Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023), trên địa bàn tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi nhằm tôn vinh, tri ân những cống hiến lớn lao của Người.
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023), trên địa bàn tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi nhằm tôn vinh, tri ân những cống hiến lớn lao của Người.
Một tiết mục nghệ thuật chủ đề về Bác Hồ do Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn trong năm 2023. Ảnh: L.NA |
Đặc biệt, nhiều nghệ sĩ đã tích cực sáng tác các tác phẩm nghệ thuật, kể chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm kính yêu chân thành với Bác Hồ.
* Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Bác, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề Bác Hồ một tình yêu bao la vào tối 18-5.
NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết, chương trình gồm 9 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên của Đồng Nai và từ TP.HCM như: NSND Thu Hiền, NSND Thúy Hường, ca sĩ Tuấn Vũ, Ngọc Khoa, Kim Thu…
“Điểm nhấn của chương trình nghệ thuật Bác Hồ một tình yêu bao la năm nay là có NSND Thu Hiền, NSND Thúy Hường thể hiện các ca khúc: Lời ca dâng Bác, Câu ca dâng Đảng. Không chỉ mang đến cho người xem, người nghe cảm xúc đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà qua chương trình còn nói lên tất cả những tình yêu thương, kính trọng của các thế hệ công chúng, khán giả đối với Bác” - NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ.
Với tinh thần biết ơn và yêu kính Bác, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của các đơn vị, cá nhân… trên địa bàn tỉnh không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần khẳng định học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. |
Sáng 18-5, tại Văn miếu Trấn Biên, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Bác (19-5-1890 - 19-5-2023). Triển lãm trưng bày hơn 100 hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động của Bác Hồ. Cũng tại Văn miếu Trấn Biên, ngày 19-5, Bảo tàng Đồng Nai khai mạc triển lãm Dấu ấn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với 120 tác phẩm ảnh tư liệu về Bác. Ngoài ra, Bảo tàng Đồng Nai còn tổ chức triển lãm Di tích khảo cổ học Bình Đa nhân lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia (ngày 19-5).
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Đỗ Thị Hồng cho hay: “Cùng với triển lãm tại Văn miếu, trung tâm còn tổ chức ghi hình chương trình nghệ thuật chủ đề Biển đảo quê hương vào ngày 15-5; hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai năm 2023 vào ngày
16-5. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động cổ động trực quan, tuyên truyền lưu động tại 11 huyện, thành phố. Hiện nay, trên các trục đường chính của TP.Biên Hòa đã treo cờ, pa-nô, băng rôn. Đội Tuyên truyền lưu động và 5 đội (7 tổ) chiếu phim lưu động đang thực hiện các buổi diễn, chiếu phim về cơ sở, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa”.
Đối với Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, ngoài công diễn các tiết mục ca múa nhạc trong chương trình Bác Hồ một tình yêu bao la vào ngày 19-5, 2 đoàn nghệ thuật (truyền thống và đương đại) tiếp tục biểu diễn phục vụ cơ sở, trong đó chú trọng các xã tái định cư, nông thôn mới, khu dân cư có đông công nhân lao động. Ngày 19-5, nhà hát livestream chương trình Tháng 5 nhớ Bác với các tiết mục như: Về thăm quê Bác; múa Sen; Ngôi sao niềm tin - Ngôi sao Hồ Chí Minh; Bác đang cùng chúng cháu hành quân; Theo di chúc Bác…
* Tích cực sáng tác tác phẩm nghệ thuật
Để phục vụ cho các triển lãm về Bác trong năm 2023, họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng (Hội VHNT Đồng Nai) đã sáng tác hàng chục tranh, tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các chất liệu: nhựa, tranh thủy mặc, màu bột, sơn dầu, chì than, phấn tiên, khắc gỗ, thạch cao, khắc đá… với nhiều kích thước khác nhau.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng kể, năm 2023 là năm anh sáng tác nhiều tác phẩm về Bác Hồ (hơn 50 tác phẩm) để chuẩn bị cho các triển lãm nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh (19-5) và kỷ niệm 54 năm Ngày mất của Bác (2-9). Các tượng, tranh chân dung về Bác được anh thực hiện một cách gần gũi nhất, chia theo từng giai đoạn, từng thời kỳ khác nhau.
“Trong bộ sưu tập các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã có hơn 70 tác phẩm. Năm nay, tôi phối hợp với Văn miếu Trấn Biên tổ chức triển lãm chân dung về Bác. Bên cạnh đó, tôi đang lên kế hoạch giới thiệu các tác phẩm, chân dung về Người trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Sendo… qua đó, lan tỏa hình ảnh của Bác đến với công chúng” - họa sĩ Quốc Trọng nói.
Ở tuổi 77, họa sĩ Võ Tùng Niên (Hội VHNT Đồng Nai) không nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu bức chân dung về Bác Hồ trên các chất liệu đá, đồng, thạch cao. Ông chỉ nhớ rằng, các bức tượng Bác được hoàn thành trong nhiều thời điểm, tư thế, hình dáng khác nhau. Ở tác phẩm nào, Bác cũng toát lên phong thái của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất hiền hòa và gần gũi. Hiện tại, nhiều tượng về Bác đang được ông trưng bày trong không gian gia đình tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa).
Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Đồng Nai, biên đạo múa Thân Thế Thời đã thực hiện hàng chục bài múa đề tài về Bác Hồ. Với ông, những ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận khiến ông thăng hoa trong những cung bậc cảm xúc. Bởi thế, mỗi khi biên đạo các tiết mục về Bác, ông và các diễn viên múa đều cảm thấy rất tự hào. Tự hào khi chuyển tải hình tượng đẹp về Bác qua ngôn ngữ múa; tự hào khi truyền cảm hứng, truyền ngọn lửa về Bác đến với mọi người.
Ly Na