Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngẫm Kiều: "Tâm sự Hoạn Thư"

12:12, 31/12/2019

Với người Việt Nam, mỗi khi nhắc đến người phụ nữ có tính ghen tuông, người ta thường gọi đó là Hoạn Thư. Là nhân vật trong Truyện Kiều, Hoạn Thư đã trở thành một trong những hình mẫu điển hình đi vào cuộc sống cùng với Thúy Kiều, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Sở Khanh, Từ Hải, Tú Bà…

Với người Việt Nam, mỗi khi nhắc đến người phụ nữ có tính ghen tuông, người ta thường gọi đó là Hoạn Thư. Là nhân vật trong Truyện Kiều, Hoạn Thư đã trở thành một trong những hình mẫu điển hình đi vào cuộc sống cùng với Thúy Kiều, Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Sở Khanh, Từ Hải, Tú Bà…

Một cảnh trong vở Ngẫm Kiều. Ảnh: Linh Đoan
Một cảnh trong vở Ngẫm Kiều. Ảnh: Linh Đoan

Nhưng với vở kịch Ngẫm Kiều mới ra mắt tại Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn, có thể thấy những người thực hiện đang muốn “bênh vực” cho Hoạn Thư.

* Vì thiếp yêu chàng!

Ngẫm Kiều là một lát cắt về thân phận nàng Kiều mà NSND Hồng Vân làm đạo diễn để góp mặt trong chương trình Nàng Kiều do Viện Goeth hỗ trợ thực hiện vào tháng 10-2019 với sự tham gia của 4 đạo diễn: NSND Hồng Vân, NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai, đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer.

Từ một lát cắt chỉ khoảng 25 phút, nhận thấy những vấn đề từ câu chuyện Kiều của Nguyễn Du quá hay và cần được ngẫm nghĩ nhiều hơn nên tác giả Lê Quốc Nam đã phóng tác, viết thêm để Ngẫm Kiều trọn vẹn hơn về suy nghĩ của các thân phận, của sự lựa chọn cách sống, tình yêu ở đời. Với sự góp sức của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, NSND Hồng Vân đã quyết định chọn vở nhạc kịch Ngẫm Kiều như một sản phẩm mà chị tâm đắc để giới thiệu với khán giả ở khu vực Chợ Lớn trong dịp chị ra mắt Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn.

Vở nhạc kịch dài khoảng 90 phút, sơ lược qua cuộc đời trầm luân của Kiều với sự vùi dập trong tay những gã đàn ông bội bạc, hèn hạ khiến nàng đau đớn và mất niềm tin. Thế rồi, Thúc Sinh xuất hiện như một tia sáng đời nàng. Ngẫm Kiều tập trung ở mối quan hệ tay ba Thúy Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư. Một cuộc chạm trán giữa Thúc Sinh và hai người phụ nữ. Theo quan niệm cũ, sẽ là Hoa Nô bị vùi dập và Hoạn Thư đắc thắng, hả hê. Thế nhưng, với Ngẫm Kiều là nỗi đau của cả hai. Người bị vùi dập đau đớn một, thì người đang vùi dập lại đau đớn gấp bội. Dù ở thời của họ, chuyện trai năm thê bảy thiếp là thường tình và được xã hội cho phép, nhưng có bao nhiêu người đàn bà chấp nhận và bao nhiêu người đàn bà âm thầm ôm một nỗi đau mà xã hội trắng trợn đối xử tệ bạc với phụ nữ? Bởi không chỉ là sự san sẻ tình cảm mà với phụ nữ mấy ai thích phận chồng chung. Một nỗi đau như bóp nghẹt tim mình khi thấy chồng như thất hồn trước bóng sắc khác. Thân xác đang níu giữ trong tay mà hồn thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn, vuột mất khỏi tầm với...

Đó là những phút giây đau buốt khi Hoạn Thư chìm đắm trong men say để cố quên đi sự chua xót, bẽ bàng. Những câu hỏi như cứa ruột, cứa gan cứ lặp đi lặp lại: Ta đã làm gì sai? Ta đã sai điều gì? “Nếu ta là người khác chắc gì Kiều đã giữ được mạng sống. Ta đâu có dùng nhục hình, ta đâu có lăng mạ. Chính các người, các người đã xổ toẹt lên đạo lý…” - trong cơn say, Hoạn Thư đã đau đớn thốt lên như thế.

Và khi Thúc Sinh trách nàng sao ghen tàn độc, ghen như giết người không dao, tại sao không dằn vặt, không giết chàng đi để thỏa nỗi hờn thì Hoạn Thư chỉ biết nấc lên: “Vì thiếp yêu chàng!”.

* Nối dài những suất diễn

So với Ngẫm Kiều trong chương trình Nàng Kiều, trọn vở Ngẫm Kiều lần này tạo cảm giác dễ chịu và cảm tình với người xem hơn. Thành phần diễn viên cũng có nhiều thay đổi. Đa số các diễn viên được chọn đều phải có khả năng hát live (hát sống).

Vở chỉ khoảng 90 phút và có lẽ là vở kịch ngắn nhất ở Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn trước giờ nhưng người xem không cảm thấy hụt hẫng vì khá súc tích và tập trung được đúng ý đồ vở diễn muốn nói.

Và quả thật, khi toàn bộ diễn viên hát live, cảm xúc mà họ đem đến cho khán giả hoàn toàn khác biệt so với Ngẫm Kiều trong chương trình Nàng Kiều vì một số lý do phải mở đĩa thu sẵn. Khi diễn viên hát live, có thể hụt hơi, có thể chênh phô một chút do ảnh hưởng sự mất sức khi diễn nhưng vẫn dễ được khán giả chấp nhận vì mang đúng tâm trạng nhân vật, hát lên được nỗi lòng nhân vật.

Nhân vật Đạm Tiên được đưa vào vở có kèm thủ pháp kịch kinh dị, được xem như “đặc sản” của Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn. Thế nhưng, thật sự mảng miếng này chưa đủ sức để tạo ám ảnh, như một sự tự vấn của Kiều phải ứng xử như thế nào với những ân oán của đời mình. Ca sĩ Quốc Đại cần mạnh mẽ hơn để thể hiện thành công nhân vật Từ Hải.

Vì là sân khấu mới nên có lẽ bộ phận kỹ thuật của Hồng Vân - Chợ Lớn cần điều chỉnh qua mỗi suất diễn để hệ thống âm thanh, ánh sáng chuẩn hơn. Nhìn chung, Ngẫm Kiều là một nỗ lực của Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn trong thời buổi sàn kịch khá u ám. Vở sẽ còn các suất diễn kéo dài đến cuối năm tại Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn. Vở có sự tham gia của các diễn viên: My Trần, Phạm Yến, Trịnh Duy Anh, Tuấn Dũng, Lê Lộc, Như Thùy, ca sĩ Quốc Đại…

Linh Đoan

Tin xem nhiều