Trải qua hàng trăm năm từ thuở khai hoang lập ấp, cho đến hôm nay, người dân Biên Hòa - Đồng Nai vẫn giữ được nhiều dấu tích văn hóa vô cùng độc đáo, gắn liền với đời sống cộng đồng dân cư.
Trải qua hàng trăm năm từ thuở khai hoang lập ấp, cho đến hôm nay, người dân Biên Hòa - Đồng Nai vẫn giữ được nhiều dấu tích văn hóa vô cùng độc đáo, gắn liền với đời sống cộng đồng dân cư. Trong đó có di sản văn hóa đá độc đáo, đa dạng hình thù lộ thiên với lối kiến trúc vô cùng đẹp mắt.
Đoàn viên, thanh niên Văn miếu Trấn Biên tham quan di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn (TP.Long Khánh). Ảnh: L.Na |
Bên cạnh những quần thể đá tự nhiên còn có sản phẩm đá do bàn tay, khối óc của con người tạo ra. Các di sản văn hóa đá này đã và đang mang đến sự hấp dẫn, cuốn hút người dân và du khách gần xa.
1. Nhắc đến di sản văn hóa đá, những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử không quên nhắc đến câu chuyện về người cổ ở Đồng Nai đã chế tạo các dụng cụ bằng đá trong sản xuất và sinh hoạt đời sống. Trong quá trình lao động sản xuất ấy, người cổ ở Đồng Nai còn sáng tạo nên một loại nhạc cụ được xem là báu vật vô giá bởi sự tiêu biểu và độc đáo, đó là đàn đá. Hiện nay, tại Đồng Nai đã sưu tập được 2 bộ đàn đá có niên đại hơn 3 ngàn năm đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, gồm một bộ ở Bình Đa (TP.Biên Hòa) và một bộ ở xã Gia Canh (H.Định Quán).
Câu chuyện về di sản văn hóa đá lan truyền nhiều nhất nằm ở vùng cao su đất đỏ thuộc TP.Long Khánh. Đó là Mộ cự thạch Hàng Gòn. Cho đến ngày nay, di tích này vẫn là một bí ẩn. Theo TS Nguyễn Hồng Ân, Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, việc phát hiện, khai quật và nghiên cứu khu mộ đã phát hiện được rất nhiều vấn đề quan trọng như: tìm ra được niên đại hình thành ngôi mộ, thông qua đó con người giải mã văn hóa lịch sử từ những phiến đá, mảnh gỗ.
“Nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra với các nhà khoa học và đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa thể giải thích. Đó là những tấm đan hoa cương xây trong phòng mộ là những tấm có sẵn trong thiên nhiên và chỉ có nhiều ở hai khu vực đó là cao nguyên ở Đà Lạt và các tỉnh Nam Trung bộ. Thế nhưng, làm thế nào mà cư dân Việt cổ có thể vận chuyển và đặt được những tảng đá khổng lồ, nặng trên 10 tấn đến địa bàn TP.Long Khánh, nơi có địa hình khó khăn, hiểm trở và không có đường thủy?” - TS Nguyễn Hồng Ân chia sẻ.
Đồng Nai còn có nhiều di sản đá tự nhiên là những di tích thắng cảnh nổi tiếng. Một trong số di sản đá tự nhiên được xếp hạng đó là Đá ba chồng Định Quán. Di tích này không chỉ có vị trí quan trọng về địa lý mà còn hấp dẫn bởi vẻ đẹp hùng tráng, gồm 3 hòn đá xếp chồng lên nhau. Ở thế xếp chồng này, chúng trông “có vẻ” thiếu vững chắc nhưng Đá ba chồng Định Quán đã tồn tại từ thời kỳ núi lửa cho đến hôm nay. Đây là di tích danh thắng có giá trị rất lớn về cảnh quan thiên nhiên, mang giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất. Hiện, di tích là một trong những điểm đến trong tuyến du lịch của H.Định Quán.
2. Di sản văn hóa đá Đồng Nai thể hiện ở tính sáng tạo không ngừng của cộng đồng cư dân đã sinh sống trên vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển. Họ là chủ thể văn hóa trong việc tạo ra những di sản văn hóa đá với nhiều loại hình đa dạng, phong phú và mang sắc thái văn hóa riêng. Dọc quốc lộ 20 đoạn qua H.Định Quán, người dân và du khách bắt gặp những hàng rào bằng đá, những tảng đá lớn với nhiều hình thù khác nhau được sắp xếp một cách đẹp mắt. Nơi đây được gọi là trang trại đá Nguyễn Gia Trang.
Chủ nhân của trang trại đá là ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, quê gốc ở tỉnh Đồng Tháp. Vì mê đá, ông đã bỏ nhiều công sức và thời gian đi khắp nơi sưu tầm đá về xây dựng thành trang trại đá riêng của bản thân. Nhiều lần tiếp xúc với ông Khiêm, nhà văn Nguyễn Thái Hải kể: “Chơi đá”, ông chủ Nguyễn Gia Trang không hề có ý nghĩ làm thêm dịch vụ du lịch để kiếm tiền. Vì vậy, cổng trang trại của ông không phải lúc nào cũng rộng mở đón khách, không phải lúc nào khách cũng có thể gặp ông. Một đôi lần, ông cho ban tổ chức một cuộc triển lãm nào đó ở TP.HCM mượn đá đẹp của mình để trưng bày, điều kiện là tự đến chở đi và phải chở trả lại đúng chỗ cũ!”.
Tương tự, tại xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) có ông Nguyễn Quang Lữ vừa chơi vừa bán đá cảnh. Nhiều hòn đá tự nhiên sau khi được ông gia công, trở thành những sản phẩm đá cảnh đẹp phục vụ cho nhu cầu của người dân và du khách gần xa. Dưới sự tác động của con người, những tảng đá, hòn đá tự nhiên đã trở nên hữu ích, có hồn. Đá không chỉ là vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng mà còn dùng để trưng bày, thưởng ngoạn nghệ thuật. Chính vì thế, đá gắn bó mật thiết, gần gũi trong đời sống của cộng đồng.
3. Di sản văn hóa đá ở Đồng Nai rất đa dạng, phong phú. Mỗi một loại hình (đá tự nhiên, đá nhân tạo) đều ẩn chứa những dấu ấn sáng tạo riêng của một giai đoạn lịch sử. Nhiều câu chuyện về đá trở thành những giai thoại được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng, được trao truyền qua nhiều thế hệ, thuộc nhiều dân tộc sinh sống trên vùng đất hơn 320 năm.
Dù cho di sản đá tự nhiên hay đá nhân tạo thì những công trình, tác phẩm đá tồn tại cho đến hôm nay đã phần nào minh chứng cho một giai đoạn lịch sử, mà ở đó con người có đời sống gắn liền với đá. Điều này góp phần khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử văn hóa trường tồn của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Sở VH-TTDL vừa có văn bản gửi UBND TP.Long Khánh về việc lập hồ sơ tu bổ một số hạng mục di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn. Theo đó, các hạng mục gồm: cổng, tường rào, sân đường nội bộ; nhà bao che hầm mộ; nhà trưng bày tiếp đón; nhà thường trực bán vé; nhà điều hành; nhà vệ sinh công cộng; hệ thống đèn chiếu sáng, đài nước, khuôn viên cây xanh và hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Sở VH-TTDL đề nghị UBND TP.Long Khánh lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực theo quy định lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, lấy ý kiến Bộ VH-TTDL trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. |
Ly Na