Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ở quán cà phê Khuyết

Sông Thao
08:25, 16/10/2023

Ông Đinh Văn Tâm, bị khuyết tật chân, di chuyển đều phụ thuộc vào chiếc xe điện 3 bánh. Vậy nhưng hàng ngày trên chiếc xe này, ông vẫn bưng nước giải khát đến từng bàn cho khách. Đồng thời, ông còn giữ vai trò quán xuyến hoạt động chung của quán cà phê.

Trên chiếc xe điện 3 bánh, ông Đinh Văn Tâm, bị khuyết tật chân bưng bê nước giải khát cho khách tại quán cà phê Khuyết. Ảnh: S.Thao
Trên chiếc xe điện 3 bánh, ông Đinh Văn Tâm, bị khuyết tật chân bưng bê nước giải khát cho khách tại quán cà phê Khuyết. Ảnh: S.Thao

Nơi mà ông Tâm đang làm việc là quán cà phê Khuyết tọa lạc ở xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) với hầu hết lao động ở quán đều là người khuyết tật. Người khởi xướng mô hình việc làm cho người khuyết tật này là giáo dân Nguyễn Công Danh (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa).

* Quán cà phê của tình thân

Ông Danh chia sẻ, nơi quán cà phê mở bán trước đây là cơ sở kinh doanh sắt thép của gia đình ông. Phía trước khu đất giáp mặt đường được ông dựng nhà tiền chế làm kho. Phía sau khu đất ông trồng hàng chục cây thông để tạo bóng mát và cũng là thỏa mãn sở thích của mình. Khi tuổi đã cao, ông thôi kinh doanh. Một lần gặp lại bạn thời trẻ của mình, qua tâm sự ông được biết bạn bị tai nạn lao động phải ngồi xe lăn.

Vậy là ông cải tạo kho hàng trước đây làm chỗ để xe, phòng nghỉ cho lao động. Còn không gian phía sau được ông bố trí bàn ghế, làm quầy pha chế. Không gian quán dựa vào vườn thông làm điểm nhấn và điều này tạo nét riêng của điểm kinh doanh giải khát. Quán ra đời với mô hình: ông Danh bỏ toàn bộ kinh phí, không lấy tiền thuê đất; những người khuyết tật họp nhau tự mua sắm nguyên liệu cần thiết, phân chia công việc cho nhau để bán hàng.

Ông Đinh Văn Tâm cho hay, 5 thành viên khuyết tật chia nhau theo ca để làm việc. Trong nhóm có 1 pha chế, còn lại làm giữ xe, bưng bê, tính tiền. Rồi nhóm có sự giúp đỡ của một số người thân, bạn bè phụ thêm. Mỗi lao động nhận 18 ngàn đồng/giờ làm việc.

Giáo dân NGUYỄN CÔNG DANH chia sẻ: “Mong muốn của tôi là làm sao việc kinh doanh quán ổn định và sẽ tốt lên từng ngày. Trước hết là đảm bảo công việc cho những lao động hiện tại và hơn nữa là sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho những người khuyết tật khác”.

Hiện quán mở cửa từ trước 6 giờ sáng đến 22 giờ. “Mở sớm như vậy vì mình tận dụng trời còn se lạnh, cộng với không gian tự nhiên ở vườn cây, độ cao của quán so với những khu đất xung quanh cho khách cảm giác không khác gì cảnh quan của quán cà phê tại Đà Lạt” - ông Tâm chia sẻ.

Trong quá trình làm việc, do ai cũng đều là người khuyết tật nên mọi việc vận hành khá chậm. Song không vì vậy mà khách hàng cảm thấy khó chịu, ngược lại luôn dành sự cảm thông cho những người làm việc tại đây. Cũng nhờ vậy mà mỗi người khuyết tật dần bớt đi sự ngại ngùng hay lo sợ không làm hài lòng khách hàng.    

* Điểm đến động viên nhau

Anh Nguyễn Khánh Hưng (khuyết tật chân, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, anh em khuyết tật được làm việc với thời gian cố định, thu nhập ổn theo tháng là điều vui nhất. Đồng thời, trong quá trình làm việc còn được kết giao với nhiều người là khách hàng lui tới quán, trong số này có không ít người cùng cảnh ngộ như mình. So với trước đây không việc làm hay việc làm lúc có lúc không, rồi cả ngày thường chỉ quanh quẩn ở nhà thì nay tốt hơn rất nhiều.

2 người khuyết tật tại quán cà phê Khuyết thu dọn ly tách sau khi khách ra về. Phía sau là không gian vườn thông xanh mát với tầm quan sát về hướng TP.Biên Hòa
2 người khuyết tật tại quán cà phê Khuyết thu dọn ly tách sau khi khách ra về. Phía sau là không gian vườn thông xanh mát với tầm quan sát về hướng TP.Biên Hòa

Vậy nên, dù nhà ở tận P.Thống Nhất, đi lại trở ngại song anh Hưng luôn có mặt đúng giờ để làm việc. Bên cạnh làm tốt phần việc của mình, mỗi thành viên trong quán còn tương trợ nhau trong công việc, động viên chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. “Khi mình làm việc và có thu nhập ổn định, tâm trạng mình tốt lên rất nhiều. Rồi mình có thể mua sắm một số vật dụng cần thiết mà không phải phiền đến người thân” - anh Phạm Khánh Hưng chia sẻ.

Không chỉ tạo niềm vui cho người khuyết tật, theo giáo dân Nguyễn Công Danh, nhiều khách lớn tuổi dẫn con cháu đến quán hay cha mẹ dẫn con em đến quán không chỉ để tận hưởng đồ uống, hòa vào không gian xanh mát và độc lạ mà còn để tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Chị Minh Thùy (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) là một trong số này. Chị Thùy cho hay: “Mình lành lặn, khỏe mạnh nhưng có lúc gặp chuyện buồn tâm trạng cũng nản. Đến đây, thấy người quản lý, phục vụ cả đời phải sống với khiếm khuyết cơ thể mà họ vẫn cố gắng làm việc, thái độ vui vẻ, tự tin. Từ đó giúp mình có động lực trong cuộc sống”.

Nói về mong muốn của các thành viên làm việc tại đây, ông Đinh Văn Tâm cho hay, tất cả đều cố gắng làm tốt công việc với mong muốn làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi và hy vọng khách sẽ quay lại lần sau. Bởi đây không chỉ là công việc, là thu nhập mà còn là cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng.

Sông Thao

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích