Từ giữa tháng 8 đến nay, H.Vĩnh Cửu lần lượt ra mắt mô hình Ngôi nhà trí tuệ tại hệ thống thiết chế văn hóa các xã: Tân Bình, Bình Hòa và Hiếu Liêm.
Từ giữa tháng 8 đến nay, H.Vĩnh Cửu lần lượt ra mắt mô hình Ngôi nhà trí tuệ tại hệ thống thiết chế văn hóa các xã: Tân Bình, Bình Hòa và Hiếu Liêm.
Học sinh tham gia CLB Cờ vua trong Ngôi nhà trí tuệ tại Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: L.Na |
Không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập, những Ngôi nhà trí tuệ này đã và đang khơi dậy những giá trị văn hóa cốt lõi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
* Không gian học tập và vui chơi
Sau gần 2 tháng đưa vào sử dụng, mô hình Ngôi nhà trí tuệ tại Trung tâm Văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ) xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu đã trở thành điểm đến để người dân, nhất là đối tượng học sinh học tập, sinh hoạt. Bên cạnh xây dựng một thư viện với hơn 1 ngàn đầu sách đủ các thể loại, mô hình còn có nhiều lớp học kỹ năng và các CLB thể thao hoạt động sôi nổi.
Hiện tại, Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Tân Bình đang duy trì 15 CLB sinh hoạt đều đặn hằng tuần gồm: 5 CLB đờn ca tài tử, 5 CLB cờ tướng và cầu lông, 1 CLB xe đạp, 4 CLB vovinam và yoga. Các CLB đã ban hành quy chế, tổ chức hoạt động nền nếp, sôi nổi, thu hút đông người dân tham gia.
Từ nay đến cuối năm, H.Vĩnh Cửu tiếp tục ra mắt mô hình Ngôi nhà trí tuệ tại TT.Vĩnh An, các xã Thiện Tân, Tân An. Bắt đầu từ năm 2023 và những năm tiếp theo, H.Vĩnh Cửu tiếp tục kêu gọi, vận động xây dựng mô hình tại các trung tâm, nhà văn hóa ấp, khu phố còn lại. |
Em Nguyễn Hoàng Anh (lớp 5, Trường tiểu học Tân Bình, xã Tân Bình) cho hay: “Từ khi mô hình Ngôi nhà trí tuệ ra mắt, em thường xuyên đến Trung tâm VHTT-HTCĐ xã để sinh hoạt cùng bạn bè. Em rất thích môi trường ở đây, vừa có nơi để học, vừa được thoải mái vui chơi”.
Tương tự, đầu tháng 9, Ngôi nhà trí tuệ thứ 2 trên địa bàn H.Vĩnh Cửu được “khai trương” tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Bình Hòa, do Phó chủ tịch UBND xã Lâm Minh Nhựt làm Trưởng ban điều hành mô hình. Ngoài trang bị phòng đọc với gần 1 ngàn đầu sách, bộ máy tính phục vụ tra cứu tài liệu học tập, tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Bình Hòa đang duy trì nhiều CLB thể dục thể thao.
Tham gia mô hình Ngôi nhà trí tuệ ở xã Bình Hòa, em Phạm Mai Phương, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa) chia sẻ: “Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, em biết Ngôi nhà trí tuệ là không gian học tập suốt đời, không có giới hạn bất cứ môn học nào. Mọi người đến đây để học tất cả kiến thức từ cuộc sống đến định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Trong không gian này, chúng em được bạn bè, thầy cô lắng nghe, chia sẻ, được hỗ trợ giải đáp những thắc mắc, những vấn đề mà chúng em quan tâm trong cuộc sống hằng ngày như: Bạn là ai? Học để làm gì? Làm sao để đọc sách hiệu quả?...”.
Mới đây nhất, Ngôi nhà trí tuệ thứ 3 của H.Vĩnh Cửu và tỉnh Đồng Nai đã chính thức ra mắt tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Hiếu Liêm. Mô hình đã xây dựng bảng quy tắc ứng xử, bảng nội quy hoạt động của thư viện, của các CLB… đang được kỳ vọng sẽ góp phần chia sẻ và lan tỏa tri thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết trong cộng đồng các dân tộc ở Hiếu Liêm.
* Làm “sống dậy” các thiết chế văn hóa
Chủ tịch UBND xã Tân Bình Nguyễn Anh Nhân cho biết, xuất phát từ nhu cầu tạo không gian cho người dân, nhất là học sinh vui chơi, sinh hoạt bổ ích cũng như trao đổi kinh nghiệm học tập, lao động sản xuất…, mô hình Ngôi nhà trí tuệ xã Tân Bình đã đi vào hoạt động. Mô hình này đã hoạt động rất hiệu quả tại các tỉnh phía Bắc. Bà con ở Tân Bình đang cần một mô hình như thế để có nơi sinh hoạt hữu ích.
“Tôi kỳ vọng, với mô hình này thời gian tới sẽ kết nối mọi người dân đến gần nhau hơn, kết nối phong trào của địa phương, đưa các hoạt động tại thiết chế văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu” - ông Nhân nói.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Minh Chi, việc triển khai mô hình Ngôi nhà trí tuệ ở các thiết chế văn hóa cơ sở đã và đang góp phần thiết thực vào phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân; tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi và người dân. Từ đó phát huy tối đa công năng sử dụng của các thiết chế văn hóa, nhất là các trung tâm VHTT-HTCĐ các xã, thị trấn, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với việc xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Ly Na