Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Trái tim đã ngủ yên

11:12, 27/12/2019

Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, công chúng thường nhớ đến những ca khúc đã đi vào lòng người như: Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… Sự ra đi của ông vào ngày 26-12 vừa qua đã để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhiều thế hệ khán giả.

Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, công chúng thường nhớ đến những ca khúc đã đi vào lòng người như: Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… Sự ra đi của ông vào ngày 26-12 vừa qua đã để lại niềm tiếc thương vô hạn với nhiều thế hệ khán giả.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính (trái) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Trần Viết Bính (trái) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1925- 2019) quê gốc tại Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha của ông là “trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú, thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào”. Sau đó, ông vào làm thợ máy Nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An.

* Người nhạc sĩ tài hoa

Thuở bé, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý học ở Trường quốc học Vinh. Năm 1944, ông đi hát trong phòng trà ở Vinh kiếm sống. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng ông coi tác phẩm đầu tay của mình là bài Ai xây chiến lũy được viết vào năm 1949. Ông là một trong 5 nhạc sĩ đầu tiên (gồm Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao và Nguyễn Văn Tý) thành lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Đồng Nai ngày mới là ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết cho Đồng Nai nhân dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Ca khúc không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn là lời tâm tình kể lại những câu chuyện, địa danh lịch sử, sự hồi sinh và phát triển của vùng đất gian lao mà anh dũng. Cùng với các nhạc phẩm khác, âm nhạc của của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã tạo dựng được chỗ đứng nhất định trong trái tim nhiều người lớn tuổi và cả những người trẻ Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

Tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không phải quá nhiều, nhưng dường như bài nào ra đời cũng được công chúng đón nhận. Những ca khúc Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa... đã và đang được người yêu nhạc ưa thích và thuộc nằm lòng. Lời các ca khúc thấm đẫm lòng yêu đời, yêu người và đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước...

Trong mỗi ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sử dụng khéo léo chất liệu dân ca của vùng miền, chất trữ tình qua lời ca trau chuốt. Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác nhiều bài hát về đề tài người phụ nữ, thiếu nhi như: Bài ca phụ nữ Việt Nam, Em đi làm tín dụng, Cô nuôi dạy trẻ, Màu áo chú bộ đội, Tôi là gà trống, Gà mái mơ… Ghi nhận tài năng và sự cống hiến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, năm 2000, Nhà nước đã trao tặng cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Mặc dù trái tim nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã ngừng đập nhưng “tài sản” ông để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau luôn là những thanh âm trong trẻo dâng đời, dâng người. Công chúng yêu nhạc hôm nay vẫn tin rằng cho dù cõi âm dương đã nghìn trùng cách trở, người nhạc sĩ tài hoa ấy vẫn thong dong đâu đó như trong lời của Dư âm: “Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió. Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng…”.

* Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với Đồng Nai

Những nghệ sĩ của Đồng Nai từng quen biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, hát nhạc của ông khi hay tin ông mất đều bày tỏ niềm tiếc nuối khôn nguôi bởi lẽ, ông là nhạc sĩ có sự nghiệp và sức ảnh hưởng lớn đến công chúng. Nhạc sĩ Trần Viết Bính (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho biết, ông là một trong những đồng nghiệp cùng thời với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, có rất nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện và cùng đi sáng tác chung.

“Năm 1971, khi tôi đến nhà nhạc sĩ Mộng Lân (Hà Nội) chơi và gặp Nguyễn Văn Tý đang ở đó. Tôi có “khoe” vừa hoàn thành xong ca khúc Hạt gạo làng ta và hát cho Nguyễn Văn Tý nghe, nhờ anh góp ý kiến. Sau khi hát xong, anh khen rằng quá hay và khuyên tôi không cần phải thay đổi câu từ nào. Sau đó, ca khúc Hạt gạo làng ta được thu âm, phát sóng rộng rãi trên Đài Tiếng nói Việt Nam” - nhạc sĩ Trần Viết Bính nhớ lại.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đi sáng tác ở Đồng Nai (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở giữa, đội mũ). Ảnh: Trần Viết Bính
Hội Nhạc sĩ Việt Nam đi sáng tác ở Đồng Nai (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở giữa, đội mũ). Ảnh: Trần Viết Bính

Nhạc sĩ Trần Viết Bính kể thêm rằng, nhân kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, UBND tỉnh đã mời các nhạc sĩ như: Trần Long Ẩn, Thế Bảo, Văn Thành Nho, Nguyễn Văn Tý… về Đồng Nai sáng tác. “Tôi nhớ, lúc đó Nguyễn Văn Tý chân đã yếu nhưng anh vẫn hăng hái đi thực tế. Ngày đến xã Tà Lài (huyện Tân Phú), do đường gập ghềnh, chân anh đau không đi được nên tôi đành mượn chiếc xe đạp, với họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ (nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cho Nguyễn Văn Tý ngồi trên xe và cùng đẩy. Sau chuyến đi, anh đã sáng tác được ca khúc Đồng Nai ngày mới…” - nhạc sĩ Trần Viết Bính nói.

Là người chuyển soạn ca khúc Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua độc tấu guitar, giảng viên Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai Cao Hồng Sơn cho hay: “Đến nay, bản chuyển độc tấu này đã sống gần được 20 năm. Hiện độc tấu guitar Dáng đứng Bến Tre đã được Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai đưa vào chương trình giảng dạy của nhà trường để đào tạo các tài năng âm nhạc”.

Phó hiệu trưởng Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khoa cho biết, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những “cây đại thụ” âm nhạc lớn của âm nhạc Việt Nam. Dù ông ra đi nhưng những ca khúc bất hủ chắc chắn mãi là những ca khúc trong trái tim của những người nghe nhạc.

Ông Nguyễn Ngọc Khoa chia sẻ: “Tôi đã từng thể hiện rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý như: Dáng đứng Bến Tre, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Đồng Nai ngày mới… Âm nhạc của ông rất chân thật và đi vào lòng người, mang đến một niềm tin mới về tình yêu, cuộc sống. Hầu như ca khúc nào của ông cũng có tính học thuật và tính thẩm mỹ cao, điều mà chúng tôi - những thế hệ trẻ phải học hỏi, noi theo”.

Ly Na

Tin xem nhiều