Tận dụng những mảnh giấy đủ màu sắc từ báo, tạp chí, bao bì… có sẵn, thầy giáo Nguyễn Văn Phẩm (giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) đã xé và dán lại thành hàng chục bức tranh sống động.
Tận dụng những mảnh giấy đủ màu sắc từ báo, tạp chí, bao bì… có sẵn, thầy giáo Nguyễn Văn Phẩm (giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) đã xé và dán lại thành hàng chục bức tranh sống động.
Giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai Nguyễn Văn Phẩm cùng sinh viên đang thực hiện bức tranh xé giấy chủ đề Xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: L.Na |
Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhà giáo này đã cùng với các sinh viên tích cực thực hiện bức tranh xé giấy khổ lớn chủ đề mừng Xuân Nhâm Dần 2022.
* Tranh xé giấy mừng Xuân 2022
Trong không gian Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đang trưng bày bức tranh xé giấy khổ lớn chủ đề mừng Xuân Nhâm Dần 2022. Đây là tác phẩm được thực hiện trên ý tưởng sáng tạo của thầy Phẩm. Bức tranh được ghép từ hàng ngàn mảnh giấy với nhiều màu sắc, họa tiết, gửi gắm nhiều thông điệp và mang đến không khí Xuân mới rộn ràng, vui tươi.
Thầy Phẩm cho biết, để thực hiện tranh xé giấy khổ lớn mừng Xuân, thầy và sinh viên đã thực hiện trong hơn 2 tuần. Chất liệu tạo nên bức tranh là những tờ giấy, báo, tạp chí, bao bì… có sẵn và dễ kiếm tìm, nên việc gom chất liệu diễn ra thuận lợi. Sau khi xé sẵn các mảnh giấy, thầy và trò cùng nhau ghép những mảng màu theo từng cụm chi tiết, rồi dùng keo dán vào. Việc xé, dán giấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, công phu, sự khéo léo để điều chỉnh các chi tiết cho hài hòa tổng thể bức tranh.
Gần 20 năm đến với nghề giáo, theo đuổi dòng tranh xé giấy, nhà giáo Nguyễn Văn Phẩm có hàng chục bức tranh tham gia các triển lãm lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh. Ông là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến được UBND tỉnh trao tặng bằng khen giai đoạn 2015-2019; nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp Bộ (Bộ VH-TTDL)… |
“Làm tranh xé giấy nhìn dễ nhưng khi bắt tay thực hiện nếu không có năng khiếu mỹ thuật cũng rất khó để tạo nên bức tranh đẹp và có thần. Ngoài bức tranh khổ lớn treo tại trường trong mùa Tết 2022 này, nhiều năm qua, tôi còn thực hiện hơn 60 tác phẩm tranh xé giấy, đa dạng chủ đề, đề tài và đủ kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Nhiều bức đã tham gia các triển lãm, được khách trong và ngoài nước mua…” - thầy Phẩm chia sẻ.
Vốn xuất phát là nhà thiết kế đồ họa cho các công ty ở Đồng Nai và TP.HCM, từ năm 2005 đến nay, thầy Phẩm bén duyên với nghề giáo, đảm nhiệm dạy học thiết kế đồ họa, thiết kế bao bì, poster… của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ngoài dạy thiết kế, ông còn dạy mỹ thuật cho sinh viên chuyên ngành mầm non. Từ việc hướng dẫn sinh viên chuyên ngành mầm non thực hiện đồ dùng dạy học bằng cách xé, dán giấy, ông dần yêu thích và theo đuổi dòng tranh xé giấy.
“Làm tranh xé giấy hoàn toàn thực hiện bằng tay. Việc chọn giấy, màu sắc, hình ảnh trên giấy phải phù hợp với chủ đề, đề tài mà mình lựa chọn. So với các chất liệu tranh khác, dòng tranh này có độ bền không cao nếu bảo quản trong những môi trường nắng nóng hoặc ẩm thấp. Để khắc phục được nhược điểm, sau khi xé và dán giấy, tôi thường phủ lên bề mặt tranh một lớp keo trong, đóng khung và có mặt kính bảo vệ tranh” - thầy Phẩm bộc bạch.
* Đưa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng
Theo đuổi dòng tranh xé giấy ngoài tình yêu và đam mê, theo thầy Phẩm còn có thêm một lý do, đó là mang thông điệp bảo vệ môi trường đến với cộng đồng, nhất là với lứa tuổi học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Bởi hiện nay, lượng giấy, báo, tạp chí, bao bì… mỗi ngày càng nhiều, nếu không được thu gom và tận dụng lại sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Việc tái sử dụng giấy, bao bì làm tranh nghệ thuật là cách mà thầy Phẩm muốn góp thêm tiếng nói bảo vệ môi trường sống hôm nay.
Một tác phẩm tranh xé giấy, chủ đề mùa xuân của giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai Nguyễn Văn Phẩm |
Thầy Phẩm cho hay: “Trong quá trình dạy học thiết kế bao bì cho sản phẩm, tôi và sinh viên cũng bỏ đi một lượng không nhỏ những bao bì đã thiết kế. Tôi thường hướng dẫn các em tận dụng lại chất liệu để sáng tạo nên tranh, vừa ít tốn kém vừa thân thiện với môi trường. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều báo, tạp chí đăng tải những hình ảnh y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi sử dụng những hình ảnh đẹp trên báo cũ để tạo nên những bức tranh sống động, gần gũi, kể lại những câu chuyện về dịch bệnh, sự sẻ chia, về tình yêu, thiên nhiên và cuộc sống của con người”.
Nói về tranh xé giấy, Nguyễn Thúy Hạnh, sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai bộc bạch: “Việc sáng tác tranh xé giấy cùng thầy Phẩm không chỉ mang đến cho tôi nhiều cảm xúc mà còn giúp tôi có nhiều cơ hội trải nghiệm, trau dồi kỹ năng (lên ý tưởng, xé giấy, phối màu…). Cái khó khi thực hiện tranh xé giấy đối với tôi là việc nghĩ ra ý tưởng cho bức tranh. Tuy nhiên, tranh xé giấy có thể làm bất cứ lúc nào, vào ngày nghỉ hay sau giờ học. Qua tranh, giúp tôi hiểu hơn về ý nghĩa của việc tái sử dụng giấy, bảo vệ môi trường nhưng vẫn giữ được giá trị nghệ thuật của tác phẩm”.
Ly Na