Ảnh nghệ thuật của Hoàng Long (tên thật là Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Long Khánh) gây ấn tượng ngay với người thưởng lãm bằng sự tương phản của màu sắc, sự phong phú của đường nét và sự giàu có của nội dung. Điều thú vị nhất là chất thơ của đời sống ẩn sau mỗi cảnh vật và tấm lòng của người nghệ sĩ với quê hương đất nước.
Ảnh nghệ thuật của Hoàng Long (tên thật là Phạm Văn Hoàng, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Long Khánh) gây ấn tượng ngay với người thưởng lãm bằng sự tương phản của màu sắc, sự phong phú của đường nét và sự giàu có của nội dung. Điều thú vị nhất là chất thơ của đời sống ẩn sau mỗi cảnh vật và tấm lòng của người nghệ sĩ với quê hương đất nước.
Tác phẩm Rạ rơm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Long |
Nhà thơ Đàm Chu Văn làm liền một mạch cảm xúc 36 bài tứ tuyệt, Sỹ Duyên viết tiếp 26 bài về ảnh của Hoàng Long. Không phải dễ dàng có thể làm được những bài thơ như vậy nếu ảnh của Hoàng Long không giàu chất thơ và nếu không có sự đồng điệu tri âm giữa người nghệ sĩ thị giác với nhà thơ, người sáng tạo ngôn ngữ. Tức là nhà thơ Đàm Chu Văn, Sỹ Duyên sáng tạo thêm một bức ảnh nghệ thuật nữa bằng ngôn ngữ trên mỗi bức ảnh của Hoàng Long, tạo nên một tác phẩm kép, giúp người thưởng ngoạn bước vào thế giới nghệ thuật không chỉ bằng những gì nhìn thấy, những gì có thể tưởng tượng ra mà còn là những gì bản thân người xem ảnh đã trải nghiệm.
Những cảm xúc trong ảnh của Hoàng Long được dệt bằng nhiều vỉa tầng của tâm hồn, vì thế có sức ngân vang sâu xa. Càng nhìn lâu bức ảnh, càng đọc sâu bài thơ càng thấy cảnh đẹp, thơ hay và hồn quê hiện lên lấp lánh. Nhà thơ Đàm Chu Văn đề thơ: “Thanh bình vui bước đường quê/ Như ai ngóng đợi ta về hôm mai/ Đồng vui, lúa quyến chân người/ Làng vui, tiếng trẻ nô cười líu lo”.
Ảnh của Hoàng Long là tĩnh vật. Nhà thơ làm cho tĩnh vật ấy trở nên sống động và tràn ngập niềm vui. 4 câu thơ có 3 từ “vui”. Không gian mở rộng dần: bước chân vui, đồng vui, làng vui. Niềm vui sâu lắng từ bên trong, ấy là sự “quyến luyến”, sự “ngóng đợi ta về” như tiếng lòng của tác giả, lại như lời nhắc nhở đối với người xem ảnh. Và niềm vui tỏa ra mọi nẻo trong “tiếng trẻ nô cười líu lo” thánh thiện hoan ca.
Hoàng Long chụp nhiều cảnh bình minh và hoàng hôn trên nhiều vùng miền quê hương, thế có nghĩa là người nghệ sĩ phải “phục kích” và chờ đợi cái thời điểm ánh sáng vừa chạm vào sự vật. Với ảnh bình minh, ảnh phải được chụp trước khi mặt trời lên và với hoàng hôn, không gian cần phải có mặt trời, đủ không để bóng đêm che mất cảnh vật. Chỉ bấy nhiêu thôi đã thấy “nghề chơi cũng lắm công phu”.
Tác phẩm Vào mùa của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Long |
Tuy nhiên, những cảnh sắc thiên nhiên như vậy không gây khó cho người nghệ sĩ bằng những cảnh lao động, cảnh sinh hoạt của làng quê. Việc cày cấy ở làng quê bao giờ cũng nhiều mồ hôi và cả lam lũ, nhiều niềm vui và cũng nhiều nỗi lo nắng hạn thất thường. Người nghệ sĩ chọn được điểm để bấm máy đã khó, và chọn được cảnh giàu sức sống, ấm áp niềm vui và ngân vang hồn thơ còn khó hơn nhiều. Hoàng Long đã ghi được những bức ảnh giàu chất nghệ thuật như vậy.
Giá trị những bức ảnh của Hoàng Long là hình ảnh nông thôn mới, và vóc dáng người lao động mới, trên hết là tấm lòng của người nghệ sĩ đối với quê hương đất nước. Người nghệ sĩ biết phát hiện cái đẹp, sự giàu có và niềm hạnh phúc ngay trong đời thường, ngay trong nỗi vất vả khó khăn. Nghệ thuật đích thực bao giờ cũng đem đến cho cuộc sống niềm tin yêu.
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao Hoàng Long lại hay chụp ảnh bình minh và hoàng hôn, là bởi vì, với người nông dân, bao giờ họ cũng ra đồng trước khi mặt trời mọc và chỉ trở về khi mặt trời đã khuất sau rặng tre. Người nghệ sĩ đã sống trong không gian và thời gian ấy của người lao động. Thật đáng quý những tấm lòng nghệ sĩ với quê hương. Tôi nghĩ, nhà thơ Đàm Chu Văn nói được tiếng thương của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Long với quê hương mình: “Bò tha thẩn lót lòng cỏ biếc/ Vãn mùa, đồng xao xác rạ rơm/ Vô tư lự, khói xanh vẫn ấm/ Giấc trở mình bỗng thương đất nhiều hơn” (Vãn mùa).
Bùi Công Thuấn