Từ nay đến đầu tháng 5, công chúng có thể chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của nhiều họa sĩ, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tại triển lãm mỹ thuật Dấu ấn thời gian do Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức.
Từ nay đến đầu tháng 5, công chúng có thể chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của nhiều họa sĩ, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tại triển lãm mỹ thuật Dấu ấn thời gian do Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tổ chức.
Tác phẩm sắp đặt với tên gọi Nhóm lợi ích của họa sĩ Phạm Công Hoàng tham gia triển lãm Dấu ấn thời gian. Ảnh: Ly Na |
Điểm nhấn của triển lãm năm nay không chỉ ở số lượng tác phẩm tham gia mà còn ở sự phong phú trong khuynh hướng sáng tạo và chất liệu sử dụng như: kim loại, gỗ, đá, gốm, sơn dầu, sơn mài, nhựa tổng hợp, giấy, thiết kế thời trang… chứa đựng những suy tư và chiêm nghiệm của nghệ sĩ về đời sống.
* Nhiều ý tưởng độc đáo...
Ngoài những hình thức thể hiện cổ điển như tranh, phù điêu, người xem còn có thể nhìn thấy tác phẩm sắp đặt như là một sự tìm tòi của các tác giả trong nền mỹ thuật đương đại của thế giới. Từ những vấn đề phổ quát như: tự do, thời gian, chuyển động, thiên nhiên… cho tới những câu chuyện cụ thể của người đương thời, ký ức tuổi thơ, sự cô đơn, những khao khát…, qua đó phản ánh phần nào những diễn biến đa dạng, nhiều chiều của mỹ thuật Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.
Không chỉ mang đến những bức tranh sơn dầu, họa sĩ Phạm Công Hoàng (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) còn mang đến tác phẩm sắp đặt với tên gọi Nhóm lợi ích. Để hoàn thành tác phẩm này, họa sĩ Phạm Công Hoàng đã thực hiện trong suốt nhiều tháng liền với nhiều chất liệu như: gốm, gỗ, sắt. Ông cho rằng, xã hội hiện nay có rất nhiều nhóm người, có những người ở tầng lớp cao, những người ở tầng lớp thấp và có những người ở dưới đáy xã hội. Sự tương phản giữa những nhóm người trong xã hội phản ánh sự đa dạng và nhiều màu sắc của đời sống.
“Mặc dù phòng tranh tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai không hoành tráng như ở TP.HCM nhưng đã tạo điều kiện để nghệ sĩ có nơi trưng bày, giới thiệu tác phẩm. Trong đó có những sáng tác bằng sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng mang bút pháp riêng, độc đáo; họa sĩ Đào Tấn Hưng, Mai Văn Nhơn với những bức tranh gốm kết hợp với sơn dầu lạ mắt; họa sĩ Nguyễn Văn Bình với những bức tranh khắc gỗ độc bản ấn tượng; họa sĩ Nguyễn Xuân Hưng với những tác phẩm mang tính trang trí nhưng đầy triết lý sâu xa…” - họa sĩ Phạm Công Hoàng chia sẻ.
Nghệ nhân gốm Nguyễn Thị Dũng (đến từ tỉnh Bình Dương) là một trong số ít những nữ nghệ sĩ có bộ sưu tập mang tên Cộng sinh tham gia triển lãm Dấu ấn thời gian. Các tác phẩm của chị được tạo hình rất đẹp, hoàn toàn làm theo phương pháp thủ công, mỗi sản phẩm là độc bản, ứng dụng kỹ thuật chạm, đắp nổi tinh tế, có hồn.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Dũng, từ những năm 2000, chị đã theo học làm gốm tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Trải qua hơn 20 năm, chị vẫn giữ nghề và theo đuổi đam mê nghệ thuật với gốm. Hiện tại, chị có xưởng gốm riêng tại P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, không chỉ sản xuất gốm truyền thống, chị Dũng còn làm thêm dòng gốm handmade mỹ thuật ứng dụng, đưa gốm đến gần hơn với cộng đồng.
“Tôi rất vui khi được mang những sáng tác về với trường tham gia triển lãm. Với tôi, đây như là lời tri ân các thầy cô đã từng dạy dỗ, định hướng nghề để tôi theo nghề cho đến hôm nay. Cũng qua triển lãm, tôi muốn giới thiệu với công chúng và người trẻ đang là học sinh, sinh viên theo đuổi nghệ thuật rằng gốm hiện nay đang phát triển, được cộng đồng quan tâm. Và người nghệ sĩ nếu đủ kiên trì và đam mê vẫn có thể sống tốt với nghề” - chị Dũng nói.
* Tác giả - tác phẩm - công chúng gặp gỡ
TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, trải qua gần 120 năm hình thành và phát triển, mỹ thuật ứng dụng Đồng Nai đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân có tên tuổi, thành danh trong và ngoài tỉnh. Nhiều người đã tiên phong, nỗ lực sáng tạo, định vị được tiếng nói riêng trong làng nghệ thuật Việt Nam.
“Việc tổ chức triển lãm Dấu ấn thời gian không chỉ hội tụ các tài năng nghệ thuật qua nhiều thế hệ mà còn kéo gần khoảng cách địa lý, thời gian, con người… vào một không gian chung, mà ở đó mọi người được gặp gỡ, chia sẻ đam mê nghệ thuật. Bằng sự nhanh nhạy trước hiện thực cuộc sống, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đã tìm ra phương pháp mới, những cách làm mới, lan tỏa ý tưởng và phong cách nghệ thuật đương đại đến với công chúng” - TS Trương Đức Cường chia sẻ.
Theo họa sĩ Phạm Công Hoàng, mỹ thuật là nghệ thuật đòi hỏi người thực hiện và người thưởng thức phải có hiểu biết nhất định. Đối với mối quan hệ tác giả - tác phẩm - công chúng, đó là sự tác động qua lại rất cần thiết. Ông kỳ vọng trong thời gian tới Đồng Nai sẽ có nhiều triển lãm, nhiều giao lưu, gặp gỡ giữa tác giả, tác phẩm và người xem để mỹ thuật ngày càng phát triển. Đặc biệt, các học sinh, sinh viên mỹ thuật sau khi tham quan triển lãm sẽ thắp lên những ngọn lửa đam mê, từ đó tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn riêng của chính mình và của chính thời đại mình sống.
Mỹ thuật ứng dụng Đồng Nai đã trải qua gần 120 năm hình thành và phát triển. Trong quãng thời gian ấy, đã có rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân tiên phong, nỗ lực sáng tạo, định vị được tiếng nói riêng của của nghệ thuật Việt Nam. Qua triển lãm, các nghệ sĩ sẽ được thỏa mãn hơn trong sáng tạo, từ đó đưa ra một ngôn ngữ và kích thước phù hợp nhất cho các tác phẩm được trưng bày. |
Ly Na