Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh Kim Huệ: Giọng ca mãi thanh xuân!

10:12, 24/12/2021

Lúc 13 giờ 50 ngày 23-12, làng cải lương đã giã biệt giọng ca vàng, NSƯT Thanh Kim Huệ, sau nhiều tháng cô chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Lúc 13 giờ 50 ngày 23-12, làng cải lương đã giã biệt giọng ca vàng, NSƯT Thanh Kim Huệ, sau nhiều tháng cô chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.

Nghệ sĩ Lệ Thủy và Thanh Kim Huệ lúc trẻ. Ảnh: Ca sĩ Đình Trí cung cấp
Nghệ sĩ Lệ Thủy và Thanh Kim Huệ lúc trẻ. Ảnh: Ca sĩ Đình Trí cung cấp

* Hành trình của cô bé nghèo

Ngày xưa, người ta thường nói “nghe cải lương”. Có nghĩa là với người mộ điệu thì giọng ca của nghệ sĩ cực kỳ quan trọng. Phải ca sao nghe cho đã, cho sướng lỗ tai mới ưng cái bụng. Hồi ông bầu Long của đoàn Kim Chung lừng lẫy một thời, một mình ông lập ra tới 5, 6 gánh hát. Đoàn nào cũng phải chủ lực tới mấy danh ca. Khi soạn giả đưa kịch bản, ông ngồi đếm trước có bao nhiêu câu vọng cổ, đủ số lượng như mong muốn rồi mới tính tới yếu tố khác. Bởi vậy, đi coi tuồng của Kim Chung là nghe ca đã đời. Và từ cái nôi đó, có rất nhiều tên tuổi được xem là danh ca như: Thanh Hải, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Vương, Diệu Hiền…

Thanh Kim Huệ, tên thật Bùi Thị Huệ, sinh năm 1954, tại Sài Gòn, vốn xuất thân từ một gia đình nghèo chuyên cho các đoàn hát mướn âm thanh. Hồi nhỏ sớm làm quen với rạp hát nên bé Huệ mê cải lương hồi nào không hay, rồi tập tành bắt chước ca theo Lệ Thủy, Mỹ Châu…

Xuất phát điểm, Huệ không có giọng ca hay, vậy mà thật bất ngờ cuối cùng cô lại là danh ca, được đứng vào hàng ngũ các cô đào tài sắc của “đại bang” Kim Chung.

Từ khi cha mẹ chia tay, thấy Huệ lanh lẹ, kép Hoàng Siêu chỉ cho ca, rồi vô làm đào con gánh Hằng Xuân - An Khương. Mới 7-8 tuổi nên mẹ theo Huệ vô gánh hát để chăm con và xin thêm chân soát vé. Tiền chẳng bao nhiêu nhưng với 2 mẹ con, được lo 3 bữa cơm đầy đủ là đã quá hạnh phúc. Từ gánh hát đầu tiên, cô đi qua các đoàn: Dạ Minh Châu, Hoa Phượng. Sự nghiệp của Huệ bắt đầu khởi sắc hơn khi cô về đoàn Kim Chung, được nâng lên đào nhì, đào ba, lúc đó cô mới 13-14 tuổi. Trong đoàn lúc đó có rất nhiều tài danh như: Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm…

Thanh Kim Huệ là nghệ danh Huệ tự nghĩ ra cho mình, với hy vọng một cái tên sáng sủa và mong đợi thời hoàng kim cho chất giọng đẹp.

Về Kim Chung thì không thể ca dở. Vậy là cô gái trẻ quyết tâm phải rèn luyện, phải tập ca mỗi ngày để bắt mình tiến bộ. Sự nỗ lực của cô gái được ghi nhận khi bà Sáu Liên của hãng đĩa Việt Nam để mắt tới. Có thể nói, trang mới để Thanh Kim Huệ trưởng thành, tiến bộ vượt bậc và khẳng định giọng ca riêng của mình là vào năm 1973, cô được hãng đĩa này ký độc quyền với số tiền 200 ngàn đồng (khoảng 200 triệu đồng ngày nay), bài tân cổ đầu tiên là Yêu lầm thâu chung với nghệ sĩ Minh Vương. Đĩa phát hành nhận được phản hồi tốt từ khán giả, vậy là Thanh Kim Huệ bắt đầu những chuỗi ngày miệt mài trong phòng thu. Sáng vô thu từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Chạy nhanh về rạp để chuẩn bị cho suất hát tối. Hai năm liền như thế, được cọ xát dạy dỗ từ những soạn giả bậc thầy, sửa đổi từng chút một, Thanh Kim Huệ như viên ngọc được mài giũa đến một ngày tỏa sáng.

* Tưới làn gió mát vào câu vọng cổ

Từ phòng thu này mà ngay từ ngày còn rất trẻ, chỉ độ chừng 20 tuổi, Thanh Kim Huệ bất ngờ có vai diễn để đời. Cuối năm 1974, soạn giả Loan Thảo viết tuồng Lan và Điệp. Ban đầu, ông tính giao vai Lan cho một nghệ sĩ tên tuổi nhưng nghĩ sao ông lại kêu Huệ tới thử. Trong tuồng, Chí Tâm hát vai Điệp còn Thanh Kim Huệ vô vai Lan, dàn bao là các nghệ sĩ: Hữu Phước, Tú Trinh, Hùng Minh, Mai Lan… Chưa có kinh nghiệm nên tới những đoạn buồn, cô gái trẻ lại… sụt sùi không hát được, nhất là đoạn Lan hay tin Điệp cưới vợ. Vậy đó, mà khi tuồng phát hành, không ngờ khán giả khắp nơi mê mệt. Tên tuổi Chí Tâm - Thanh Kim Huệ nổi như cồn. Tên 2 nhân vật đã được dùng để gọi Chí Tâm - Thanh Kim Huệ kể từ ngày ấy. Mà cũng ngộ, kể từ đó đến trước ngày dàn dựng vở Lan và Điệp trên sân khấu năm 2019, Thanh Kim Huệ chưa bao giờ nghe trọn vẹn bản thu, chị thổ lộ là tuồng buồn quá nghe chịu không nổi!

Không chỉ có Lan và Điệp, Thanh Kim Huệ là người sở hữu nhiều bài ca cổ mà khán giả mộ điệu cứ nghe hoài không biết chán như: Chợ mới, Dáng đứng Bến Tre, Cô gái tưới đậu, Dệt chặng đường xuân, Mùa sầu riêng, Thương về miền Trung… Giọng Thanh Kim Huệ độc đáo ở độ ngọt và trong veo. Cô là người chịu khó khai phá những cách ca rất lạ lẫm. Vô vọng cổ lạng lách, có hướng láy qua tân nhạc rồi xuống xề ngọt xớt làm người nghe cứ thế như mê man trong dòng suối mát. Theo NSND Bạch Tuyết, giọng ca Thanh Kim Huệ không có tuổi, từ lúc trẻ đến trước khi phát bệnh, cô vẫn giữ độ bền bỉ trong làn hơi, vẫn thanh xuân, nồng nàn như thuở nào. Nghe tiếng hát của Thanh Kim Huệ, người ta không thấy sự bi lụy, lúc nào cũng thế, mới mẻ và tươi tắn. Vì vậy, bảo sao không chỉ khán giả trung niên ghiền Thanh Kim Huệ mà rất nhiều nghệ sĩ trẻ, có cả những ca sĩ nổi tiếng xem Thanh Kim Huệ như thần tượng.

Và giờ giọng ca trong vắt đó đã ngừng réo rắt, nhưng ở miền xa nào đó có lẽ NSUT Thanh Kim Huệ vẫn lang thang với mây trời, vẫn rải tiếng ca đầy lạc quan, yêu đời cùng với hư không khoáng đạt…

Một vở diễn mà NSƯT Thanh Kim Huệ phá cách và ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả phải nhắc tới là vở Ngao Sò Ốc Hến (đạo diễn: NSND Ba Vân) của soạn giả NSND Năm Châu. Với vở này, lần đầu tiên Thanh Kim Huệ vào vai đào lẳng, vai Thị Hến và Thanh Điền vào vai Huyện Trìa. Cô mất hơn 1 tháng để tập từ cái liếc mắt sắc như dao cau, cái lắc mông làm lũ quan lại chết mê chết mệt, giọng hát đẩy đưa say đắm. Các nghệ sĩ Giang Châu vai Trùm Sò, Trường Xuân vai Bác Ngao, Thanh Điền vai quan Huyện, Nam Hùng vai Thầy đề, Tô Kim Hồng vai bà Huyện… Thanh Kim Huệ từng kể, vở diễn ra mắt khoảng năm 1982-1983, ngay lập tức được khán giả yêu thích. 14 giờ diễn thì mới hơn 13 giờ khán giả đã ngồi kín rạp. Ngày nào vở cũng diễn, trong suốt hơn 2 năm lên đến cả ngàn suất vì khán giả không muốn đoàn đổi tuồng khác. Lần nào diễn xong, cứ kéo màn lại là Thị Hến - Thanh Kim Huệ, Huyện Trìa - Thanh Điền và Trùm Sò - Giang Châu lại ôm bụng cười, vì không bữa nào diễn giống bữa nào, mỗi ngày lại có thêm trò, có khi chọc ghẹo nhau trên sân khấu.

Trí Trọng

Tin xem nhiều