Sau một thời gian dài không hoạt động, rạp chiếu phim Khánh Hưng (đường 30-4, TP.Biên Hòa) đã được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cải tạo, sửa chữa thành điểm biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là biểu diễn múa rối nước phục vụ khán giả thiếu nhi.
Sau một thời gian dài không hoạt động, rạp chiếu phim Khánh Hưng (đường 30-4, TP.Biên Hòa) đã được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cải tạo, sửa chữa thành điểm biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là biểu diễn múa rối nước phục vụ khán giả thiếu nhi.
Tiết mục biểu diễn Vũ điệu rùa biển. Ảnh: Ly Na |
Với không gian biểu diễn mới, sân khấu múa rối nước cũng như các loại hình nghệ thuật độc đáo của Đồng Nai đang được kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
* Thêm không gian múa rối nước
Cuối tuần qua, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai (nhà hát) đã ra mắt chương trình múa rối nước với chủ đề Vũ điệu biển khơi (tác giả kịch bản Hoàng Dương, đạo diễn NSND Giang Mạnh Hà, biên đạo múa NSND Nguyễn Hoàng Tuấn) với sự tham gia của hơn 20 nghệ sĩ, diễn viên. Vũ điệu cuộc sống kể câu chuyện sôi động về các loài sinh vật biển như: rùa, cá heo, tôm, sứa… Chương trình còn có sự kết hợp giữa các loại rối với những màn vũ điệu, ca hát mang đến yếu tố vui nhộn cho khán giả nhí.
NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc nhà hát cho biết, múa rối nước Vũ điệu biển khơi gồm có 8 tiết mục được xây dựng theo hướng múa rối hiện đại. Nội dung của chương trình nhằm tuyên truyền rộng rãi cho đối tượng học sinh, thiếu nhi về sinh thái biển, giáo dục các em biết bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, có những hành động đúng đắn với môi trường biển. Nhà hát đã mời các nghệ sĩ có kinh nghiệm về múa rối ở miền Bắc vào cùng thực hiện chương trình. Đặc biệt, sân khấu của múa rối nước được nhà hát cải tạo, làm mới lại từ rạp Khánh Hưng cũ nhằm mang đến không gian mới mẻ, hấp dẫn khán giả.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết: “Rạp Khánh Hưng trước đây là rạp chiếu phim do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng của tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh) quản lý. Hiện tại, Sở đã giao cho Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai quản lý để nâng cấp, sửa chữa thành sân khấu rối nước, đưa loại hình nghệ thuật mới vào phục vụ công chúng Đồng Nai. Và trong tương lai sẽ nghiên cứu thêm nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn mới tại đây nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân”. |
Sau bức mành che, các nghệ sĩ biểu diễn múa rối phải đứng ngâm mình trong hồ nước với mực nước ngập ngang hông trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Sự thành công hay thất bại của con rối nước phụ thuộc phần nhiều vào kỹ năng điều khiển con rối của người nghệ sĩ để tạo ra những cử động linh hoạt, nhiều hình, nhiều vẻ của con rối. Âm nhạc của rối nước Vũ điệu biển khơi mang tính hoạt náo với những vũ điệu sôi động, tác động mạnh đối với cả người diễn lẫn người xem.
Diễn viên múa Lâm Thủy chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia biểu diễn múa rối nước. So với múa trên sân khấu, múa với con rối ở dưới nước khác xa nhiều. Có những con rối muốn điều khiển theo ý của mình nhưng không được, diễn viên phải điều khiển theo dòng nước và điệu nhạc. Bên cạnh đó, do phải luyện tập và biểu diễn ở dưới nước trong thời gian liên tục và tương đối dài nên có nhiều người bị dị ứng, cảm lạnh. Dù vậy, ai nấy đều nỗ lực với mong muốn lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến khán giả”.
Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TTDL, chương trình múa rối Vũ điệu biển khơi là một trong những chương trình mới nhằm mang đến sân chơi nghệ thuật cho thiếu nhi trong và ngoài tỉnh. Các diễn viên múa tập luyện công phu, động tác linh hoạt, sống động, kết hợp nghệ thuật với âm nhạc, từ những thiết bị kỹ thuật hiện đại về ánh sáng, đến nét ngộ nghĩnh của các loại sinh vật biển mang đến cho khán giả sự tò mò, thích thú.
* Sẽ “online” để phục vụ công chúng
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, đây là lần đầu tiên múa rối nước được thực hiện sau khi các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sáp nhập lại. Sở đã đề nghị nhà hát tổ chức nhiều suất diễn phục vụ thiếu nhi trên địa bàn TP.Biên Hòa; đồng thời có kế hoạch phối hợp với các trường học để đưa học sinh đến xem múa rối nước trực tiếp tại rạp chiếu phim Khánh Hưng.
“Múa rối nước Vũ điệu biển khơi là một trong những “món quà” tinh thần có ý nghĩa dành cho các khán giả nhí trên địa bàn tỉnh. Qua chương trình, giúp thanh thiếu nhi hiểu hơn về giá trị của nghệ thuật truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối nước độc đáo của Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng” - ông Lê Kim Bằng nói.
Theo NSƯT Quế Anh, để phục vụ cho thiếu nhi chương trình múa rối nước Vũ điệu biển khơi có hiệu quả trong mùa dịch Covid-19, nhà hát sẽ đẩy mạnh hoạt động biểu diễn trực tuyến qua kênh Facebook, YouTube. Cùng với đó, nhà hát cũng sẽ tổ chức các buổi biểu diễn trực tiếp tại rạp Khánh Hưng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các em nhỏ khi đến rạp xem múa rối nước sẽ được hướng dẫn duy trì khoảng cách an toàn, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay. Không gian của khán đài không được khai thác hết mà nhà hát sẽ bỏ trống một số hàng ghế nhằm giữ khoảng cách nhất định.
“Khán giả trẻ là tương lai của sân khấu. Cùng với múa rối nước, trong thời gian tới, nhà hát sẽ xây dựng thêm nhiều chương trình nghệ thuật mới phục vụ đối tượng thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Nhà hát sẽ tiếp tục tiếp cận thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc bằng những suất diễn online. Nhà hát đã xác định tâm thế muốn làm sân khấu cho thiếu nhi và làm thật hiệu quả phải thật bền bỉ, không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là lâu dài” - NSƯT Quế Anh nhấn mạnh.
Ly Na