Báo Đồng Nai điện tử
En

10 năm của "đôi cánh chuồn chuồn"

11:02, 25/02/2020

Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2010-2020).

Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2010-2020).

Một cảnh trong vở 29 anh về của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: T.Trọng
Một cảnh trong vở 29 anh về của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: T.Trọng

10 năm, với không ít người có thể qua nhanh như cái chớp mắt nhưng với những người khai sinh, “nuôi nấng” Sân khấu Hoàng Thái Thanh từ những ngày đầu, đó là một hành trình nhọc nhằn, đầy trăn trở…

* Hành trình tự hào

Hành trình 10 năm với những tác phẩm tạo được dấu ấn như: Màu của tình yêu, Nửa đời ngơ ngác, Nửa đời hương phấn, Tục lụy, Bao giờ sông cạn, Bông hồng cài áo, Vườn nho đắng, Con ma nhà họ Hứa, 29 anh về… có thể nói không “tuyên ngôn” nào có sức mạnh bằng chính tác phẩm mình đã tạo ra. Và Sân khấu Hoàng Thái Thanh trong 10 năm đó đã âm thầm, trăn trở, sáng tạo để cống hiến cho công chúng những vở kịch giá trị, được chăm chút đồng bộ từ kịch bản, lời thoại đến diễn xuất của diễn viên, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng... Và dù tác phẩm ra mắt, thành công hay không thành công cũng không thể phủ nhận công sức mà cả tập thể sân khấu đã làm việc nghiêm túc mới tạo dựng đó. Vì thế mà hành trình 10 năm của Sân khấu Hoàng Thái Thanh với 49 vở diễn là một hành trình thực sự đáng tự hào.

Xem vở diễn ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh không chỉ là giải trí mà khán giả còn có những giây phút suy tư, ngẫm ngợi thân phận người, trong mỗi vở người xem có thể thấy bóng dáng, những tâm tư của mình. Để giữ được nguyên tắc làm nghề đó, phải kể đến sự mẫu mực của 2 nghệ sĩ trụ cột của Sân khấu Hoàng Thái Thanh là Thành Hội và Ái Như. NSND Trần Minh Ngọc đã nói rằng, để duy trì được Sân khấu Hoàng Thái Thanh đến ngày hôm nay, những người đứng đầu phải thực sự là những người bản lĩnh...

Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, nghệ sĩ Ái Như đã thật sự xúc động vì 10 năm qua họ đã phải vượt qua hết những khó khăn này đến khó khăn khác, mồ hôi, nước mắt đã rơi để Sân khấu Hoàng Thái Thanh bây giờ vẫn tồn tại với khán giả tri âm.

* Dấu ấn những lớp diễn

Trong một vở diễn, việc xây dựng những lớp diễn là yêu cầu phải có. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi tình hình kịch bản ngày càng yếu, thiếu, một vở kịch có khi kịch bản chỉ là những phác thảo đơn giản vài trang giấy. Rồi diễn viên, đạo diễn không dành đủ thời gian tập dượt. Một vở diễn nhiều khi ráp tập chỉ được 1 tuần thì thời gian đâu mà đào sâu, xây dựng từng tình tiết trong vở diễn. Vì vậy, không ít vở diễn đã trôi vèo khỏi trí nhớ người xem khi những cảnh cuối kết thúc.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã thể hiện được “đẳng cấp” của mình khi trong rất nhiều vở diễn, người xem không khó để nhận ra những lớp diễn được chăm chút rất kỹ. Có những lớp diễn tập trung rất đông diễn viên, đòi hỏi phải có sự tập dượt kỹ càng để tạo nên sự tung hứng nhịp nhàng. Khán giả đã khóc hết nước mắt với lớp diễn Thà xin lại đứa con thơ trong Bao giờ sông cạn. Rồi lớp diễn bà Hiền đau đớn khi nhớ lại giai đoạn bị phụ tình khiến bà bào bắp đến tóe máu tay trong Lạc dòng. Lớp diễn bà Tư lên tăng xông vì con gái bị nghi là kẻ cắp trong Bông hồng cài áo... Còn rất nhiều, rất nhiều lớp diễn nữa mà khi nhắc đến từng vở diễn của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, người ta buộc phải nhớ đến những cảnh gây xao động đó.

Để xây dựng những lớp diễn đó, đạo diễn Thành Hội và Ái Như ngay từ khi hình thành kịch bản phải luôn tự đặt câu hỏi, tự phản biện để tìm ra cách xử lý tốt nhất, từ đó xây dựng được những tình tiết đi từng bước khắc họa sâu sắc tâm trạng nhân vật và chinh phục hoàn toàn người xem. Có những câu chuyện được xử lý trong một bối cảnh đặc trưng, nhân vật được gắn một cái nghề nào đó, Sân khấu Hoàng Thái Thanh tỏ ra hết sức tinh tế khi những người thực hiện tìm hiểu kỹ từng công đoạn để đưa vào các chi tiết. Đó là khi cô giáo Diệu Hoài mải miết se nhang khi trò chuyện với người mẹ chồng đã từng ngăn cản hôn nhân của cô mà cô không biết mặt trong vở 29 anh về. Từng hành động của nhân vật trong lớp diễn thể hiện đầy đủ quá trình của người làm công việc se nhang. Nó không chỉ là sự bổ trợ hành động cho nhân vật mà còn dìu dắt nhân vật qua những biến đổi tâm lý. Hình ảnh cô Diệu Hoài cúi mặt đau đớn trên bàn se nhang, người xem thấy tim mình như rung lên những xúc cảm, những xót xa của cô Hoài trong hơn hai chục năm chờ đợi tin chồng...

Dấu ấn của Sân khấu Hoàng Thái Thanh trong 10 năm qua luôn đến từ những điều nhỏ nhặt nhất. Kỹ lưỡng trong từng khâu để tạo thành dấu ấn rất riêng của trong làng sân khấu thành phố hôm nay. Và cứ thế, những con người coi sân khấu là thánh đường cứ mải miết đi dù không biết chắc là sau dấu mốc 10 năm nữa, cánh chuồn chuồn (biểu tượng của Sân khấu Hoàng Thái Thanh) sẽ tiếp tục bay hay dừng lại. Họ chỉ biết rằng, họ đang làm những điều mình say mê, được cống hiến, được cùng khán giả hít thở bầu không khí nghệ thuật thiêng liêng.

Trí Trọng

Tin xem nhiều