Sau cuộc chiến, có những nỗi đau mà đến tận hôm nay vẫn còn âm ỉ, dai dẳng. Chia sẻ với nỗi đau đó, sân khấu kịch Hồng Vân vừa đưa lên sàn diễn vở kịch mới Ngôi nhà trên thuyền với những bức bối, xót xa của người lính bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…
Sau cuộc chiến, có những nỗi đau mà đến tận hôm nay vẫn còn âm ỉ, dai dẳng. Chia sẻ với nỗi đau đó, sân khấu kịch Hồng Vân vừa đưa lên sàn diễn vở kịch mới Ngôi nhà trên thuyền với những bức bối, xót xa của người lính bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…
Hoàng Thy (vai Lệ) - Hòa Hiệp (vai Tình) đã có những phân đoạn thể hiện nội tâm giằng xé trong vở Ngôi nhà trên thuyền. Ảnh: Trí Trọng |
Vở mở đầu với bối cảnh chiếc thuyền cũ tròng trành ở miệt cù lao Cần Thơ. Trên chiếc thuyền đó, có 2 người đàn ông trung niên là Tình và Lạc đang ngầy ngật trong men say. Đã không còn tự chủ được nữa nhưng Tình vẫn cứ đòi rượu, vẫn đòi uống. Uống cho quên trời, quên đất. Uống tới mức đè thằng con ra bắt uống chung… cho vui! Cảnh tượng hỗn loạn đó lên tới đỉnh điểm khi Lệ (vợ Tình) không chịu nổi, phải vác rựa ra quyết sống mái với Tình. Chuyện gì đã xảy ra? Vì sao tất cả họ đều bức bối và chiếc thuyền rách cứ như quả bom có thể nổ tung bất cứ lúc nào?
Dòng chảy thời gian trôi ngược mấy chục năm về trước, Tình - Lệ - Hưng là 3 người bạn thân ở xóm nghèo của xứ cù lao. Chiến tranh nổ ra, Tình và Hưng lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Khi cuộc chiến qua đi, họ trở về quê nhà, Tình nên duyên với mối tình đầu Lệ trong sự hụt hẫng của Hưng bởi ôm ấp mối tình đơn phương. Tình - Lệ đã có những ngày tươi đẹp, tuy nghèo nhưng ấm áp với hạnh phúc giản dị. Rồi 2 đứa con lần lượt ra đời. Nhưng đất trời như sụp đổ, bởi ảnh hưởng từ người cha bị nhiễm chất độc da cam nên các con đều quặt quẹo và tật nguyền.
Chọn một đề tài khá khác biệt so với gu kịch bấy lâu nay của sân khấu kịch Hồng Vân, Ngôi nhà trên thuyền được sân khấu hướng tới tham dự Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 lần 2 dành cho khu vực phía Nam sẽ diễn ra tại TP.HCM đầu tháng 1-2022. Vở cũng là một trong 2 vở diễn mới của sân khấu phục vụ khán giả vào mùa kịch Tết 2022.
Xuân Trang, tác giả kịch bản cho biết, khi bắt tay viết kịch bản, anh đã đọc nhiều tài liệu, bài báo và xây dựng những nhân vật của mình từ những mảnh đời có thật trong cuộc sống. Khởi đầu từ hình ảnh người lính nhưng Ngôi nhà trên thuyền không khai thác đề tài chiến tranh mà đi sâu vào thân phận, khắc họa nỗi niềm của con người thời hậu chiến.
Đó là nỗi ám ảnh của Tình khi cứ dằn vặt hoài với câu hỏi: “Đã nhiễm chất độc da cam sao còn đi lấy vợ, sinh con?”. Để rồi ngày ngày nhìn con một đứa thì ú ớ không ai hiểu nói gì, đứa còn lại mất tay, tiểu tiện không kiểm soát. Như bao người bình thường khác, anh cũng mong muốn tình yêu và mái ấm bình yên. Vậy mà khát khao giản dị đó đã trở thành nỗi ân hận, dày vò cuộc đời của anh. Đó là Lệ, người đàn bà héo hon trong cảnh túng thiếu, ngày ngày đưa tay cho thằng Út cắn bầm tím trong những cơn động kinh, rồi đau đớn khổ sở nhìn mắt con Phượng cứ mờ dần tới ngày không thấy ánh sáng. Sự bức bối, đớn đau cứ hành hạ những con người trên chiếc thuyền cũ…
Ngôi nhà trên thuyền đã tạo nhiều đất cho bộ 4 diễn viên Hòa Hiệp - Hoàng Thy - Tuấn Dũng - Hoàng Yến đào xới, khai thác nội tâm nhân vật. Tình (Hòa Hiệp) vùi đầu vào rượu để tìm quên, chạy trốn thực tại. Anh đau khổ vì cho rằng chính mình đã gây đau đớn cho mái ấm mà anh yêu thương. Nhưng càng bị ma men dẫn dắt, anh càng thiếu tự tin, ghen tuông ngờ vực người vợ tội nghiệp; anh giải tỏa bức bối trong lòng bằng cách vô tình làm tổn thương mọi người xung quanh. Những cuộc cãi vã trong men say với những lời cay nghiệt khiến người vợ cứ chết dần chết mòn. Còn hai đứa trẻ rúm ró vì sợ hãi. Người bạn thân nhất cũng phải gánh chịu những lời hằn học…
Tất cả họ đều không có lỗi. Biết trách ai đây, chỉ là bởi sự oan nghiệt của chiến tranh, hậu quả dai dẳng của chiến tranh khiến những con người tội nghiệp đó trở nên bế tắc trong cuộc sống. Để vượt qua nghịch cảnh đó, họ phải thật mạnh mẽ, kiên cường đối diện sự thật và dùng sự yêu thương để dìu nhau đi đến hết cuộc đời…
Trí Trọng