Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh

Hạnh Dung
08:13, 02/01/2024

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các cơ sở y tế trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất triển khai kỹ thuật cao trong điều trị bệnh dưới sự hỗ trợ của chuyên gia ở TP.HCM. Ảnh: H.Dung

Điều này vừa giúp nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho bệnh viện, vừa giúp người dân trong tỉnh được tiếp cận các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không cần đến các bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, cơ hội điều trị.

* Chuẩn bị nhân lực để ghép thận, ghép tim

BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai cho biết, sau thời gian hợp tác với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đến nay các bác sĩ của bệnh viện đã có thể tự thực hiện nhiều ca phẫu thuật tim, trong đó có phẫu thuật tim nội soi.

Ngoài ra, bệnh viện đang phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM triển khai kỹ thuật đốt điện sinh lý điều trị rối loạn nhịp tim nhanh. Đây là kỹ thuật rất chuyên sâu, mới chỉ có những bệnh viện tuyến trung ương có thể làm được.

Đến thời điểm này, BVĐK Đồng Nai đã có ê-kíp điều trị đột quỵ bài bản, được xem là điểm sáng trong điều trị đột quỵ tuyến tỉnh cả nước. Trong quý IV-2023, Đơn vị đột quỵ của bệnh viện đã đạt tiêu chuẩn Kim cương, là mức đánh giá cao nhất của Hội Đột quỵ thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp bệnh nhân đột quỵ nhanh chóng được điều trị ở bệnh viện tỉnh với đầy đủ nhân lực, máy móc, trang thiết bị hiện đại, có cơ hội bình phục tốt nhất.

Đặc biệt, bệnh viện đã cử ê-kíp gồm 6 bác sĩ và 8 điều dưỡng đi học về ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Với hệ thống máy móc đầy đủ, hiện đại sẵn có, khi ê-kíp này đi học về, dự kiến trong 1-2 năm nữa bệnh viện sẽ ký hợp đồng với Bệnh viện Chợ Rẫy để triển khai ghép tạng, trước mắt là ghép thận, tiến tới là ghép tim và các tạng khác.

Cũng là bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh, trong năm qua, BVĐK Thống Nhất đã đẩy mạnh hợp tác với các chuyên gia ở TP.HCM để triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao.

Với sự hỗ trợ của BS CKII Nguyễn Cao Viễn, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), các bác sĩ của BVĐK Thống Nhất đã thực hiện thành công ca phẫu thuật điều trị bệnh phù bạch mạch đầu tiên tại Đồng Nai. BVĐK Thống Nhất là đơn vị thứ 3 của cả nước thực hiện được kỹ thuật này.

BS CKI Nguyễn Quốc Lữ, Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa Ngoại, chấn thương chỉnh hình - bỏng, BVĐK Thống Nhất cho biết, đây là ca mổ khó vì là kỹ thuật vi phẫu, ê-kíp phải vừa nối động mạch, vừa nối tĩnh mạch trong khi kích thước mạch bạch huyết chỉ 0,1mm. Để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật vi phẫu phải có tay nghề cao, kinh nghiệm nhiều, phải có sự tập trung cao độ và trang thiết bị hiện đại.

Mới đây, BVĐK Thống Nhất đã thực hiện thành công kỹ thuật chuyên sâu phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt u tuyến ức cho nữ bệnh nhân 41 tuổi. Ngoài ra, trong năm nay, 13/17 khoa, phòng của bệnh viện đã tự triển khai, tiếp nhận chuyển giao hoặc đưa vào thường quy 24 kỹ thuật mới, kỹ thuật cao khác như: phẫu thuật nội soi bệnh tennis elbow; phẫu thuật nội soi khớp cổ chân cắt lọc sụn khớp cổ chân; cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo hạch hai bên trong ung thư tuyến giáp…

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất chia sẻ, bệnh viện đang hướng tới thực hiện kỹ thuật ghép thận trong vài năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh điều trị bệnh suy thận mạn.

* Đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật mới

BS CKII Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế cho hay, phát triển khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là một trong những chiến lược phát triển của các bệnh viện, nhất là các BVĐK, chuyên khoa tuyến tỉnh. Năm 2023, nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã tiếp nhận nhiều kỹ thuật cao từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), Bệnh viện Từ Dũ.

Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện thành công một số kỹ thuật. Qua đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, hướng tới mục tiêu giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế công bằng, chất lượng cao.

BS CKII Tạ Quang Trí, Giám đốc BVĐK khu vực Định Quán chia sẻ, nhồi máu cơ tim cấp vẫn đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các quốc gia hiện nay. Nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa Định Quán, Tân Phú được kịp thời điều trị trong giờ vàng, hạn chế nguy cơ tử vong và phải chuyển lên tuyến trên, trong năm 2023, bệnh viện đã tiếp nhận kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên từ BVĐK Đồng Nai. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Đây là bước tiến lớn trong công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện, góp phần cùng ngành Y tế Đồng Nai đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Theo lãnh đạo Sở Y tế, Sở khuyến khích các cơ sở y tế trong tỉnh chủ động tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao theo đúng quy định. Sau khi thực hiện xong thí điểm, đơn vị báo cáo kết quả, Sở Y tế sẽ họp hội đồng chuyên môn để quyết định cho phép triển khai chính thức những kỹ thuật này. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Thời gian tới, các đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tuyến trên để triển khai có hiệu quả Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh: tim mạch, tiểu đường, phẫu thuật thần kinh, chấn thương chỉnh hình và trong các lĩnh vực: phụ sản, nhi khoa, ung bướu.

Đặc biệt, ngành Y tế Đồng Nai mong muốn tiếp tục hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ từ các tuyến trên như: mổ tim hở, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật điều trị ung thư, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật thần kinh. Ngoài ra, còn có các kỹ thuật trong lĩnh vực hồi sức, điều trị ung thư bằng máy gia tốc tuyến tính, thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, robot phẫu thuật nội soi, công nghệ tế bào gốc, công nghệ giải trình tự gene, công nghệ sinh học…

Hạnh Dung


BS CKII LÊ QUANG TRUNG, Giám đốc Sở Y tế:

Chú trọng chất lượng nguồn nhân lực

 

Để thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, các cơ sở y tế trong tỉnh cần chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đặt hàng các bệnh viện lớn để triển khai các đề tài khoa học bám sát thực tế khám, chữa bệnh, ưu tiên các lĩnh vực như: đột biến gene gây ung thư, hệ thống vi sinh vật, nghiên cứu ứng dụng xét nghiệm dược lý hệ gene, ứng dụng mô hình quản lý nghiên cứu phản vệ ở người Việt Nam, hệ thống tư vấn sức khỏe tự động qua Chatbot…

BS CKII LƯU VĂN TƯỜNG, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Cẩm Mỹ:

Tạo đột phá trên lĩnh vực ngoại khoa

 

Xác định nhân lực là yếu tố then chốt quyết định chất lượng khám, chữa bệnh, trung tâm đã cử nhiều bác sĩ đi học nâng cao trình độ. 2 năm nay, trung tâm đã thực hiện thành công khoảng 100 ca phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng. Thời điểm này, khi đội ngũ bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa I đã hoàn thành khóa học trở về, trung tâm triển khai nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật chuyên sâu như phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày. Sắp tới, trung tâm sẽ triển khai phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Qua đó, giúp người dân địa phương và vùng lân cận được tiếp cận các kỹ thuật cao ngay ở tuyến cơ sở, không phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều