Sau nhiều năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), công tác phòng, chống bạo lực trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Sau nhiều năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), công tác phòng, chống bạo lực trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Người dân tham quan, tìm hiểu câu chuyện đẹp về gia đình qua triển lãm Gia đình - nơi của yêu thương và chia sẻ |
Các vụ BLGĐ trong 5 năm qua đã giảm dần, nhiều mô hình phòng, chống bạo lực đã phát huy hiệu quả... Qua đó, góp phần đẩy lùi tình trạng BLGĐ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
* Những chuyển biến tích cực
TP.Long Khánh là một trong những địa phương đã và đang thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống BLGĐ. Trong đó, thành phố chú trọng công tác tuyên truyền về xây dựng đạo đức, lối sống trong gia đình, bình đẳng giới; phổ biến những chính sách pháp luật liên quan đến gia đình nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các tầng lớp nhân dân.
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Long Khánh Trương Thị Hương cho biết, hiện tại, thành phố đang thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại P.Xuân Thanh. Đồng thời, tăng cường tổ chức tuyên truyền đến các tổ nhân dân, CLB Gia đình hạnh phúc, nhóm phòng, chống BLGĐ, CLB Nam giới nói không với BLGĐ. Chỉ tính riêng năm 2020 đã lồng ghép tuyên truyền được 42 buổi nói chuyện với hơn 2,6 ngàn người tham gia... Nhờ vậy số vụ bạo lực trên địa bàn thành phố giảm dần.
Nếu như năm 2015 toàn tỉnh có 568.296/577.252 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 98,44%) thì đến năm 2020 có 653.965/661.184 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 98,86% (chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trên 98%). |
Nhơn Trạch là một trong những huyện có đông công nhân sinh sống và làm việc, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gắn với người lao động trong các khu công nghiệp, bước đầu đã đạt nhiều kết quả. Nếu như năm 2007, H.Nhơn Trạch thí điểm thành lập 2 mô hình phòng, chống bạo lực lồng ghép mô hình CLB Gia đình công nhân trẻ hạnh phúc tại Phước Thiền và Hiệp Phước thì đến nay, toàn huyện có hơn 60 nhóm phòng, chống BLGĐ với gần 400 thành viên. Số vụ bạo lực ngày càng có chiều hướng giảm.
Theo Sở VH-TTDL, trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp đã tổ chức hơn hàng trăm buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ. In và phát hành hàng ngàn tờ tơi, tài liệu tuyên truyền về giáo dục đời sống gia đình và phòng, chống bạo lực. Tính đến thời điểm hiện tại, 100% ấp, khu phố của 11 huyện, thành phố đều có các mô hình phòng chống BLGĐ, tư vấn, hỗ trợ và kịp thời can thiệp, hòa giải cho nạn nhân bị bạo lực trên địa bàn.
Công tác phòng, chống BLGĐ đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Người dân đã cơ bản hiểu được thế nào là BLGĐ và tác hại của nó nên từng bước tích cực tham gia. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 823 CLB gia đình phát triển bền vững, 948 nhóm phòng, chống BLGĐ, 1.101 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 171 điểm tạm lánh. Hiện Sở VH-TTDL đang tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ kinh phí thu thập số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực các cấp với mức hỗ trợ 700 ngàn đồng/người/năm.
Từ 2015-2020, toàn tỉnh đã xảy ra 1.667 vụ BLGĐ, xử lý hình sự 38 vụ - 38 đối tượng; xử lý hành chính 328 vụ - 335 đối tượng; hòa giải, giáo dục ngăn chặn 1.301 vụ. Riêng năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 85 vụ bạo lực, hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 16-59 tuổi. Nguyên nhân của các vụ bạo lực phần lớn do rượu chè, cờ bạc, bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống BLGĐ.
* Gia đình cùng đồng hành...
Gia đình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có những thay đổi sâu sắc trên các khía cạnh khác nhau, cả về cấu trúc, chức năng cũng như các mối quan hệ. Bên cạnh những mặt thay đổi tích cực, hệ giá trị gia đình cũng còn nhiều mặt hạn chế. Theo TS tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ trẻ em kết nối (NGO), các con số thống kê về BLGĐ hiện nay mới chỉ là “bề nổi” của tảng băng chìm. Bởi trên thực tế, vẫn còn những vụ việc nhỏ mà chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, chưa thể phát hiện và xử lý.
“Mặc dù số vụ bạo lực có xu hướng giảm, nhưng ở nhiều gia đình vẫn còn tồn tại hành vi bạo lực làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các thành viên, nhất là với trẻ em. Nhiều em bị tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và định hình nhân cách. Hơn lúc nào hết, vai trò gia đình rất cần phải được đề cao. Đây là nền tảng quan trọng, thiết thực góp phần phòng, chống BLGĐ, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ” - TS Vũ Thiện Toàn chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của các địa phương làm tốt công tác phòng, chống BLGĐ, để giảm thiểu tình trạng bạo lực thì hai yếu tố cơ bản là người làm công tác gia đình phải nhiệt tình, tận tâm và mỗi gia đình, mỗi người dân phải thực sự đồng hành. Chỉ khi gia đình và cộng đồng cùng chung tay tháo gỡ “nút thắt” ngay từ gốc vấn đề thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nạn BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết: “Thời gian tới, Sở VH-TTDL sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực nhằm xóa bỏ tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, trọng nam khinh nữ trong gia đình, dòng họ. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ, phát huy hiệu quả và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và xây dựng gia đình no ấm; gắn liền với với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh”.
Ly Na