Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn múa đương đại Đồng Nai

09:12, 18/12/2020

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là múa trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy gặp không ít khó khăn nhưng với tình yêu, đam mê và sự nỗ lực không ngừng, múa đương đại của Đồng Nai đang bắt đầu khởi sắc, mang dấu ấn riêng.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là múa trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy gặp không ít khó khăn nhưng với tình yêu, đam mê và sự nỗ lực không ngừng, múa đương đại của Đồng Nai đang bắt đầu khởi sắc, mang dấu ấn riêng.

Tác phẩm múa đương đại Tỉnh thức do nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: Ly Na
Tác phẩm múa đương đại Tỉnh thức do nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: Ly Na

Nhiều tác phẩm múa đã mang đến hơi thở cuộc sống và đậm bản sắc văn hóa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đoạt nhiều giải thưởng cao tại các liên hoan, hội diễn.

* Múa Đồng Nai đang “chất” hơn

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai xây dựng rất nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa và các ngày lễ lớn. Mỗi chương trình đều có những nội dung, chủ đề tư tưởng, ý nghĩa khác nhau, áp dụng những kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, nhà hát đã đầu tư nhiều tiết mục múa đương đại mới lạ, hấp dẫn khán giả, giúp họ cảm nhận được hơi thở cuộc sống.

Múa đương đại Đồng Nai thể hiện rõ nét trong chương trình nghệ thuật Cảm thức được nhà hát biểu diễn trực tuyến phục vụ khán giả trong và ngoài tỉnh. Có thể kể đến các tiết mục múa như: Tỉnh thức (tốp múa), Thời khắc và Hồi sinh (tập thể diễn viên múa)… Kỹ thuật múa đương đại được kết hợp nhuần nhuyễn trong các tiết mục dẫn dắt người xem đi theo mạch của câu chuyện về sự biến đổi khí hậu, môi trường sống đang bị hủy hoại. Từ đó, giúp người xem thay đổi nhận thức để cùng chung tay bảo vệ môi trường, thiên nhiên.

Cũng trong năm nay, nghệ sĩ Nguyễn Mậu Sơn hiện đang công tác tại nhà hát đã xây dựng tác phẩm múa Dây đời (biểu diễn Huỳnh Thanh Tùng) cho bài thi tốt nghiệp. Dây đời sau đó được nghệ sĩ Mậu Sơn tham gia Liên hoan Nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần VI-2020 và đoạt giải C. Theo nghệ sĩ Mậu Sơn, Dây đời kể câu chuyện về cuộc đời của mỗi con người trong cuộc sống hôm nay, mỗi người có một “nốt thắt riêng”, đó có thể là vướng mắc về gia đình, tình yêu, công việc… Chính sự kết hợp của bố cục sân khấu gồm: ngôn ngữ múa, màn hình, âm thanh, ánh sáng đã tạo nên bức tranh sinh động.

“Với mong muốn truyền tải thông điệp: Trong cuộc sống cần biết buông bỏ những muộn phiền đúng nơi, đúng lúc để có thể sống an nhiên, tự tại, tác phẩm múa Dây đời được xây dựng thành một câu chuyện, có mở, cao trào và kết thúc. Tạo hình của tác phẩm có bề rộng, bề dài, chiều sâu thể hiện tính bứt phá, thắt nút của vấn đề muốn kể, tạo nhiều cảm xúc đối với người xem” - nghệ sĩ Mậu Sơn chia sẻ.

Không chỉ trong năm 2020 mà vài năm trở lại đây, Đồng Nai đã có nhiều tiết mục múa ấn tượng, đoạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các liên hoan, hội diễn khu vực và toàn quốc. Trong đó phải kể đến các bài múa như: Dũng sĩ rừng Sác (biên đạo múa Trần Ly Ly dàn dựng); Đất thở (biên đạo Lương Xuân Thành dàn dựng); Dòng chảy (biên đạo múa Tạ Thị Chi dàn dựng); Tễu và Ký ức (biên đạo Trần Ly Ly và NSND Hà Thế Dũng)…

Hầu hết các tác phẩm múa đều có sự kết hợp múa tễu khá dày dặn, khai thác đặc trưng của con người, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Bố cục sân khấu kết hợp nhiều hình thức khác nhau tạo nên một phong cảnh sâu rộng, thể hiện rõ hình ảnh đời sống sinh hoạt, đời sống tâm linh của con người. Các lớp múa tập thể đan xen những đoạn múa đôi, múa đơn, tình tiết, rõ ý, dẫn dắt người xem đi vào câu chuyện có tính chất tả thực, đôi khi cũng nhìn thấy được sự hư cấu của người biên đạo.

* Một đội ngũ đang độ chín

Theo nghệ sĩ Thân Thế Thời, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Đồng Nai, các tác phẩm múa của Đồng Nai hiện nay đã bắt kịp nhịp của thời đại, nhiều tác phẩm múa đương đại phản ánh được hơi thở của cuộc sống, gắn với các sự kiện văn hóa, lịch sử. Đặc biệt trong các chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh hay các liên hoan toàn quốc, Đồng Nai đã có nhiều tiết mục mới lạ, hấp dẫn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho một vùng đất có bề dày lịch sử hơn 320 năm hình thành và phát triển.

Mặc dù hội viên Ban múa của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai không nhiều, chỉ hơn 10 người song các tác giả, biên đạo múa đều đang ở độ chín của nghề. Có thể kể đến như: Thân Thế Thời, Lâm Bảo Thịnh, Lâm Đại, Phạm Thị Thu Bình, Nguyễn Việt Bắc, Từ Quốc Hoàng… Đó là chưa kể các nghệ sĩ, biên đạo múa trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai như: Nguyễn Mậu Sơn, Huỳnh Thanh Tùng; các biên đạo múa hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật không chuyên trên địa bàn tỉnh cũng luôn nỗ lực sáng tác, dàn dựng, biểu diễn nghệ thuật múa.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là nghề múa vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Câu chuyện về khán giả vẫn luôn được xem là bài toán khó cho lĩnh vực này bởi nhiều chương trình nghệ thuật trong đó có múa đương đại diễn ra khá trầm lắng.

Nhằm tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật, nhất là trong mùa dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh đã thực hiện hàng chục buổi biểu diễn trực tuyến. Các chương trình trực tuyến đã và đang tạo điều kiện cho nghệ sĩ và khán giả sự tương tác, kết nối biên đạo, diễn viên với người xem. Đây là một trong những cách làm hay, hiệu quả mà những người làm nghệ thuật ở Đồng Nai hướng đến nhằm quảng bá tác phẩm, tạo dấu riêng cho nghệ thuật múa của tỉnh nhà.            

Ly Na

Tin xem nhiều