Nhằm đưa các vở diễn, trích đoạn cải lương phục vụ cơ sở, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã tổ chức diễn báo cáo nhiều trích đoạn cải lương về đề tài lịch sử.
Nhằm đưa các vở diễn, trích đoạn cải lương phục vụ cơ sở, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã tổ chức diễn báo cáo nhiều trích đoạn cải lương về đề tài lịch sử.
Một cảnh trong trích đoạn cải lương Oai hùng sử ca được các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: L.Na |
Với việc làm mới đề tài lịch sử trên sân khấu, cải lương Đồng Nai đã và đang mở ra một không khí mới cho hoạt động nghệ thuật truyền thống. Qua đó, giúp người xem hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, bồi đắp thêm những giá trị văn hóa mới trong đời sống hiện tại.
* Khai thác đề tài lịch sử
Sau nhiều tháng dàn dựng, các trích đoạn cải lương: Quỷ vương, Oai hùng sử ca đã được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai ra mắt khán giả. Chọn kịch bản nói về các nhân vật “độc” của lịch sử Việt Nam, các nghệ sĩ của nhà hát đã vào vai khá thành công, cách diễn gợi mở và thể hiện được tâm tư từng nhân vật.
Trích đoạn Quỷ vương (tác giả và đạo diễn: Thanh Lựu) xoay quanh nhân vật lịch sử Lê Uy Mục - vị hoàng đế thứ 8 của nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông được xem là một vị hoàng đế tàn bạo và ăn chơi vô độ, người đời gọi là Quỷ vương. Ngay khi mới lên làm vua, Lê Uy Mục đã giết tổ mẫu là bà Thái hoàng Thái hậu (tức Trường Lạc hoàng hậu của vua Lê Thánh Tông). Ông một tay dần giết hại các đại thần và cả anh em cha chú của mình, vơ vét của cải của nhân dân, khiến cuộc sống của họ vô cùng cực khổ, muôn dân ai oán.
Chị PHAN THỊ NHƯ QUỲNH, khán giả ở P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi vẫn thích những vở lịch sử trên sân khấu cải lương bởi tính triết lý sâu sắc, lấy xưa nói nay và gợi cho mình hứng thú tìm hiểu lịch sử. Cũng bởi xem lịch sử qua cải lương nên tôi không có cảm giác khô cứng mà rất thật, rất gần gũi. Phần lớn các trích đoạn cải lương được thể hiện bởi những nghệ sĩ, diễn viên trẻ nhưng khán giả đón nhận rất nồng nhiệt”. |
Trong trích đoạn cải lương, ngoài tái hiện hình ảnh ăn chơi sa đọa của nhà vua, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thông qua đoạn đối thoại giữa vua với tổ mẫu để vạch trần những tội ác của vua Lê Uy Mục. Câu chuyện được tiếp diễn khi em họ của nhà vua là Lê Oanh đã liên kết với đại thần, phất cờ nổi dậy, đánh bại tất cả các đạo quân của vua Lê Uy Mục. Lê Oanh vào kinh thành, phế truất và bắt giam vua Lê Uy Mục, chờ ngày đền tội.
Vào vai: vua Lê Uy Mục (nghệ sĩ Đông Nguyên); tổ mẫu (nghệ sĩ Bích Thủy), Lê Oanh (nghệ sĩ Hoài Minh), các nghệ sĩ trẻ của nhà hát thể hiện tròn vai. Trích đoạn Quỷ vương “đẩy” khán giả lên cao trào cảm xúc, tâm trạng và suy nghiệm về thời cuộc. Lối diễn đầy nội tâm, giọng ca dày dặn kỹ thuật giúp nghệ sĩ Đông Nguyên tạo nên nhân vật vua Lê Uy Mục ấn tượng. Nói như Đông Nguyên, bởi “say” với nhân vật nên anh hiểu rõ tâm trạng của nhân vật, nhập vai nhanh hơn. Chẳng hạn, giọng nói của nhà vua vừa uy nghi, hào sảng nhưng cũng đầy chua chát, bi kịch khi bị bắt.
Trích đoạn cải lương Oai hùng sử ca tái hiện nhân vật lịch sử Võ Tánh - danh tướng tài ba, đóng góp nhiều công lao, thậm chí cống hiến cả tính mạng để chúa Nguyễn giành thắng lợi quyết định trước nhà Tây Sơn. Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thành Bình Định ngay sau đó bị đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu đến bao vây.
Bị bao vây, trong thành binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh (nghệ sĩ Khánh Dư đóng) nên trốn thoát, nhưng ông cương quyết ở lại. Ông cho người trao cho Trần Quang Diệu bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Sau đó, ông cùng với Ngô Tùng Châu (nghệ sĩ Thành Vinh đóng) tự vẫn. Khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu (nghệ sĩ Linh Khánh) tỏ ra xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, sai người tẩm liệm thi hài 2 ông tử tế, rồi theo lời yêu cầu của Võ Tánh, không giết hại hàng binh nhà Nguyễn.
* Bồi đắp những giá trị mới
Vài năm trở lại đây, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã có rất nhiều tìm tòi trong việc làm mới sân khấu cải lương. Nhà hát chú trọng những vở diễn mang hơi thở của cuộc sống đương đại, những câu chuyện có thật trong đời sống như: hiến máu cứu người; nghiên cứu khoa học; xây dựng nông thôn mới; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hay phòng, chống tham nhũng và tệ nạn xã hội… Hầu hết các vở diễn kết hợp ngôn ngữ cải lương với âm nhạc và thiết kế sân khấu hiện đại. Dẫu chưa hẳn tạo ra đột phá, nhưng các vở diễn đã góp thêm một làn gió mới vào sân khấu cải lương Đồng Nai.
Với các vở diễn, trích đoạn cải lương đề tài lịch sử, nhà hát khai thác tối đa lối diễn xuất và chất giọng ngọt ngào của nghệ sĩ, diễn viên. Nhiều vở diễn, trích đoạn lịch sử như: Vương triều đẫm lệ, Tiếng thét nơi pháp trường, Khí tiết Trần Bình Trọng… được thiết kế, dàn dựng công phu. Bối cảnh sân khấu, nhất là trong những phần chuyển cảnh sử dụng hình ảnh 3D, giảm bớt sự nặng nề, chậm chạp của sân khấu truyền thống. Thời lượng ngắn (20-35 phút/trích đoạn cải lương), những câu chuyện lịch sử, những tình huống gần gũi phù hợp với thị hiếu người xem không chỉ bởi tính thẩm mỹ, tính giáo dục cao mà còn chạm được đến cảm xúc của công chúng, bồi đắp những giá trị văn hóa mới.
NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai chia sẻ: “Vượt qua mọi rào cản của dịch bệnh, các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát vẫn rất tâm huyết với nghề, tích cực tập luyện để đưa các chương trình nghệ thuật và cải lương đến với công chúng. Đặc biệt, các trích đoạn cải lương đề tài lịch sử trong thời gian tới sẽ được nhà hát công diễn, đưa về cơ sở để phục vụ nhân dân. Nhà hát kỳ vọng sau những đợt công diễn trực tiếp hay trực tuyến, sân khấu cải lương sẽ gặp được sự tri ân của khán giả để “lửa truyền thống” có thêm nhiều năng lượng tỏa sáng”.
Ly Na