Cùng với dòng chảy của thời gian, với sự sáng tạo của nghệ sĩ, các loại nhạc cụ dân tộc xuất hiện ngày càng phổ biến trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Biên Hòa - Đồng Nai.
Cùng với dòng chảy của thời gian, với sự sáng tạo của nghệ sĩ, các loại nhạc cụ dân tộc xuất hiện ngày càng phổ biến trong những chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Biên Hòa - Đồng Nai.
Không chỉ gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, nhạc cụ dân tộc còn là những viên ngọc quý góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam.
Đồng bào Chơro ở TP.Long Khánh biểu diễn cồng chiêng trong lễ hội Trái cây năm 2023. Ảnh: Hoài Ân |
* Gìn giữ nhạc cụ dân tộc…
Là người dân tộc Tày, từ nhỏ em Mã Thùy Trâm (ngụ tại ấp 8, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) đã được nghe hát then, đàn tính. Tiếng đàn tính, làn điệu then trữ tình của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng đã cuốn hút Thùy Trâm. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi và nghỉ hè, em đăng ký theo các nghệ nhân trong ấp học hát then và chơi đàn tính. Đến nay, Thùy Trâm đã chơi thành thạo đàn tính, tự tin biểu diễn trong các liên hoan văn nghệ của địa phương.
“Em muốn học đàn tính để hiểu thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Cha mẹ em rất ủng hộ, khuyến khích con học đàn tính, hát then. Em mong sẽ có nhiều người trẻ, nhất là các bạn người Tày, Nùng ở trong ấp theo học và lưu giữ cây đàn tính mà cha ông để lại” - Thùy Trâm chia sẻ.
Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đang đào tạo 218 học sinh. Trong đó chuyên ngành Âm nhạc phương Tây 114 em; Âm nhạc truyền thống 54 em; múa 24 em; thanh nhạc 26 em. Nhà trường đang đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đảm bảo thu hút 80 chỉ tiêu ở các chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn năm 2023. |
Với đam mê nhạc cụ dân tộc, em Đỗ Văn Thắng (ngụ tại xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) đã đăng ký theo học âm nhạc tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ngoài bộ môn sáo trúc, Văn Thắng còn theo học đàn tứ (đàn có 4 dây). Em tích cực tham gia các chương trình âm nhạc và đời sống do nhà trường tổ chức về cơ sở, phục vụ bà con các địa phương, nhất là trong mỗi dịp hè.
“Nhiều người cho rằng, nhạc cụ truyền thống “khó nghe” nhưng khi em chơi sáo trúc, đàn tứ trên nền những bài dân ca, thậm chí là chơi trên nền một số bài nhạc trẻ hiện nay đã nhận được sự cổ vũ của rất đông khán giả. Nhiều bản nhạc thậm chí đã chạm vào trái tim của người nghe” - Văn Thắng bộc bạch.
Theo Phòng Văn hóa - thông tin H.Vĩnh Cửu, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã trao tặng cho đồng bào dân tộc Chơro xã Phú Lý 2 bộ chiêng (mỗi bộ 6 cái). Bên cạnh đó, địa phương đã mở lớp truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho 12 thanh thiếu niên dân tộc Chơro ở xã Phú Lý. Những người tham gia học trong độ tuổi từ 16-20. Hàng tháng, tại nhà văn hóa dân tộc Chơro diễn ra nhiều buổi sinh hoạt để các em biểu diễn chung với các nghệ nhân, nâng dần chất lượng nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết: “Vài năm trở lại đây, Ban Dân tộc tỉnh đã trang bị hàng chục bộ cồng, chiêng cho đồng bào các dân tộc. Trong đó, có 16 bộ cồng, 15 bộ chiêng, 8 bộ trống, 3 bộ chập chạ, 2 bộ ngũ âm... Phần lớn các nhạc cụ truyền thống này được trưng bày, phục vụ tại nhà văn hóa cộng đồng của các dân tộc. Đây không chỉ là nơi tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng mà còn là địa chỉ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, dạy hát múa dân ca bằng tiếng dân tộc, cho con em đồng bào”.
* Lan tỏa tình yêu nhạc cụ truyền thống
Là địa chỉ đào tạo nhạc cụ truyền thống, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai hàng năm tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tổ chức các đợt biểu diễn, thực hành, lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống cho học sinh, sinh viên. Hiện, Khoa Âm nhạc truyền thống của trường có đầy đủ các môn nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, tì bà, t’rưng, sáo trúc, tam thập lục, đàn nhị…
Em Mã Thùy Trâm (ngụ ấp 8, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) học cách đánh đàn tính của dân tộc Tày |
ThS Phùng Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai cho biết, trong quá trình dạy và học, nhà trường tích cực tham gia các hội thi như: Tài năng trẻ học sinh toàn quốc; độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng thực hành biểu diễn nhạc cụ dân tộc, cho học sinh tiếp xúc công chúng, nhất là những người trẻ nhằm khơi dậy tình yêu nghệ thuật cũng như phát hiện các năng khiếu, khuyến khích các em đăng ký theo học.
“Mặc dù số lượng học sinh đăng ký theo học nhạc cụ truyền thống ít hơn so với nhạc cụ phương Tây, song khi ra trường hầu hết các em đều tìm được việc làm ổn định, có cơ hội nâng cao trình độ học tập” - ThS Phùng Ngọc Long nói.
Nhạc sĩ Điểu Được, người con dân tộc Chơro, ngụ tại xã Phú Túc (H.Định Quán) cho hay, cùng với công tác đào tạo, hiện các địa phương trong tỉnh đã xây dựng phong trào dạy và học nhạc cụ dân tộc, phù hợp với từng dân tộc, cộng đồng dân cư. Trong đó, chú trọng nhạc cụ của các dân tộc thiểu số như: Chơro, Mạ, S’tiêng, Tày, Nùng, Khmer... Một số loại nhạc cụ dân tộc đã và đang được các nghệ sĩ, nghệ nhân kết hợp với âm nhạc hiện đại, tạo sức sống mới, phù hợp với xu thế hiện nay, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Từ ngày 20 đến 26-6, tại tỉnh Hòa Bình diễn ra cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023. Cuộc thi nhằm phát hiện những tài năng âm nhạc truyền thống trong các cơ sở đào tạo; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam. |
Ly Na