Báo Đồng Nai điện tử
En

Con cá lội ngược dòng

11:03, 12/03/2020

Hội đồng Xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam năm 2019 vừa công bố 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất, trong đó có nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm của Nhà Cải lương Trần Hữu Trang. Đây là niềm vui bất ngờ không chỉ riêng với Lâm mà cả những ai yêu mến anh, bởi anh là cái tên duy nhất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được chọn, mà còn ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Hội đồng Xét tặng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam năm 2019 vừa công bố 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất, trong đó có nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm của Nhà Cải lương Trần Hữu Trang. Đây là niềm vui bất ngờ không chỉ riêng với Lâm mà cả những ai yêu mến anh, bởi anh là cái tên duy nhất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được chọn, mà còn ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ Võ Minh Lâm vai Hai Đời trong vở cải lương Đời như ý. Ảnh: Trí Trọng
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm vai Hai Đời trong vở cải lương Đời như ý. Ảnh: Trí Trọng

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Võ Minh Lâm để lắng nghe tâm sự của một người trẻ trong tình hình hoạt động sân khấu cải lương khó khăn, họ phải nỗ lực, vươn lên để đóng góp và tiếp nối “ngọn lửa” nghề.

* Khi nghe tin mình là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, cảm giác của anh thế nào?

- Tôi biết thông tin nhờ bạn bè gửi link các báo cho xem. Phải nói là rất hạnh phúc và tự hào. Vì tôi nghĩ còn nhiều người giỏi, tài năng hơn mình nhưng mình đã may mắn được chọn. Giải thưởng như động lực lớn để người trẻ chúng tôi tiếp tục làm nghề, đưa cải lương đến gần hơn với khán giả hôm nay.

Dù cơ địa say sóng nhưng tôi đã tham gia chuyến thăm các chiến sĩ Trường Sa đến 4 lần. Ra đó, tôi mới cảm nhận hết những vất vả của các anh khi phải xa đất liền làm nhiệm vụ canh giữ hải đảo. Nhớ khi chúng tôi đến các anh ôm chúng tôi rớt nước mắt bảo nhớ nhà, nhớ đất liền khiến tôi cũng nghẹn ngào. Tôi nghĩ, thế hệ trẻ chúng tôi, tùy vào lĩnh vực của mình hãy cố gắng làm thật tốt để góp phần xây dựng cho quê hương.

* Được biết ba mẹ anh là nghệ sĩ cải lương, thế nhưng anh từng nói rằng đến khi bước chân vào trường nghệ thuật anh vẫn không mơ làm nghệ sĩ. Và cuối cùng anh cũng trở thành… nghệ sĩ cải lương?

- Có lẽ do từ khi sinh ra tôi đã được ba mẹ ẵm theo suốt các nẻo đường lưu diễn. Lúc nhấp nhổm trên bình xăng chiếc xe Honda 67 mà ba chở mẹ và tôi men theo đường đất đến điểm diễn. Có khi là trên một ghe hát, cập bến diễn xong mọi người lúi húi chống sào đi cập bến khác. Thằng bé 3, 4 tuổi là tôi ngủ lăn lóc giữa bộn bề đạo cụ, phục trang chất đầy trên ghe. Sáng ra muỗi cắn đỏ tay. Khi mọi người tập tuồng, tôi loanh quanh chạy chơi cùng lũ trẻ. Có đêm đoàn diễn khuya quá, tôi ngủ ngay dưới gầm sân khấu. Có lẽ, một cách nào đó cải lương đã ngấm vào tâm hồn trẻ thơ mà tôi không hề hay biết.

* Tuổi thơ của một đứa bé con nghệ sĩ có gì khác biệt?

- 6 tuổi tôi không theo ba mẹ lưu diễn nữa mà ở lại Cần Thơ với nội để đi học. Tuổi đó còn quá nhỏ nên tôi thường xuyên tủi thân khi thấy bạn khác được ba mẹ chăm sóc, chở đi chơi. Tôi cứ thắc mắc hoài: Tại sao ba mẹ đi lâu quá mà không về thăm con? Và rồi đâm giận họ luôn. Một năm ba mẹ về thăm được 3, 4 lần, lần nào đi cũng chờ tôi ngủ rồi mới đi. Khi thức giấc không thấy ba mẹ, tôi thất vọng, hụt hẫng rồi lén chui ra sau nhà khóc. Riết rồi tôi ít nói hẳn, cố quên nỗi nhớ ba mẹ bằng cách cặm cụi học.

Hồi cấp 2, tôi từng đoạt giải học sinh giỏi văn của TP.Cần Thơ. Rồi hết lớp 9, do nhà khó khăn, tôi thi vào lớp đào tạo diễn viên cải lương của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ để đỡ tiền học phí.

* Anh trở thành thí sinh đầu tiên đoạt Chuông vàng cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình năm 2006 (sau đó đổi thành Chuông vàng vọng cổ) khi mới 17 tuổi. Dư luận năm đó bùng nổ vì có sự so sánh anh với Chuông bạc, có người cho là anh “ăn may” và lẽ ra Chuông vàng không thuộc về anh?

- Khi cầm cúp Chuông vàng trên tay tôi cứ ngỡ là giấc mơ và không tin đó là sự thật. Thế nhưng hôm sau tôi lập tức phải đối diện với dư luận không tốt. Có ý kiến nghi ngờ tôi trẻ quá, đoạt giải không biết có làm gì được cho cải lương? Họ cho rằng tôi dùng chiêu trò thậm chí còn bảo tôi mua giải. Rất nhiều, rất nhiều những lời nói nặng nề từ những người lớn mà dường như họ quên mất tôi chỉ là cậu bé 17 tuổi.

Tôi bị stress kinh khủng, nản và muốn bỏ cuộc ngay ngày đầu chạm chân đến cánh cửa thánh đường cải lương.

Nhưng may mắn là vẫn có những người yêu thương động viên nên tôi nghĩ thay vì lẩn tránh mình phải đối diện. Cách đối diện của tôi là thay vì đi phân bua tôi âm thầm học hỏi, không giấu cái dở, không biết thì hỏi chứ không mắc cỡ. Tôi cố gắng và nghĩ thời gian sẽ chứng minh khả năng của mình với mọi người.

* Sau đó anh đã nhanh chóng nhận được vai chính đầu tiên trong vở Dấu ấn giao thời. 10 năm sau đó, anh đã nỗ lực hết mình để trở thành anh kép chánh sáng giá ở nhiều vở cải lương tuồng cổ, cải lương xã hội. Thế nhưng vài năm gần đây lại thấy anh lùi lại với những vai tính cách khá là ấn tượng như: công tử Hiến (Thầy Ba Đợi), Cố Sầu (Chuyện tình Khau Vai)…

- Khoảng 5 năm trở lại đây, quan niệm làm nghề của tôi có nhiều thay đổi. Tôi cho rằng mình nên cố gắng thử thách ở những dạng vai tính cách.

Việc từ bỏ vai chính để lùi lại làm vai phụ không phải là quyết định dễ dàng. Thế nhưng tôi thấy vui vì được học hỏi thêm dạng vai độc, độc lẳng, hài… Tôi nghĩ thử thách như vậy tôi sẽ có cơ hội tiến xa hơn trong nghề.

* Thời gian gần đây, người ta thấy Võ Minh Lâm dường như ít dùng mạng xã hội, thỉnh thoảng mới xuất hiện vài status trên trang cá nhân?

- Lúc trước tôi rất nghiện mạng, nghiện công nghệ. Nhưng về sau tôi nhận ra rằng không phải cái gì mình cũng nên chia sẻ. Trong thời buổi thông tin trên mạng khá nhiễu loạn, tôi nghĩ mình nên tỉnh táo khi lựa chọn thông tin. Dành quá nhiều thời gian để kiểm tra ai gửi tin nhắn gì, xem có ai quan tâm, tương tác với mình tôi thấy phí thời gian quá. Thay vào đó, tôi dành thời gian gặp gỡ những người thương yêu, trò chuyện, hỏi han thấy rất ý nghĩa và tình cảm rất thật.

* Xin cảm ơn anh!

Trí Trọng (thực hiện)

Tin xem nhiều