 triệu đồng); học bổng dành cho các em học sinh đạt giải cao về thể thao, văn hóa (giảm 10 triệu đồng học phí năm thứ nhất) xét tuyển vào trường.
Sau khi trừ các loại học bổng thì mức học phí học kỳ 1 năm học 2024-2025 của sinh viên từ 2,1-5,1 triệu đồng/sinh viên. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ sinh viên vay vốn lãi suất 0% trong suốt quá trình học tại trường.
Về cơ hội việc làm cho khối ngành lâm nghiệp, theo cô Lê Ngọc Diệp, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại Đồng Nai, Đồng Nai có hơn 123 ngàn hécta đất rừng tự nhiên với nhiều khu du lịch nổi tiếng, trong đó có Vườn quốc gia Cát Tiên. Đồng thời, có nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến lâm sản với nhu cầu nhân lực rất lớn. Hàng năm, nhà trường kết nối với các doanh nghiệp để vừa đổi mới chương trình đào tạo, tạo cơ hội thực hành có lương cho sinh viên khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, vừa để gắn kết giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường.
Thầy Nguyễn Văn Vụ, Phụ trách phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai, cho hay trường có 2 cơ sở, tọa lạc tại huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch, đào tạo 15 nhóm ngành nghề như: điện, kỹ thuật cơ khí, ô tô, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật môi trường… từ sơ cấp đến cao đẳng. Năm 2024 chỉ tiêu của trường là hơn 1,7 ngàn học sinh, sinh viên.
Cả 2 cơ sở của trường đều có ký túc xá cho sinh viên ở xa đến học tập. Nhà trường đang liên kết với 340 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo, thực tập và giải quyết việc làm cho sinh viên. Hầu hết sinh viên sau ra trường đều có việc làm.
Cô Đặng Thị Cẩm Tú, Phó trưởng phòng Đại học, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, cho biết nhà trường đang tích cực ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Sinh viên có thể học thông qua các màn hình tương tác ở những phòng thực tế ảo, phòng Lab liên quan đến công nghệ.
Trả lời câu hỏi của học sinh là học ngành gì để không bị AI thay thế trong tương lai, cô Cẩm Tú cho rằng, trước tiên các em phải lựa chọn được ngành nghề đúng khả năng, sở thích, đam mê của mình. Học ở đâu hay học ngành gì không quan trọng bằng sự nỗ lực và cố gắng của bản thân các em. Không chỉ học các kiến thức chuyên ngành, các em phải có thêm kiến thức về ngoại ngữ, có kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp tốt, có phẩm chất đạo đức tốt… để có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai.
Hạnh Dung - Nguyễn Hòa
Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai ĐINH KIM TUẤN:
Nỗ lực góp sức cho công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh
16 năm trước, Báo Đồng Nai đã từng tổ chức Chương trình Tư vấn tuyển sinh. Năm nay, với mục tiêu là cầu nối, đáp ứng nhu cầu của các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trong tỉnh, báo tiếp tục tổ chức Chương trình Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh. Nét riêng của chương trình là chọn các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh để tham gia. Trong chương trình, đại diện các trường, các sở, ngành nói về các chính sách, lợi ích của học sinh khi học tại Đồng Nai.
Không chỉ tuyên truyền trên báo in, báo điện tử, Báo Đồng Nai còn tuyên truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội để tạo sức lan tỏa sâu rộng, giúp học sinh thấy được bức tranh toàn cảnh về nhu cầu lao động việc làm, điều kiện của các trường đại học, cao đẳng, từ đó có cái nhìn khách quan để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, đam mê, điều kiện kinh tế gia đình.
Từ thành công của chương trình năm nay, năm sau Báo Đồng Nai sẽ tổ chức chương trình chủ động hơn, bài bản hơn, đến được nhiều trường phổ thông hơn.
Ông HOÀNG TRẦN THÀNH NHÂN, Phó trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai:
Mỗi sinh viên được vay tối đa 40 triệu đồng/năm học
Ngân hàng Chính sách xã hội đang có chính sách cho sinh viên vay vốn để học đại học, cao đẳng với mức vay tối đa 40 triệu đồng/sinh viên/năm học, lãi suất là 6,6%/năm (tương đương với 0,55%/tháng). Thời gian vay tối đa bằng 2 lần thời gian phát tiền vay và 1 năm ân hạn. Chẳng hạn, một sinh viên học 4 năm đại học, vay tiền trong 4 năm đại học sẽ có tổng thời hạn vay là 9 năm.
Đối tượng vay vốn là học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề có hoàn cảnh khó khăn: mồ côi cha lẫn mẹ, mồ côi cha/mẹ mà người còn lại không có khả năng lao động; sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo quy định; thành viên hộ gia đình có khó khăn về tài chính do tai nạn, hỏa hoạn, bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh trong thời gian các em đang theo học tại trường có sự xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn.
Điều kiện vay vốn là học sinh, sinh viên đang sinh sống trong hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay; sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường; học sinh năm thứ 2 phải có giấy xác nhận về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi như: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu…
Học sinh thuộc diện được vay vốn có thể liên hệ với các điểm giao dịch của ngân hàng đặt tại 170 UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh để được hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn theo quy định.
Thầy NGUYỄN VĂN VIÊN, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch):
Mong Báo Đồng Nai tiếp tục tổ chức chương trình
Trường hiện có hơn 450 học sinh khối 12. Nhiều em có học lực trung bình và điều kiện gia đình còn khó khăn nên lựa chọn học các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh để tiết kiệm chi phí đi lại và học phí. Tuy nhiên, chọn ngành nghề nào cho phù hợp và dễ xin việc sau khi ra trường thì các em chưa nắm chắc. Vì thế, khi được nghe một số trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đến trường tư vấn trực tiếp, các em rất hồ hởi, hỏi rất nhiều. Tôi mong Báo Đồng Nai sẽ tiếp tục tổ chức chương trình này hàng năm và làm sớm hơn, vào khoảng tháng 3 để các em có định hướng trước, chủ động trong chọn ngành, chọn nghề.
Thầy NGUYỄN QUANG THÁI, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa):
Chương trình rất bổ ích
Trường hiện có hơn 1,2 ngàn học sinh lớp 12. Thời điểm này, mặc dù các em đã được tiếp cận với nhiều thông tin tư vấn hướng nghiệp song nhiều em vẫn còn mơ hồ, chưa xác định chính xác ngành nghề theo đúng đam mê, sở thích, sở trường và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Chương trình Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do Báo Đồng Nai tổ chức rất có ích đối với không chỉ học sinh mà cả cán bộ, giáo viên nhà trường. Chương trình giúp đội ngũ giáo viên nắm bắt rõ hơn nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; những yêu cầu bắt buộc đối với nhân lực khi làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Từ đó, sẽ có những đổi mới trong giảng dạy, tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh trong quá trình dạy - học.
Bảo Lộc - Lan Mai - Hải Yến - Nga Sơn (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin