Đó là tựa đề cuốn sách mới xuất bản của nhà nghiên cứu, PGS-TS. Trần Nam Tiến, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và đảo do NXB Văn hóa - văn nghệ ấn hành.
Đó là tựa đề cuốn sách mới xuất bản của nhà nghiên cứu, PGS-TS. Trần Nam Tiến, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và đảo do NXB Văn hóa - văn nghệ ấn hành.
Cuốn sách, đúng như lời mở đầu của tác giả đã viết: “đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ khi thành lập, trải qua thời các chúa Nguyễn, Tây Sơn và nhà Nguyễn, đóng vai trò và lực lượng chủ yếu dưới danh nghĩa nhà nước xác lập và thực thi chủ quyền ở biển Đông, cụ thể trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Tuy nhiên có thể thấy, nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa không chỉ thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm các công việc phục vụ cho chức năng quản lý nhà nước. Việc thành lập và hoạt động của Đội Hoàng Sa chính là công việc xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục, kéo dài trong nhiều thế kỷ (từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX) và tuân theo luật lệ rõ ràng của Nhà nước phong kiến Việt Nam.
Suốt trong 3 thế kỷ, Đội Hoàng Sa đã hoạt động tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên và bảo vệ các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa. “Đội Hoàng Sa được xem là tổ chức nhà nước đầu tiên quản lý trên biển Đông, là bằng chứng hùng hồn về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (…). Qua nhiệm vụ của đội Hoàng Sa, càng thấy rõ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế” (trang 117).
Cuốn sách Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam được chia thành 3 chương với kết cấu logic, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận.
Chương 1, khái quát về sự ra đời của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Trong chương này, những nội dung về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đã được dựng lại một cách đầy đủ, chính xác, trung thực với những gì lịch sử đã diễn ra, với những gì mà cha ông chúng ta đã làm. Những vấn đề về sự ra đời của đội Hoàng Sa cũng đã được tác giả, từ những chứng cứ lịch sử phân tích thật sự thấu đáo, thuyết phục.
Chương 2 viết về tổ chức và hoạt động của đội Hoàng Sa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, trong đó đi vào giới thiệu về tổ chức, về nhiệm vụ và quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa.
Chương 3, với tựa đề Đội Hoàng Sa trong tâm thức dân tộc Việt đã giới thiệu những di tích lịch sử gắn với lịch sử của đội Hoàng Sa ở tỉnh Quảng Ngãi hiện nay như: Vườn Đồn, Miếu Hoàng Sa, Đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự… Cũng trong phần này, cuốn sách đã giới thiệu khá đầy đủ, chi tiết về một lễ hội đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, nhất là của những người dân Quảng Ngãi: lễ khao lề thế lính Hoàng Sa với những lời ca mang đầy âm hưởng trầm hùng, bi tráng của “những chàng trai ra đảo đã không về” (ý thơ của Nguyễn Việt Chiến):
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai (hoặc Tháng ba) khao lề thế lính Hoàng Sa.
Hay, đó là một bài văn tế khác còn lưu ở Âm Linh Tự và đình làng An Vĩnh (trang 144):
“Hỡi ơi
Đất Việt trời Nam trải bao phiên lao khổ
Nghĩ đến kẻ điêu linh từ thuở nọ
Cho hay: Sinh hề ký, tử hề quy
Ra đi có mà ít người trở lại
Thân ấy mất mà danh ấy còn sống mãi
Xót thương thay!
Liều thân vì Tổ quốc son sắt một lòng,
Ngang dọc chí nam nhi, phong ba vùi dập
Tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn
Quân vụ biên phòng, chạnh niềm viễn xứ
Quyết một dạ bảo vệ biên cương bờ cõi
Hoàng Sa, Trường Sa lãnh hải, biển cả mênh mông, tháng năm vô định…”.
Cuốn sách đã phác dựng lại hình ảnh khách quan và chân thực của công cuộc khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền của các Nhà nước Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa thông qua hoạt động của Đội Hoàng Sa từ những thập kỷ đầu thế kỷ XVII cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XIX. Không chỉ vậy, đọc cuốn sách này, chúng ta càng thêm cảm phục cha ông mình, thêm yêu đất nước mình hơn.
Vũ Trung Kiên