Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn và phát huy văn học dân gian các dân tộc

09:06, 10/06/2023

Đồng Nai có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có các dân tộc: Chơro, Mạ, S'tiêng, K'ho. Mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, kho tàng văn học dân gian (VHDG) riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo.

Đồng Nai có 37 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có các dân tộc: Chơro, Mạ, S’tiêng, K’ho. Mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, kho tàng văn học dân gian (VHDG) riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo.

Bạn đọc tìm hiểu các tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số tại Thư viện Đồng Nai hè 2023. Ảnh: L.Na
Bạn đọc tìm hiểu các tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số tại Thư viện Đồng Nai hè 2023. Ảnh: L.Na

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của các dân tộc thiểu số (DTTS), Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, cách làm hay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

* Gìn giữ các truyện kể, câu ca dân gian

Từ xa xưa, các DTTS ở Đồng Nai như: Chơro, Mạ, K’ho, S’tiêng đã sáng tạo nên kho tàng VHDG rất phong phú, lưu truyền bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tác phẩm VHDG truyền miệng đã ít nhiều bị mai một, tồn tại nhiều dị bản.

Trong các công trình nghiên cứu của PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai, tiếng Mạ, S’tiêng, Chơro giàu chất thơ, có khả năng biểu cảm tốt, những lời hát đối đáp giao duyên trong lao động và những bài ca nghi lễ thường đọng lại thành ca dao trữ tình. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình sưu tập đầy đủ. Người Chơro, Mạ, S’tiêng chưa có chữ viết, cho nên kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống và tập quán được truyền qua lời nói ngắn gọn, có vần điệu dễ nhớ hình thành tục ngữ, phương ngôn trong kho tàng văn hóa dân gian địa phương.

Bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của các DTTS phải gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn và phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc... là mục tiêu của đề án Bảo tồn và phát huy giá trị VHDG của các DTTS đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hướng đến.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) có nhiều lần đi tham quan, tìm hiểu văn hóa, văn học của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh cho biết, đồng bào DTTS có rất nhiều truyện kể cổ dân gian lưu truyền. Phần lớn các truyện phản ánh đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, cuộc đấu tranh của người lao động với thiên nhiên và xã hội để giành lấy cuộc sống hạnh phúc được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chẳng hạn, tại thác Bến Cự, Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú), dân gian nhắc đến chuyện tình của chàng trai người Mạ yêu cô gái là một nàng tiên. Họ đã sống với nhau hạnh phúc cho đến khi nàng tiên bị bắt về trời. Người chồng vì thương nhớ vợ, khi chết biến thành gốc cây rừng. Người vợ nhớ chồng, khi chết biến thành cây hoa lan. Thế nhưng, người nhà trời vẫn không tha, làm ra một hòn cù lao giữa dòng sông để ngăn cách họ. Theo thời gian, hòn cù lao đã bị tàn phá, chỉ có thác Bến Cự vẫn còn và là nơi chốn linh thiêng của người Mạ.

Cũng bởi đặc trưng truyền miệng VHDG của các DTTS đòi hỏi người nghiên cứu phải dày công đi sưu tầm, “lặn lội”, “mò mẫm” với lòng nhiệt tình và sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa các dân tộc. Việc gìn giữ các truyện kể, tục ngữ, cao dao, hò vè… của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa mà còn phát huy giá trị của di sản trong hiện tại và tương lai.

* Phát huy giá trị VHDG các dân tộc

Hiện nay, các nghiên cứu, sưu tầm VHDG của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đang được hệ thống thư viện, bảo tàng lưu trữ, bảo quản, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của người dân, nhất là đối tượng học sinh.

Chị Nguyễn Thị Mai, thủ thư phòng đọc Thư viện Đồng Nai cho rằng, ngoài các tủ sách văn hóa, VHDG với hơn 3 ngàn bản do PGS.TS Huỳnh Văn Tới trao tặng, hàng năm Thư viện Đồng Nai bổ sung thêm nhiều đầu sách VHDG các dân tộc, nâng tổng số sách này lên vài chục ngàn bản. Toàn bộ số sách VHDG các DTTS được thư viện phân bố tại các phòng đọc, phòng mượn, luân chuyển về cơ sở…

“Riêng tủ sách văn hóa, VHDG của PGS-TS Huỳnh Văn Tới trưng bày, phục vụ tại phòng đọc của Thư viện Đồng Nai, mỗi ngày có từ 20-30 lượt bạn đọc đến tìm đọc và mượn. Mặc dù bạn đọc tìm đến VHDG của các DTTS chưa nhiều song với số lượng sách và bạn đọc đến tìm hiểu cũng đủ cho thấy VHDG đang được người dân quan tâm, nhất là người trẻ” - chị Mai nói.

Tại các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã và đang tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị VHDG trong đời sống. Việc bảo tồn này gắn liền với phát huy phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết… của các dân tộc.

Theo lãnh đạo H.Vĩnh Cửu, trên địa bàn xã Phú Lý hiện có 5 nghệ nhân người Chơro có khả năng biểu diễn, truyền dạy lại nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cho người trẻ. Đặc biệt, các nghệ nhân này vẫn còn lưu giữ được 6 bài dân ca của đồng bào mình để biểu diễn gồm: Chào khách, Dân làng lên núi rừng, Dân làng cùng nhau bảo vệ quê hương, Phượng hoàng bay, Giã gạo và Ru con. Hàng năm, trong các lễ hội Sayangva do địa phương tổ chức, các bài dân ca này được biểu diễn, vừa góp phần bảo tồn, vừa phục vụ cuộc sống của người dân.

Ly Na

 

Tin xem nhiều