Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

08:02, 18/02/2023

Thực hiện đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động đọc sách trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Thực hiện đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động đọc sách trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng đọc sách tại Thư viện Đồng Nai tháng 2-2023
Học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng đọc sách tại Thư viện Đồng Nai tháng 2-2023. Ảnh: Thư viện Đồng Nai

Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán 2023, hệ thống thư viện ở các địa phương đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động, kết nối với thư viện trường học, xây dựng nhiều mô hình đọc sách trong cộng đồng.

* Đa dạng hoạt động đầu Xuân

Nhằm đưa sách đến gần với bạn đọc, Thư viện H.Long Thành đã tổ chức các buổi phục vụ sách lưu động tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao huyện và phục vụ tại các trường học trên địa bàn.

Chị Cao Thị Bảo Trung, cán bộ phụ trách Thư viện H.Long Thành cho biết, với chủ đề: Sách là người bạn của tri thức, sau Tết Nguyên đán, thư viện đã trưng bày và giới thiệu hàng chục đầu sách đa dang về thể loại, phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng bạn đọc; phục vụ các tân binh lên đường nhập ngũ. Trong đó, Thư viện chú trọng các sách văn hóa, văn học, sách dành cho thanh thiếu nhi và sách tâm lý.

Bộ TT-TT đã triển khai kế hoạch tổ chức Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2-2023. Với thông điệp Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo; Sách cho tôi, cho bạn, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động của Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của xuất bản điện tử. Các đơn vị, địa phương tổ chức chuỗi hoạt động từ ngày 15-4 đến ngày 1-5.

Cùng với phục vụ tại chỗ, Thư viện TP.Biên Hòa tổ chức không gian đọc sách mở tại Phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, phục vụ bạn đọc vào các tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.

Chị Đỗ Thị Dung, cán bộ phụ trách Thư viện TP.Biên Hòa cho rằng, việc đưa sách ra các không gian công cộng đang được TP.Biên Hòa chú trọng. Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa giúp độc giả tiếp cận, tìm được những cuốn sách hay, bổ ích, mà còn góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Theo Phó giám đốc Thư viện Đồng Nai Hoàng Thị Hồng, Thư viện đang trưng bày và phục vụ gần 1 ngàn bản sách các chuyên đề như: Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam; tủ sách địa chí Đồng Nai và văn hóa dân gian; tủ sách pháp luật; biển đảo Việt Nam; giáo dục gia đình, chăm sóc sức khỏe, nghệ thuật nấu ăn, bình đẳng giới… Các phòng đọc mở cửa từ thứ 3 đến thứ 7, phục vụ các đối tượng bạn đọc.

“Cùng với phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện Đồng Nai tiếp tục luân chuyển sách về cơ sở; thực hiện các video clip giới thiệu sách trên website, Facebook và kênh YouTube, giúp bạn đọc không cần đến nơi vẫn có thể nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời. Thư viện đang xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2-2023 trước sân thư viện, phối hợp với NXB Đồng Nai và Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai. Trong ngày sách, còn có sự tham gia của hệ thống thư viện các huyện, thành phố, sẽ có nhiều gian hàng sách được trưng bày, giới thiệu, phục vụ nhu cầu của bạn đọc” - bà Hồng chia sẻ.

* Nhiều chuyển biến tích cực

Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho hay, hiện nay hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh có 1 thư viện cấp tỉnh; 11 thư viện cấp huyện; 170 thư viện, tủ sách pháp luật cấp xã và 95 điểm bưu điện - văn hóa xã và gần 100 phòng đọc cơ sở… Hàng năm, Thư viện Đồng Nai và thư viện cấp huyện đã luân chuyển trên 50 ngàn bản sách phục vụ người dân tại cơ sở. Với số lượng thư viện, phòng đọc rộng khắp và sách luân chuyển đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn tài nguyên thư viện, tham gia hoạt động đọc, nghiên cứu tìm hiểu thông tin, tài liệu đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức phục vụ cuộc sống.

Thư viện H.Long Thành phục vụ bạn đọc lưu động tháng 2-2023
Thư viện H.Long Thành phục vụ bạn đọc lưu động tháng 2-2023. Ảnh: ĐVCC

Công tác xây dựng nguồn tài nguyên thông tin thư viện cũng được Thư viện Đồng Nai quan tâm. Hàng năm, thư viện đã chọn lọc bổ sung trên 25 ngàn bản sách từ các nguồn mua trong ngân sách, nguồn trao đổi với các cơ quan hoặc tài liệu biếu tặng của các tác giả, cá nhân. Số đầu sách điện tử được bổ sung ngày càng nhiều từ các nguồn (hiện đã bổ sung trên 2 ngàn đĩa CD, xử lý đưa vào phục vụ). Nguồn tài liệu địa chí Đồng Nai đã dần được số hóa. Chỉ tính riêng năm 2022, đã số hóa 100 tên tài liệu địa chí. Số đầu sách điện tử hiện có tại Thư viện Đồng Nai hơn 12 ngàn tên sách.  

Cũng theo Thư viện Đồng Nai, thời gian qua, có một số tủ sách tư nhân được Thư viện Đồng Nai và thư viện cấp huyện tặng, hỗ trợ sách (từ 50-100 bản sách/1 tủ sách); đồng thời, hướng dẫn chuyên môn như: xử lý, sắp xếp và cách thức phục vụ bạn đọc hiệu quả. Cùng với đó, một số hộ gia đình có tủ sách với ít tài liệu, sách phục vụ cho con cháu trong gia đình, dòng họ; tủ sách của cựu chiến binh, hưu trí, phụ nữ tại cơ sở phục vụ cộng đồng dân cư địa phương. Diện tích sử dụng chủ yếu của các tủ sách này khoảng 30m2. 

Thực hiện đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay toàn tỉnh có khoảng 87% học sinh tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng nguồn tài nguyên thông tin tại thư viện. Khoảng 27% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng tài nguyên thông tin thư viện thông qua việc đọc và học tập suốt đời; khoảng 70% người sử dụng thư viện (riêng học sinh, học viên, sinh viên là 94%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng tài nguyên thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.

Ly Na

Tin xem nhiều