Đó là tên cuốn sách biên khảo khá chi tiết về một nhân vật lịch sử, một bậc danh tướng, tôn thần rất gần gũi với người dân Nam bộ. Tác giả của cuốn sách - Trần Hoàng Vũ là một nhà nghiên cứu trẻ với nhiều công trình nghiên cứu về vùng đất mới Nam bộ.
Đó là tên cuốn sách biên khảo khá chi tiết về một nhân vật lịch sử, một bậc danh tướng, tôn thần rất gần gũi với người dân Nam bộ. Tác giả của cuốn sách - Trần Hoàng Vũ là một nhà nghiên cứu trẻ với nhiều công trình nghiên cứu về vùng đất mới Nam bộ.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai. Tại đây, Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến hành các công việc đầu tiên thiết lập nền hành chính ở Nam bộ.
Trong công cuộc thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam của người Việt, Nguyễn Hữu Cảnh là người có công đầu và to lớn đối với đất nước và dân tộc. Có lẽ vì vậy mà trong tâm khảm của người dân Nam bộ nói chung, người dân Đồng Nai nói riêng, Nguyễn Hữu Cảnh không chỉ là bậc công thần mà ngài còn được xem như một nhân thần.
Cuốn sách khảo sát cuộc đời và sự nghiệp của Lễ Thành hầu trên 2 khía cạnh: danh tướng và tôn thần.
Phần thứ nhất khảo về lý lịch, hành trạng và những đóng góp của Nguyễn Hữu Cảnh. Đó là công lao của Nguyễn Hữu Cảnh khi “lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để quản trị. Nha thuộc có 2 ty là Xá sai ty (coi việc văn án, từ tụng, dưới quyền quan Ký lục) và Lại ty (coi việc tài chính, do quan Cai bộ đứng đầu). Quân binh thì cơ, đội, thuyền, thủy bộ tinh binh và thuộc binh để hộ vệ. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh châu trở vô, đến ở khắp nơi, đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Từ đó con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn thì lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch”.
Phần thứ 2 đề cập tín ngưỡng thờ cúng Lễ Thành hầu tại miền Nam từ khi Ngài qua đời cho đến những năm cuối thế kỷ XX. Nguyễn Hữu Cảnh là bậc công thần hiếm hoi được ban và phong rất nhiều tước hiệu. Chúa Nguyễn đã truy tặng ông là Hiệp tán công thần, đặc tiến chưởng Dinh, Tráng hoàn hầu. Đời Minh Mạng, ông được truy tặng Khai quốc công thần Tráng Võ tướng quân Vĩnh An hầu.
Các đời Minh Mạng và Thiệu Trị truy phong ông là Thượng đẳng thần. Đối với vùng đất Đồng Nai - Gia Định, Nguyễn Hữu Cảnh là bậc Khai quốc công thần. Để tưởng nhớ công đức của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, rất nhiều nơi nhân dân lập đền thờ hoặc lập bài vị ông, như ở Nam Vang (Campuchia), Quảng Bình, Quảng Nam, Cù lao Phố (TP.Biên Hòa), Đình Minh Hương Gia Thanh, Q.5, TP.HCM, Ô Môn (Cần Thơ), Lễ công từ đường (Châu Đốc, An Giang) và nhiều nơi thờ khác tại An Giang và các địa phương khác.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ danh tướng đến tôn thần do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành cuối năm 2019. Cuốn sách là tài liệu bổ ích cho những người nghiên cứu và muốn tìm hiểu về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. |
Vũ Trung Kiên