Sự phát triển của công nghệ 4.0 phần nào khiến các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống đang dần bị mai một, đặc biệt là trong giới trẻ.
Sự phát triển của công nghệ 4.0 phần nào khiến các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống đang dần bị mai một, đặc biệt là trong giới trẻ.
Anh Nguyễn Anh Đức (thứ 2 từ phải sang) tìm hiểu văn hóa rượu cần người Mường ở xã Phú Túc, H.Định Quán. Ảnh: M.Ny |
Tại Đồng Nai, điều đáng mừng là những năm gần đây xuất hiện nhiều người trẻ mê nghiên cứu, dành nhiều sự quan tâm tới văn hóa truyền thống. Họ đã và đang mang sức trẻ, tình yêu và nhiệt huyết vào các công trình nghiên cứu văn hóa mới...
1. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Quảng Ngãi, anh Trần Minh Trí, Phó trưởng ban Văn nghệ dân gian Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai đến với văn hóa dân gian Đồng Nai như một cơ duyên. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Văn Hiến chuyên ngành Văn hóa học, anh về Đồng Nai làm việc tại Bảo tàng tỉnh từ năm 2006 đến nay. Trong quá trình ấy, anh không ngừng nỗ lực, tích lũy kinh nghiệm, tư liệu để cùng nhiều tác giả tên tuổi trong tỉnh thực hiện các cuốn sách về văn hóa Đồng Nai.
Chia sẻ về công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, anh Minh Trí cho biết: “Xuất phát từ công việc điều tra, kiểm kê văn hóa phi vật thể của Bảo tàng tỉnh, tôi thường đi về các vùng đồng bào dân tộc Chơro, Mạ, S’tiêng, những dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên vùng đất Đồng Nai. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa của họ đang dần bị mai một, nếu không được lưu giữ thì khi thế hệ người già chết đi, những giá trị ấy cũng sẽ dần dần mất đi. Điều đó thôi thúc tôi gắn bó với nghề...”.
Ngoài những tên tuổi trong “làng” văn nghệ dân gian Đồng Nai như: PGS-TS Huỳnh Văn Tới, TS Nguyễn Thị Nguyệt, ThS Phan Đình Dũng, nhạc sĩ Trần Viết Bính, Nguyễn Thị Tuyết Hồng…, những năm gần đây, trong những công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian ở Đồng Nai còn có sự góp mặt của những người trẻ như: Trần Minh Trí, Nguyễn Anh Đức, Trương Thị Nguyên Hiền… Với tình yêu, đam mê, họ đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Đồng Nai. |
Hơn 15 năm đến với nghề, anh cùng các tác giả trong tỉnh biên soạn nội dung cho nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn hóa Đồng Nai như: Di sản văn hóa làng Hiệp Phước; Địa danh hành chính, văn hóa lịch sử Đồng Nai; Nghề nấu mía đường thủ công truyền thống ở H.Vĩnh Cửu; Nghi và văn cúng chữ Hán ở TP.Biên Hòa... Những công trình này đã đoạt các giải A, B, C và khuyến khích Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức giai đoạn 2011-2015.
Anh Trí cho rằng, mỗi chuyến đi đã để lại cho anh rất nhiều kỷ niệm. Vui có, buồn có và có đôi lúc “sự chết” cũng cận kề. Nhớ nhất là trong một lần về H.Định Quán sưu tầm, nghiên cứu văn hóa đồng bào Mạ, anh và đồng nghiệp bất ngờ bị nổ lốp xe máy, cả hai cùng bị hất văng xuống đường. May mắn, thời điểm ấy đường vắng, ít xe qua lại nên cả hai chỉ bị xây xát...
2. Cũng như anh Minh Trí, anh Nguyễn Anh Đức (hội viên Hội VHNT Đồng Nai) cũng là người trẻ đam mê, nhiệt huyết với công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian. Trong năm 2020 và 2021, anh được Hội hỗ trợ và trao giải A và B cho các công trình nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa Đồng Nai.
Anh Đức kể, để có được những bài viết, công trình nghiên cứu được Hội hỗ trợ sáng tác là cả một quá trình. Không quản ngày đêm, bất kỳ thời tiết nắng, mưa, anh đã tìm đến những vùng sâu, vùng xa, có khi phải xin ở lại trong nhà dân, nhà các già làng, trưởng bản hàng tuần liền.
“Việc nghiên cứu văn hóa dân gian nghe thì đơn giản nhưng rất kỳ công và mất nhiều thời gian, nhất là đối với kho tàng tín ngưỡng, diễn xướng dân gian, ca dao dân ca, ẩm thực truyền thống...” - anh Đức bộc bạch.
Anh Trần Minh Trí tìm hiểu văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc ở Tà Lài, H.Tân Phú |
Ngoài công việc chuyên môn ở Bảo tàng tỉnh, anh Đức dành thời gian tham gia giảng dạy các môn cơ sở văn hóa, ẩm thực và du lịch cho học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom). Anh Đức cho biết, công việc này giúp anh truyền lửa đam mê đến người trẻ, giúp người trẻ trong và ngoài tỉnh tiếp cận được gần hơn với vốn văn hóa dân gian của Đồng Nai.
Ở thời điểm hiện tại, anh Đức vẫn đang nỗ lực không ngừng cho những nghiên cứu, sưu tầm mới. “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục có những bài viết, những sưu tầm về các tộc người ở Đồng Nai trong sự giao thoa, biến đổi văn hóa truyền thống - hiện đại; đồng thời, tôi sẽ tập trung vào thực hiện đề tài ẩm thực các dân tộc Đồng Nai gắn với phát triển du lịch của tỉnh... Chờ khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động đi lại thuận lợi, tôi sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu của mình” - anh Đức chia sẻ.
3. Không chỉ mê văn hóa dân gian, nghiên cứu và thực hiện các công trình văn hóa, nhiều người trẻ trên địa bàn tỉnh còn nỗ lực học tập, hoàn thành luận văn thạc sĩ về đề tài này. Có thể kể đến như: đề tài Nghi lễ vòng đời của người Mạ ở Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay của tác giả Trần Minh Trí; Nghi lễ vòng đời của người Nùng ở H.Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai của tác giả Nguyễn Anh Đức; lễ hội đình An Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh đô thị hóa của tác giả Trương Thị Nguyên Hiền...
TS Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết: “Những người trẻ như: Minh Trí, Anh Đức, Nguyên Hiền... trong Ban Văn nghệ dân gian Hội VHNT Đồng Nai thời gian qua đã rất nỗ lực có những nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian. Với những cách tiếp cận, cách làm khác nhau, những người trẻ ấy đã và đang đóng một vai trò quan trọng làm cầu nối lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống. Bằng sức trẻ của mình, các hội viên đang có những hướng đi mới cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa dân gian các dân tộc ở Đồng Nai”.
My Ny