Thế là Thầy đã ra đi. Lặng lẽ! Tất cả những quen, bạn bè, học trò, biết tin qua mạng. Tôi cũng vậy. Bất ngờ. Đau đớn. Nhưng từ nơi xa xăm, Thầy chớ buồn phiền, vì tin tức thường xuyên được cập nhật. Vậy là, Thầy vẫn rất gần gũi và thực sự ở lại với nhân gian này!
BÙI QUANG HUY
Thế là Thầy đã ra đi. Lặng lẽ! Tất cả những người quen, bạn bè, học trò, biết tin qua mạng. Tôi cũng vậy. Bất ngờ. Đau đớn. Nhưng từ nơi xa xăm, Thầy chớ buồn phiền, vì tin tức thường xuyên được cập nhật. Vậy là, Thầy vẫn rất gần gũi và thực sự ở lại với nhân gian này!
Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên |
* Nguyễn Tri Niên - nhà ngôn ngữ báo chí khác biệt
Nhiều người từng là sinh viên của nhà giáo Nguyễn Tri Niên, nay hoặc là nhà báo danh tiếng, hoặc giáo sư, tiến sĩ, gọi ông là “nhà ngôn ngữ học tài ba”. Có người còn nói “thầy – một trí tuệ khổng lồ, một nhân cách đặc biệt, một thầy giáo đáng kính, uyên bác”. Với hiểu biết của riêng mình, tôi nghĩ rằng, ông là “nhà ngôn ngữ báo chí khác biệt”.
Năm 1960, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 2), Nguyễn Tri Niên về Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, phụ trách bộ môn Ngữ âm học. Một thời gian sau, ông về công tác ở Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), giữ cương vị Trưởng khoa Ngữ văn. Sau năm 1975, Thầy vào giảng dạy khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Huế, rồi trở về công tác ở trường cũ tại Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu. Con đường nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ báo chí của ông là thế. Ông chưa từng bao giờ được đi nước ngoài để tu nghiệp, nghiên cứu hay tham quan, dù nhiều lần “suýt được”. Nhưng Nguyễn Tri Niên thành thạo tiếng Pháp và chữ Hán. Ông kể, hồi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia việc dẫn giải tù binh lê dương về xuôi. Do thông thạo tiếng Pháp nên có dịp hiểu biết và chia sẻ với thân phận của họ, nhất là những người gốc Phi.
Trở lại với việc nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ báo chí của Nguyễn Tri Niên. Tất cả mọi người đều biết, nhà văn, nhà báo đến với độc giả bằng tác phẩm. Nhà văn sử dụng ngôn từ làm công cụ của mình. Nhưng ngôn ngữ chỉ là phương tiện. Điều mà công chúng tiếp nhận ở văn chương là thế giới tự nhiên, xã hội và thế giới tâm hồn con người. Tương tự, chữ viết, tiếng nói và cả hình ảnh nữa của báo chí mà bấy nay công chúng đọc, nghĩ, nhìn thấy cũng chỉ là phương tiện truyền dẫn mà thôi. Chính vì thế, đã có một sự ngộ nhận, ngộ nhận thật lớn lao, trong khi đồng nhất Tiếng Việt trên báo chí với Ngôn ngữ báo chí. Khổ nỗi, sự nhầm lẫn ấy ở ta đã diễn ra trên vài chục năm và đến giờ, chưa hẳn đã hết. Từng có những cuốn sách rất dày, những bài nghiên cứu công phu về ngôn ngữ báo chí. Vậy mà, khi đọc chúng, bạn không tìm thấy những thứ bạn cần.
Người viết bài này cũng chẳng giỏi giang gì hơn. Lắm lúc, hắn đã ngoan ngoãn tin theo những lời ngộ nhận đó. Thoảng khi băn khoăn, rồi… tự bằng lòng. May mắn thay, cách đây đã hơn hai mươi năm, tôi cũng như hơn sáu mươi anh chị làm báo khác được theo học lớp đại học báo chí (tại chức) do Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở tại Đồng Nai. Thầy Nguyễn Tri Niên đã giảng dạy môn Ngôn ngữ Báo chí. Chúng tôi thật ngỡ ngàng, thì ra đây mới là ngôn ngữ báo chí. Đó không phải là chuyện viết câu dài, câu ngắn, dấu chấm, dấu phẩy,… – những điều mà người ta đã học từ thời phổ thông. Trái lại, ngôn ngữ báo chí là một loại hình của tư duy và sáng tạo mà tạo hóa đã ban tặng cho người đời. Vậy nên, những ai dấn thân vào nghiệp ấy phải biết rõ đặc điểm loại hình, những mối quan hệ trong và ngoài hệ thống cũng như từng chức năng của những yếu tố cấu thành để vận hành quy trình thông tin,…
Chúng tôi nhớ, trong môn học của thầy, khó nhất là những tiết thầy giảng về NGƯỠNG, tức cách tiếp cận hiện thực đặc thù của báo chí. Nhiều năm trải qua trong nghề, rồi trong đời, người học sẽ vỡ ra về điều ấy để tác nghiệp và cả sống nữa thật bình an, tự tại, theo đúng thiên chức và thiên lương của mình.
Lễ ra mắt sách "Ngôn ngữ báo chí" của thầy Nguyễn Tri Niên trong Đại nhạc hội Fire Up 2019 (Nguồn: Viện Báo chí) |
Chính vì tất cả những điều đó mà tôi gọi thầy tôi – nhà nghiên cứu, nhà giáo Nguyễn Tri Niên là nhà ngôn ngữ báo chí khác biệt. PGS, TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng là một học trò cũ của Thầy, kể hồi còn là sinh viên (trước năm 1975), khóa của ông “hễ thầy dạy là không ai đi học muộn, không bao giờ nghỉ trước 11 giờ, bụng đói meo, mà ai cũng không chớp mắt, dỏng tai lên nghe như nuốt từng lời”. PGS, TS Nguyễn Văn Dững còn cho rằng, thầy Nguyễn Tri Niên “đã kiến tạo cho mình một cách tiếp cận riêng, rất thực tế, rất nghề và rất khoa học về ngôn ngữ báo chí”.
Tiếc thay, thầy Nguyễn Tri Niên dường như không muốn “lập ngôn”. Năm 2003, tôi đã mạo muội thầy chép bài giảng năm đó rồi ép ông đọc lại để in thành cuốn sách Ngôn ngữ báo chí (NXB Đồng Nai, 2003), vỏn vẹn trên 100 trang. Năm sau, NXB Khoa học Xã hội tái bản lần thứ nhất, rồi NXB Thanh niên (2006) lần hai và đến năm 2019 là NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Tất cả, cũng chỉ ngần ấy trang, nhưng mở đường và đặt nền tảng cho một lối đi mới trong nghiên cứu, giảng dạy và tác nghiệp báo chí!
* Nguyễn Tri Niên – nhà Dịch học kỳ lạ
Mọi người biết Nguyễn Tri Niên là nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà thơ (từng xuất bản tập Đèn khuya, NXB Đồng Nai, 2013). Nhưng không nhiều người biết Nguyễn Tri Niên là nhà Dịch học, bởi ông chưa từng có một cuốn sách hay bài viết nào về lĩnh vực uyên áo này. Chỗ đông người, theo kiểu người xưa, ông càng không hé lộ. Những năm gần đây, có hàng trăm cuốn sách về Dịch học được xuất bản, trừ những cuốn của Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, phần nhiều là sách dịch và biên soạn, sao chép. Vì thế, người đọc như đứng trước một cánh rừng, cỏ cây xen lẫn. Thầy Nguyễn Tri Niên nói mình may mắn có thời gian giúp việc cho GS. Cao Xuân Huy, nhà Đạo học số một Việt Nam. Kiến thức về Dịch học của Nguyễn Tri Niên là từ nguồn cội ấy với lối học ấy không thành lớp mà cá biệt, đâu chỉ ở lời giảng mà còn ở tinh hoa từ nhân cách người thầy. Bởi thế, Dịch học qua cách nhìn và sự cách cắt nghĩa của Nguyễn Tri Niên bên cạnh sự uyên áo của chính nó là sự trải nghiệm của bao con người tài hoa và thanh cao dù phải chịu long đong và chìm nổi! Tôi ấp ủ chép lại những lời giảng về Dịch của thầy như hồi soạn cuốn Ngôn ngữ báo chí. Tiếc thay, nếu hoàn thành không còn được Thầy đọc lại để xem có chuẩn xác không!
Năm 2011, trên chuyến xe tốc hành ngược về phía bắc, tôi gọi điện cho thầy. Chỉ vài phút sau, Thầy bảo “Hỏa Sơn Lữ”. Nghe vậy, tôi càng hiểu rõ lòng mình, bởi Thầy từng giải, ấy là tượng của lữ khách, phải rời khỏi nơi mình đang ở lâu nay, lẻ loi trên đường, nhưng đầu óc người đó trong sáng. Thầy Nguyễn Tri Niên đã là người lữ khách ấy, từ hôm qua, ngày 23 tháng 4, tức ngày Tân Sửu – Bích Thượng Thổ (12 tháng 3 âm lịch). Thầy sinh vào ngày trùng cửu (9/9) năm Tân Mùi – Lộ Bàng Thổ. Thầy tôi ra đi từ đất và đã trở về với đất. 91 năm trần thế, Thầy đã ở trọn trên Đất Mẹ Việt Nam. Bây giờ, cũng Đất Mẹ sẽ gìn giữ và chở che cho Người!
24/4/2020
B.Q.H