Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn nghệ Đồng Nai với đề tài người lính

10:12, 21/12/2020

Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó có hình tượng người lính là một trong những mảng đề tài lớn trong văn học - nghệ thuật (VHNT).

Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó có hình tượng người lính là một trong những mảng đề tài lớn trong văn học - nghệ thuật (VHNT).

Một tiết mục ca múa nhạc đề tài người lính do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: M.Ny
Một tiết mục ca múa nhạc đề tài người lính do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: M.Ny

Hàng trăm câu chuyện cảm động về tình quân dân, tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường… của người lính Cụ Hồ đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác mạnh mẽ cho đội ngũ văn nghệ sĩ Đồng Nai thời gian qua.

* Nguồn cảm hứng bất tận

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết, nhiều năm trở lại đây đề tài về người lính Cụ Hồ được văn nghệ sĩ thể hiện đa dạng và phong phú ở nhiều thể loại như: văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh, âm nhạc, múa. Điều đáng mừng là có nhiều tác phẩm của tác giả tập trung ca ngợi hình ảnh người chiến sĩ trong thời chiến và thời bình; nét đẹp và tinh thần trách nhiệm của quân đội của người lính.

Nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn Trần Thu Hằng, Đào Sỹ Quang… đi sâu khai thác nội tâm nhân vật, thân phận con người, những góc khuất của chiến tranh, những hy sinh mất mát. Điều đó xuất phát từ cái nhìn nhân văn của những người cầm bút. Nhiều bài thơ đề cập đến số phận con người trong chiến tranh và thời hậu chiến với sự đồng cảm sâu sắc, thể hiện tinh thần ấm áp, nhân hậu như: Ánh mắt mẹ ngày tiễn con nhập ngũ của nhà thơ Đàm Chu Văn, Nói với em tác giả Huyền Quy, Trước tượng đài Long Khánh của tác giả Nguyễn Thị Phấn…

Cảm hứng về người lính được các nhạc sĩ Đồng Nai thể hiện trong hàng chục ca khúc. Có thể kể đến như: Quân dân chung sức xây dựng nông thôn mới của nhạc sĩ Trần Viết Bính; Những chàng trai của biển, Mẹ và con của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn; Bước chân người chiến sĩ của nhạc sĩ Lệ Hằng; Tình yêu quê hương tác giả Cẩm Nhung… Nhiều ca khúc mang âm hưởng hào hùng với ca từ vừa giản dị vừa xúc động về người lính, tác động sâu sắc đến tình cảm người nghe, người hát.

Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ được ghi lại một cách chân thực trong hàng trăm tác phẩm ảnh nghệ thuật và tác phẩm mỹ thuật của các nhiếp ảnh gia và họa sĩ. Ở đó, người lính hiện lên gần gũi, đời thường trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trong công tác tuyển quân, đền ơn đáp nghĩa, giúp dân, trong công tác dân vận, hậu cần… Bất cứ nơi nào người lính cũng có mặt và hoàn thành nhiệm vụ.

Sáng tác và lưu giữ nhiều tranh về đề tài người lính, họa sĩ Đào Tấn Hưng cho biết, sáng tác về đề tài này không hề đơn giản, nhất là lĩnh vực mỹ thuật. Không phải họa sĩ nào cũng từng trải qua chiến tranh hoặc chứng kiến hoạt động của lực lượng quân đội. Khi sáng tác nếu tác phẩm không có tư liệu thực tế sẽ rất khó thuyết phục công chúng. Bởi vậy, người họa sĩ phải chịu dấn thân, quan sát, trải nghiệm mới có thể hoàn thành được tác phẩm đúng ý tưởng, có nội dung và giá trị nghệ thuật.

Tuy chưa có nhiều tác phẩm về đề tài người lính nhưng theo tác giả thơ trẻ Huyền Quy, viết về bộ đội Cụ Hồ là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của chị mà là của tất cả văn nghệ sĩ Đồng Nai. Khi viết một bài thơ, một truyện ngắn, một ca khúc… dù chỉ mới thể hiện được một lát cắt nhỏ về đời sống hiện tại của bộ đội, dân quân tự vệ, những người đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh Tổ quốc nhưng đó là tâm huyết của văn nghệ sĩ.

“Với người trẻ như tôi, khi viết về hình tượng người lính, chúng tôi có những cách nhìn riêng, nhất là những người lính ở tuổi mười tám đôi mươi đang tràn căng nhựa sống, họ đang nghĩ gì, mơ ước điều gì, làm gì để tiếp nối truyền thống của cha ông ta? Chúng tôi không thể hiện rập khuôn theo một hình mẫu nào, đi để tự cảm nhận mà hoàn thiện tác phẩm” - tác giả Huyền Quy chia sẻ.

* Lan tỏa…

Theo NSND Giang Mạnh Hà, lực lượng vũ trang, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tỉnh là đối tượng ít có điều kiện, thời gian để thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Bởi vậy những năm gần đây, Hội thường xuyên tổ chức nhiều chương trình phối hợp với các đơn vị, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ giao lưu với cán bộ, chiến sĩ. Hầu hết các chương trình nghệ thuật Hội tổ chức đều khai thác những sáng tác mới của anh chị em văn nghệ sĩ, tạo ra một hiệu ứng sân khấu hết sức hiệu quả.

“Nhiều chương trình do Hội tổ chức thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn tỉnh tham gia. Điều này thôi thúc văn nghệ sĩ Đồng Nai tiếp tục có thêm sáng tác mới, phục vụ công chúng khán giả nói chung, lực lượng vũ trang nói riêng. Các chương trình đã khẳng định sức sống của nghệ thuật, sự gắn kết, tạo cầu nối giữa công chúng với văn nghệ sĩ” - NSND Giang Mạnh Hà nhấn mạnh.

Biểu diễn nhiều vở cải lương, nhiều bài hát về đề tài người lính, nghệ sĩ Hoài Minh chia sẻ: “Tôi may mắn tham gia một số tác phẩm sân khấu về đề tài lực lượng vũ trang, biểu diễn nhiều ca khúc về chiến tranh cách mạng. Dù chỉ “sống” trong một vài “khoảnh khắc” của người lính nhưng tôi đã cảm nhận sự thiêng liêng, nhất là các phần biểu diễn có sự cổ vũ của cán bộ, chiến sĩ. Tôi thấy mình cần rèn luyện hơn nữa các vai diễn, các bài hát để góp phần truyền tải những tác phẩm nghệ thuật sao cho hấp dẫn và cuốn hút hơn”.

Từng tham gia nhiều chương trình do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức, anh Phạm Công Vinh (Trung đội trưởng Trung đội trinh sát, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 75) cho biết, được xem các chương trình nghệ thuật, nhất là nghe ca khúc cách mạng, bài hát về bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ ai nấy rất hào hứng, thích thú. Nhiều tiết mục đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước; đồng thời củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ để từ đó thấy được trách nhiệm của mình đối với những hy sinh mất mát của thế hệ cha anh để luôn tri ân, nỗ lực giữ gìn thành quả cách mạng.

Ly Na

Tin xem nhiều