Tại hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển các ngành CNVH.
Tại hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển các ngành CNVH.
Thực tế sau 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, ngành CNVH ở Việt Nam đã có bước chuyển biến rất đáng ghi nhận. Có thể dẫn chứng ở lĩnh vực điện ảnh, tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 4,1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 ngàn tỷ đồng. Hay ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, năm 2022, 12 đơn vị nghệ thuật trung ương đã dàn dựng 112 chương trình, 82 vở diễn, gần 1,7 ngàn buổi biểu diễn, thu hút hơn 15 triệu lượt xem. Kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 35 tỷ đồng…
Ở các địa phương, ngành CNVH đã và đang tạo được dấu ấn khi thực hiện được các dự án, chương trình, hoạt động nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế sẵn có. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa đã được phát huy, góp phần giữ gìn và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống dân tộc đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác, giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa được quan tâm và từng bước thu được kết quả khả quan. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện những tài năng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được chú trọng đã khuyến khích được người giỏi tích cực tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ vào hoạt động văn hóa…
Tuy nhiên, ngành CNVH cũng đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó lớn nhất vẫn là những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách để “cởi trói”, tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn lực đầu tư văn hóa được thuận lợi. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn khi so sánh giữa các lĩnh vực trong mảng văn hóa xã hội. Cụ thể như giáo dục và văn hóa. Khi nhà đầu tư đầu tư vào giáo dục sẽ được ưu đãi về thuế cùng một số chế độ khác nhưng đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thì lại không có nhiều ưu đãi, nhất là với những dự án liên quan đến danh thắng di tích. Điều này khiến nhà đầu tư lưỡng lự và khi quyết định giữa một bên là đầu tư có lợi nhuận và đầu tư phi lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ chọn đầu tư lĩnh vực đem lại lợi nhuận lâu dài cho mình. Văn hóa vì thế vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng vốn có, ít nhiều ảnh hưởng đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và lợi ích quốc gia.
“Một trong những vấn đề chúng ta cần nhìn nhận lại là vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nhà nước chỉ đứng ra định hướng, có tính chất vốn “mồi”. Còn lại, sản phẩm văn hóa được làm ra phải là do nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Đây là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Nếu làm ngược lại, chúng ta sẽ khó có những sản phẩm của CNVH đúng với mong đợi” - Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Minh Ngọc