Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày biển ấm, tình yêu và khát vọng

11:12, 31/12/2019

Năm 2018, nhà văn Hoàng Ngọc Điệp in 2 tác phẩm: Chuyện Bin mũi hếch (tập truyện thiếu nhi) và Cù lao yêu dấu (truyện vừa). Năm 2019 chị lại in tập truyện ngắn Ngày biển ấm (Nhà xuất bản Đồng Nai).

Năm 2018, nhà văn Hoàng Ngọc Điệp in 2 tác phẩm: Chuyện Bin mũi hếch (tập truyện thiếu nhi) và Cù lao yêu dấu (truyện vừa). Năm 2019 chị lại in tập truyện ngắn Ngày biển ấm (Nhà xuất bản Đồng Nai). 

Bìa tập truyện ngắn
Bìa tập truyện ngắn Ngày biển ấm

Ngày biển ấm là một lẵng hoa đẹp góp thêm vào vườn hoa rực rỡ của văn nghệ Đồng Nai mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai trong năm 2019.

* Đổ vỡ và khát vọng

Ngày biển ấm có 13 truyện ngắn thì 10 truyện miêu tả những cuộc tình và hôn nhân đổ vỡ. Dưới góc nhìn của người phụ nữ về tình yêu và hôn nhân, nhà văn đã thâm nhập rất sâu vào nhiều tình cảnh gia đình, chia sẻ những đau thương bất hạnh và nói lên khát vọng tình yêu hạnh phúc của người đàn bà, bởi vì: “Chúng tôi là đàn bà, tạo vật mong manh và bất ổn” (tr.198).

Đó là những mối tình đầu trong trắng, đơn sơ mà vì hoàn cảnh cuộc sống, lứa đôi lạc mất nhau. Gió từ dĩ vãng là tình yêu của Huệ với Du, một người con miền Nam tập kết ra bắc. Khi Huệ 16 tuổi thì Du đi bộ đội. Anh vào Bình Phước và hy sinh. Tình yêu ấy trở thành ký ức thiêng liêng của Huệ. Người ấy là tình yêu của Thụy với Dân. Thụy là con giám đốc nông trường. Dân là thợ lái máy cày cho nông trường. Khi Thụy 16 tuổi thì Dân vào Nam và cưới vợ. Thụy rất đau khổ. 30 năm sau gặp lại Dân khi anh là chủ tịch hội nông dân, Thụy thăm hỏi và chia sẻ tình cảnh của Dân. Cả hai chia sẻ với nhau sự ngậm ngùi.

Đổ vỡ trong hôn nhân có nhiều nguyên nhân. Những khác biệt về tính cách và hoàn cảnh đã xô đẩy người đàn bà và người đàn ông sống chung trong một mái nhà vào những tình thế không lối thoát. Nhiều trường hợp là sự can dự của ngưới thứ ba. Trong tình cảnh ấy, con đường tự giải thoát người phụ nữ là ly hôn. Đó là sự tự trọng, và để trái tim không còn bị tổn thương.

Trong truyện Hai người đàn bà, Hậu là vợ trước của Hiến, vì tai nạn dẫn đến vô sinh. Hậu quyết định ly dị với Hiến dù Hiến van xin chị ở lại. Ân là vợ sau của Hiến, sống với Hiến gần 20 năm, có hai con, nhưng Hiến chỉ làm thơ nhớ Hậu, thành ra cuộc sống vợ chồng xa cách. Hiến không làm ra tiền, ở nhà giữ con cho vợ đi làm. Và Ân ngả vào vòng tay của người tài xế có vợ có con. Khi Hiến bị tai biến chết, Ân thấy có lỗi. Hậu đã về thắp nhang cho Hiến và làm hòa với Ân.

Gấp trang văn Ngày biển ấm lại, trong tôi mở ra nhiều biên độ tư tưởng. “Người ta có quyền sống hạnh phúc, dù thứ hạnh phúc nhỏ nhoi, vụn vặt” (tr.156). Chính vì thế mà nhà văn đã tháo tung những “chiếc lồng chật hẹp” định kiến để người phụ nữ được tự do sống với cuộc sống riêng của mình.

Truyện ngắn Ngày biển ấm là chuyện tình của Thẩm với 4 người đàn ông. Luận là người tình đầu. Anh là sinh viên hàng hải. Luận đi biển gặp bão không trở về. Sau Luận, Thẩm đã ly dị 2 lần. Trong một lần đi du lịch, Thẩm gặp Khang, một họa sĩ. Cô thổ lộ hết những dang dở với Khang và cảm thấy “Nỗi cay đắng buồn đau chất chứa bấy lâu trong lòng Thẩm như đã trôi tuột xuống biển”.

Tập truyện Ngày biển ấm đặt vấn đề tình yêu của những người đồng tính (Chuyện của Túy, Mười ngày). Nhà văn thương cho cặp đồng tính nữ là Túy và Diệu Ngọc khi hai người bất chấp mọi đe dọa thuê nhà sống chung với nhau. Bởi vì, “người ta có quyền sống hạnh phúc dù là thứ hạnh phúc nhỏ nhoi vụn vặt” (tr.156). Nhà văn kết luận: “Tình yêu rốt cuộc đã thắng” (tr.157). Nhưng với bệnh đồng tính của ông Tân, kỹ sư địa chất, chồng của Nhàn (Mười ngày), tác giả lại cho rằng: “Ông ta không phải là kẻ đồng tính thật mà chỉ là sự tha hóa”…

Những truyện viết về tình yêu và sự đổ vỡ thể hiện tình cảm yêu thương sâu nặng với người phụ nữ. Nhà văn đã phải thốt lên: “Chao ôi là nỗi thống khổ của đàn bà” (tr.194). Thái độ của nhà văn là ca ngợi tình yêu thủy chung nhưng cũng ủng hộ việc giải phóng phụ nữ. 

* Ngày biển ấm và nghệ thuật văn chương

Hoàng Ngọc Điệp có vốn sống dồi dào khi viết về những đổ vỡ gia đình và những nghĩ suy của người phụ nữ trong nhiều hoàn cảnh cuộc sống, dù họ là những trí thức hay là những người lao động bình dân (Giao mùa, Cù lao, Hàng xóm). Tư tưởng làm nên giá trị những trang văn của Hoàng Ngọc Điệp là tình yêu thương sâu nặng đối với con người, đặc biệt là phụ nữ. Trước những đau khổ bất hạnh, nhà văn nhìn ra chân lý: “Cuộc đời thật kỳ diệu. Nỗi đau nào, dù kín hay hở miệng rồi cũng được thời gian chữa lành”(tr.67). Vì, “Thời nào thì thời, con người vẫn là vốn quý” (tr.83). “Mỗi người có cách sống riêng” (tr195)…

Hoàng Ngọc Điệp có những trang văn tả cảnh rất đẹp và lãng mạn (tr. 87, 97, 108, 124, 224…), làm cho không gian truyện sáng lên và thể hiện sự tinh tế của nhà văn trong việc quan sát và khám phá cái đẹp. Những trang văn viết về khung cảnh và đời sống sinh hoạt làng quê (Khói làng) cũng đầy ắp cảm xúc của một người mà những kỷ niệm và hình ảnh quê hương đã trở thành máu thịt văn chương.

Chất liệu được khai thác để dựng truyện là những chuyến đi, gặp gỡ, nghe kể chuyện và thuật lại. Chẳng hạn, nhân vật kể chuyện đi trại sáng tác, trại nghỉ dưỡng, đi du lịch, về thăm làng, đi viếng mộ (Cám ơn mùa thu, Cù lao, Ngày biển ấm, Khói làng, Hai người đàn bà, Ba người, Mười ngày). Vì thế tập truyện Ngày biển ấm thấp thoáng bóng dáng truyện ký. Những truyện hư cấu sáng tạo vắng bóng trong tập truyện này.

Bùi Công Thuấn

 

Tin xem nhiều